1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hàn Quốc báo động về thế hệ "nô lệ vô hồn"

(Dân trí) - Tại một lớp học của các học sinh 10 tuổi, Kim Nam-Hee đã thẳng thắn cảnh báo rằng bọn trẻ đang có nguy cơ mắc một chứng nghiện mà có thể biến chúng thành "các nô lệ vô hồn".

Các học sinh khoe dế cưng sau một lớp học cai nghiện điện thoại ở Seoul.
Các học sinh khoe "dế cưng" sau một lớp học cai nghiện điện thoại ở Seoul.

Cảnh báo "huỵch toẹt" của nhà vận động xã hội diễn ra sau một cuộc khảo sát có tựa đề "Ai là gia đình thực sự của bạn?". Cuộc khảo sát đã đề nghị các sinh viên so sánh thời gian họ sử dụng điện thoại thông minh và thời gian dành cho các thành viên trong gia đình.

Niềm tự hào của Hàn Quốc về khả năng công nghệ cao, từ internet băng thông rộng siêu nhanh cho tới các smartphone mới nhất của hãng Samsung, giờ đây lại vấp phải một nỗi lo về chứng nghiện kỹ thuật số, thậm chí các trẻ em chưa tới tuổi đến trường cũng có triệu chứng nghiện công nghệ.

Hàn Quốc từ lâu đã thúc đẩy công nghệ internet như một động lực chính cho sự phát triển, và thủ đô Seoul thường được nhắc tới là "thành phố internet nhất" hành tinh.

Khoảng 70% trong số 50 triệu dân của Hàn Quốc sở hữu điện thoại thông minh - tỷ lệ cao nhất trên thế giới, theo công ty nghiên cứu thị trường eMarket.

Nhưng sự phát triển về các sản phẩm công nghệ đã khiến các bậc phụ huynh lo lắng về ảnh hưởng của nó đối với con cái còn trẻ của họ, thậm chí là rất trẻ. Các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới cũng có lo ngại này, nhưng chính phủ Hàn Quốc tỏ ra quyết liệt nhất trong việc đối phó.

"Chúng tôi nhận thấy sự cấp bách nhằm thực hiện một nỗ lực sâu rộng để giải quyết mối nguy hiểm ngày càng gia tăng về cơn nghiện mạng..., đặc biệt là do sự phổ biến của các thiết bị thông minh", Bộ khoa học Hàn Quốc cho biết khi công bố một gói chính sách hôm 13/6.

Sáng kiến, được phối hợp với Bộ y tế và Bộ giáo dục, yêu cầu các trường học phải tổ chức các lớp học đặc biệt về nghiện internet và tổ chức các “trại huấn luyện” du lịch để giúp các sinh viên cai nghiện mạng.
 
Theo số liệu của chính phủ, hơn 80% người Hàn Quốc tuổi từ 12-19, sở hữu điện thoại thông minh trong năm 2012, gấp đôi con số của năm 2011.

Gần 40% con số trên mất hơn 3 giờ để vào mạng xã hội, tán gấu hoặc chơi game, dù các giaó viên đã nổ lực tịch thu tất cả điện thoại vào mỗi buổi sáng và trả lại cho học sinh khi lớp học kết thúc.

Một cuộc khảo sát thường niên của chính phủ cũng ước tính gần 20% thanh thiếu niên “bị nghiện” điện thoại di động.

Chứng nghiện được xác định bởi các một loạt các triệu chứng như, lo lắng và chán nản khi bị cách ly khỏi điện thoại, liên tục thất bại trong nỗ lực giảm thời lượng sử dụng điện thoại và cảm thấy vui vẻ khi sử dụng điện thoại hơn là ở bên bạn bè và gia đình.
 
Các bậc phụ huynh ôm con cái họ tại một lớp học cai nghiện điện thoại di động tại Seoul.
Các bậc phụ huynh ôm con cái họ tại một lớp học cai nghiện điện thoại di động tại Seoul.

Không chỉ các thanh thiếu niên mới gặp phải vấn đề trên và chính sách giáo dục của chính phủ được áp dụng với cả các trường tiểu học và thậm chí là các trường mẫu giáo.

“Nhiều bà mẹ trẻ ngày nay để các con trẻ chơi điện thoại di động nhiều giờ để có được chút yên tĩnh ở nhà. Tôi nghĩ điều đó rất nguy hiểm”, Lee Jung-Hun, một nhà tâm lý tại Đại học Daegu nói. “Càng trẻ thì càng dễ bị nghiện”.

Hàn Quốc đã nhận thức được những hậu quả nghiêm trọng từ cơn nghiện internet. Trong năm 2010, cảnh sát đã bắt giữ một cặp đôi để đứa con 3 tuổi của họ đói đến chết trong khi chơi game trực tuyến về nuôi một đứa trẻ ảo. Một phụ nữ bị bắt hồi năm ngoái sau khi sinh trong toilet của một quán cà phê internet, nơi cô này chơi game trong nhiều ngày, và ruồng bỏ đứa con sơ sinh.

Cựu giáo viên Kwon Jang-Hee, trưởng nhóm xã hội vận động chống lại chứng nghiện thiết bị số, đã đi khắp đất nước kể từ năm 2005 để giảng giải cho các học sinh và phụ huynh về những mối nguy hiểm của phong cách sống nghiện công nghệ.

“Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi giờ đây là điện thoại thông minh”, ông Kwon nói, lưu ý rằng các bậc phụ huynh ít kiểm soát việc sử dụng điện thoại di động của con cái hơn so với máy tính tại nhà.

Kwon nói ông đã có kinh nghiệm kinh nghiệm về một số trường hợp đặc biệt, trong đó con cái đe dọa cha mẹ bằng bạo lực hoặc tự làm tổn thương bản thân khi bị cách ly khỏi điện thoại di động.

Theo ông Kwon, các bậc phụ huynh cần cảnh giác sớm. Ông Kwon cũng cảnh giác các bậc phụ huynh sử dụng điện thoại để dỗ dành con cái đang khóc và nói rằng việc mua điện thoại cho trẻ em nên bị hoãn lại càng lâu càng tốt.

Bà nội trợ Park Sung-Hee, người gần đây đã tham gia một trại huấn luyện cách ly với điện thoại đông minh do ông Kwon tổ chức tại Seoul, cho hay cô đã tuyệt vọng trong việc buộc 2 cậu con trai tuổi thiếu niên giảm thời gian sử dụng điện thoại.

“Khi tôi kiểm tra bọn trẻ vào ban đêm, tôi có thể nhìn thấy các màn hình đang sáng lên dưới chăn của chúng”, Park nói.

Trong bài giảng gần đây trước các học sinh 10 tuổi tại một ngôi trường ở Seoul, Kim Nam-Hee, một thành viên nhóm xã hội của ông Kwon, đã nhấn mạnh tới sự cạnh tranh của hệ thống giáo dục Hàn Quốc, cảnh báo rằng các sinh viên nghiện điện thoại di động có thể trở thành những kẻ thất bại khi lớn lên.

Kim đã lấy ví dụ về hệ thống trường Waldorf tại Mỹ, vốn có chính sách không máy tính nghiêm khắc, và có chi nhánh tại Thung lũng Silicon ở California, nơi nổi tiếng với các tập đoàn công nghệ như Google và Yahoo.

“Trong khi các bạn có thể trở thành những nô lệ vô hồn của điện thoại di động, những người Mỹ tài năng đứng sau những đứa trẻ này lại không trao chúng cho con cái họ”, Kim cảnh báo.

“Nếu bạn sử dụng điện thoại quá nhiều như iPhone mà không sử dụng tới bộ não, cuối cùng bạn sẽ mất dần khả năng và năng lực bộ não để sáng tạo những thứ tuyệt vời như iPhone”, Km nhấn mạnh.

An Bình
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm