Hầm trú ẩn triệu đô tại New Zealand - điểm trốn dịch của nhà giàu Mỹ
(Dân trí) - Những ngôi nhà với căn hầm trị giá hàng triệu USD tại New Zealand đã trở thành địa điểm lý tưởng để giới nhà giàu Mỹ “chạy trốn” khỏi ổ dịch Covid-19.
Khi dịch Covid-19 càn quét nước Mỹ hồi đầu tháng 3, giám đốc điều hành một công ty tại Thung lũng Silicon đã liên hệ với nhà sản xuất hầm trú ẩn Rising S Co. có trụ sở tại Texas. Ông muốn biết bằng cách nào để có thể mở cánh cửa bí mật của căn hầm trị giá hàng triệu USD nằm sâu hơn 3 mét dưới lòng đất tại New Zealand.
Gary Lynch, quản lý của Rising S Co., cho biết vị giám đốc tại Thung lũng Silicon vẫn chưa sử dụng hầm trú ẩn tại New Zealand và cũng không nhớ làm thế nào để mở cửa hầm.
“Ông ấy muốn xác nhận mã mở cửa, hỏi về nguồn điện, nước nóng và liệu rằng ông ấy có cần thêm máy lọc nước hay không khí không”, Bloomberg dẫn lời Lynch nói.
Doanh nhân này đang vận hành một công ty tại Bay Area nhưng sống ở New York - nơi được xem là tâm dịch Covid-19 tại Mỹ.
“Ông ấy muốn chuyển tới New Zealand để chạy trốn khỏi tất cả những gì đang xảy ra”, Lynch nói, song từ chối tiết lộ danh tính chủ sở hữu căn hầm vì muốn giữ kín thông tin khách hàng.
Từ nhiều năm nay, New Zealand nổi lên như một vùng đất lý tưởng trong kịch bản sinh tồn của giới nhà giàu Mỹ trong trường hợp xảy ra thảm họa “ngày tận thế”, giống như sự xuất hiện của một mầm bệnh làm tê liệt cả thế giới.
Nằm tách biệt so với đất liền cách bờ biển phía nam của Australia hơn 1.600 km, New Zealand chỉ có khoảng 4,9 triệu dân. Quốc đảo xanh và sạch này nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên, các chính trị gia cởi mở và hệ thống y tế vượt trội.
Trong những tuần gần đây, New Zealand được khen ngợi vì cách ứng phó với đại dịch Covid-19. Nước này đã thực thi lệnh phong tỏa kéo dài 4 tuần từ sớm và hiện ghi nhận số ca hồi phục nhiều hơn số ca nhiễm.
Theo thống kê của CNN, New Zealand cho đến nay mới chỉ ghi nhận 13 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số người chết tại Mỹ đã vượt 42.500. Số ca mắc Covid-19 cũng lên tới gần 800.000 người và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong những tuần tới.
Rising S Co. đã xây dựng khoảng 10 hầm trú ẩn cá nhân tại New Zealand trong những năm gần đây. Một hầm trú ẩn nặng khoảng 150 tấn có giá trung bình khoảng 3 triệu USD. Tuy nhiên, nếu được trang bị thêm các tiện nghi khác như phòng tắm hạng sang, phòng chơi game, phòng bắn súng, phòng tập gym, phòng chiếu phim hay giường bệnh, giá của hầm trú ẩn có thể lên tới 8 triệu USD.
Chạy trốn khỏi đại dịch
Một số người giàu ở Thung lũng Silicon đã chuyển tới New Zealand khi dịch Covid-19 có xu hướng leo thang. Ngày 12/3, Mihai Dinulescu, 34 tuổi, đã quyết định gác lại công ty khởi nghiệp tiền ảo, để tới đất nước New Zealand xa xôi.
“Nỗi sợ của tôi là phải rời đi hoặc bây giờ hoặc không bao giờ, vì tôi nghĩ họ có thể bắt đầu đóng cửa biên giới. Tôi có cảm giác rằng chúng tôi cần rời đi”, Dinulescu cho biết.
Dinulescu đóng gói hành lý, để lại đồ đạc cho bạn bè và mua vé máy bay chuyến sớm nhất có thể. Trong 12 giờ, anh cùng vợ đã có mặt trên chuyến bay tới Auckland, New Zealand. 4 ngày sau đó, New Zealand đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Dinulescu nói rằng nhiều người anh biết đã không kịp tới New Zealand trước khi nước này đóng cửa.
Dinulescu hiện làm việc tại Ao Air, một công ty khởi nghiệp nhỏ thiết kế mặt nạ lọc khí để cạnh tranh với N95. Nhà đồng sáng lập của công ty này, Dan Bowden, người New Zealand, cho biết đã có hơn 10 đối tác tiềm năng trong giới công nghệ Mỹ muốn hợp tác với anh kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, nhưng anh vẫn cảnh giác với những lời đề nghị như vậy.
"Một số người lo sợ và liên lạc với tôi chỉ vì họ muốn có thị thực. Một nhà đầu tư tiềm năng tại Mỹ thậm chí còn hỏi rằng liệu ông ấy có đủ điều kiện để định cư ở New Zealand không nếu tăng đầu tư vào công ty khởi nghiệp này”, Bowden cho biết.
New Zealand sẽ cấp thị thực cho nhà đầu tư với giá trị đầu tư khoảng 6 triệu USD trong vòng 3 năm.
Năm 2018, New Zealand thông qua luật hạn chế người nước ngoài mua nhà tại nước này, một phần để đối phó với việc người Mỹ ngày càng thâu tóm nhiều khu đất “vàng”. Đây là rào cản đối với Graham Wall - một nhà môi giới bất động sản hạng sang tại New Zealand.
Wall cho biết trong những tuần gần đây, ông nhận được khoảng 6 cuộc gọi từ những người Mỹ giàu có với hy vọng có thể mua được những căn nhà tại hòn đảo này.
“Tất cả họ đều nói như thể New Zealand là nơi an toàn nhất bây giờ. Tin này xuất hiện từ trước dịch Covid-19”, Wall nói thêm.
Trong những năm qua, giới nhà giàu Mỹ đã tìm cách sở hữu các bất động sản tại New Zealand, trong đó có nhà đầu tư tài chính Julian Robertson, đạo diễn phim Hollywood James Cameron và đồng sáng lập PayPal Holdings Peter Thiel.
Dù không sống trong biệt thự tại New Zealand, nhưng Dinulescu không có kế hoạch quay lại Thung lũng Silicon cho đến khi dịch bệnh lắng xuống. Hiện anh cùng vợ sống trên đảo Waiheke - nơi chỉ có khoảng 9.000 dân, trong một ngôi nhà 2 tầng với 3 phòng ngủ có tầm nhìn hướng biển. Giá thuê ngôi nhà này là 2.400 USD/tháng, chưa bằng 1/3 so với mức giá căn hộ 2 phòng của họ ở San Francisco, Mỹ.
Perrin Molloy, một thợ xây dựng tại địa phương sống trên đảo từ năm 11 tuổi, cho biết Waiheke là "sân chơi của các tỷ phú". Perrin thường được liên hệ để sửa chữa các biệt thự lớn trên đảo, trong đó nhiều căn bị bỏ trống quanh năm.
“Những căn biệt thự này được thiết kế làm nơi trú ẩn cho các tỷ phú giàu có, những người muốn chạy trốn khỏi những gì đang xảy ra với phần còn lại của thế giới”, Perrin cho biết.
Tại Waiheke, thợ xây dựng thường không biết danh tính chủ nhân của các căn biệt thự và việc cải tạo liên quan đến những căn nhà tránh “ngày tận thế” là chuyện thường xuyên xảy ra. Perrin cho biết một trong những đồng nghiệp của ông đã xây dựng ngôi nhà 12 triệu USD tại một vịnh tư nhân. Căn nhà có đường hầm dẫn khí đủ chỗ cho 4 người.
"Đây rõ ràng là một đường hầm thoát hiểm dưới tầng hầm”, Perrin chia sẻ.
Thành Đạt
Theo Bloomberg