1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải pháo Mỹ làm thay đổi bản chất hải chiến

Với tốc độ Mach.7 và đạt tầm bắn tới 160km, pháo ray điện từ của Hải quân Mỹ được đánh giá sẽ làm thay đổi tính chất hải chiến trong tương lai.

Hải pháo từng là vũ khí tấn công chính trên các chiến hạm. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của công nghệ tên lửa từ đầu thế kỷ 20, hải pháo hiện nay đang tỏ ra lép vế do thua kém về tầm bắn, độ chính xác, cũng như khả năng công phá.

Tất cả những yếu tố trên có thể sẽ thay đổi với công nghệ pháo ray điện từ. Pháo ray điện từ về nguyên lý sử dụng nguyên tắc đảo chiều từ trường để tạo lực đẩy điện từ giúp tạo sơ tốc cực lớn cho đầu đạn (xuyên phá động năng) nằm giữa hai ray điện.

Hệ thống sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng điện nên kết cấu hệ thống đơn giản và tận dụng không gian vốn rất hạn chế trên hạm để mang được cơ số đạn chiến đấu lớn hơn.

Ngoài ra, việc không phải mang theo liều phóng đạn hay động cơ tên lửa vốn là yếu tố dễ gây cháy nổ cũng giúp tăng cường khả năng sống sót của chiến hạm trên biển.


Siêu hạm lớp Zumwalt sẽ được trang bị pháo điện từ đầu tiên trong Hải quân Mỹ.

Siêu hạm lớp Zumwalt sẽ được trang bị pháo điện từ đầu tiên trong Hải quân Mỹ.

Từ các thử nghiệm thực tế, pháo ray điện đã kế thừa và cải thiện hoàn toàn các yếu điểm của pháo hạm so với tên lửa ở việc có tầm bắn lớn (lên tới 160km); tốc độ bay đạt Mach 7 cực khó để ngăn chặn; phục vụ đa nhiệm vụ (có thể sử dụng cho nhiệm vụ đối hạm, đối bờ, phòng không). Công nghệ sử dụng khả năng sát thương động năng này cũng không bị ảnh hưởng của các yếu tố thời gian hay thời tiết.

So với tên lửa, pháo ray điện có nhiều lợi thế về chi phí sử dụng rẻ, bảo quản dễ dàng và hiệu năng chiến đấu cao. Thực tế, chiến hạm dù có lớn tới đâu cũng chỉ mang được một số lượng đạn tên lửa nhất định.

Khi sử dụng hết để nạp lại, chiến hạm buộc phải quay về cảng hoặc hệ thống chuyên dụng để nạp đạn. Pháo ray điện không cần điều này vì cơ cấu đạn nhỏ, có thể dễ dàng vận chuyển như đạn pháo thông thường, thậm chí là tiếp vận ngay trên biển.

Trong tác chiến, đạn tên lửa có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố gây nhiễu có thể trượt mục tiêu nếu hệ thống dẫn đường bị vô hiệu hóa. Đối với pháo ray điện thì không.

Khả năng bay thuần quán tính, tốc độ siêu thanh, đầu đạn tấn công có phản xạ tiết diện nhỏ nên việc ngăn chặn hoặc gây nhiễu chúng gần như là không thể. Với sơ tốc đầu đạn lớn, khả năng phá hủy của đạn pháo ray điện bắn ra không khác gì với các đầu đạn mang thuốc nổ hạng nặng.

Về giá thành, mỗi tên lửa tấn công có giá tới hàng trăm tới hàng triệu USD cho mỗi đơn vị, còn mỗi đơn vị đạn pháo ray điện từ sử dụng chỉ khoảng vài chục nghìn USD. Trong khi đó, tầm bắn của pháo ray điện đã đạt gần tương đương so với các dòng tên lửa phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, pháo ray điện cũng có những yếu điểm về việc cần nguồn cung năng lượng lớn, khi tạo lực đẩy từ trường kháng trở của hệ thống dây dẫn phát nhiệt rất lớn gây ảnh hưởng tới khả năng hoạt động ổn định trong thời gian dài. Những yếu tố này đang được khắc phục nhờ sự tiến bộ của công nghệ vật liệu mới và siêu dẫn.

Với những ưu thế vượt trội so với các dòng vũ khí hải quân truyền thống hiện nay, việc pháo ray điện từ xuất hiện có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong khái niệm tác chiến hải quân.

Mỹ hiện tại là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực pháo ray điện từ và đã cho ra mắt 2 mẫu súng ray điện do hãng General Atomics và BAE Systems phát triển. Các nguyên mẫu này đã bắn thành công các đầu đạn nặng tới 9kg với sơ tốc rời nòng đạt Mach 7 và tầm bắn đạt tới 160km.

Mỹ dự kiến sẽ giới thiệu các mẫu pháo ray điện từ nâng cấp trong năm 2016 uy lực hơn với công suất cực đại đạt 32 Megawatt. Sau khi hoàn thiện, pháo ray điện sẽ được trang bị trước tiên trên các khu trục hạm lớp Zumwalt.

Vào năm 2012, Hải quân Mỹ bày tỏ hy vọng có thể bắn được tới 10 viên đạn trong một phút, song cho đến giờ Mỹ vẫn chưa có cách nào cung cấp đủ điện lực để bắn với tần suất như vậy.

Và một khi phát triển thành công, pháo điện từ sẽ góp phần khẳng định quan điểm tác chiến không tiếp xúc của Mỹ - sử dụng phương tiện tấn công tầm xa, máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình để tham gia vào các hoạt động tác chiến.

Theo những thông tin được tiết lộ, ngoài pháo ray điện từ, siêu hạm Zumwalt còn được Hải quân Mỹ trang bị hàng loạt vũ khí công nghệ đỉnh cao nhất hiện nay gồm vũ khí laser, radar hiện đại theo dõi tên lửa đạn đạo…

Clip Mỹ thử nghiệm pháo điện từ:

Theo Thùy Dung (tổng hợp QĐND, DVO)

Đất Việt