1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hai kẻ thù cũ và sự khởi đầu mới

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ William H. Sullivan gặp nhau tại Hà Nội, tháng 5/1989.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (phải) và Đại sứ William Sullivan tại Hà Nội năm 1989.
 
Bà Virginia B. Foote là Chủ tịch và đồng sáng lập Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt. Tổ chức này được thành lập vào năm 1989 và đi vào hoạt động sau khi hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký kết và Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO.
 
Bà Foote hiện là Chủ tịch Trung tâm Quốc tế với các dự án nhân đạo của hội cựu chiến binh mỹ trong chiến tranh việt nam (VVAF) tại Việt Nam và tổ chức cựu binh quốc tế campuchia (VIC) ở Campuchia và tiếp tục làm công việc liên quan tới quan hệ Mỹ-Việt bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Bà Foote đã vinh dự được nhận Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam năm 2007.
Dấu mốc 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2015) chính là dịp để nhìn lại và nhớ đến những kiến trúc sư chính của chặng đường bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và tôi nhớ tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và lãnh đạo cũ của tôi, Đại sứ William Sullivan.

Sinh ra ở hai nửa đối nhau của Trái đất, ông Sullivan và ông Thạch lần đầu tiên gặp nhau với vai trò hai nhà ngoại giao đối lập trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở Đông Dương. Họ đã gặp nhau rất nhiều giờ ở Geneva và Paris và tại các cuộc họp bí mật ở Hà Nội, để đàm phán về hòa bình trong những năm 1960 và 1970. Hai người đàn ông tài năng, dí dỏm và có tầm nhìn này dần trở thành bạn bè của nhau, tạo dựng nên mối quan hệ mà về sau có thể trở thành cầu nối hòa bình giữa hai đất nước.

Trong thư chia buồn của Đại sứ Sullivan gửi bà Phạm Thị Phúc năm 1998, khi chồng bà mất, có đoạn viết: "Trong suốt thời gian 12 năm, khi hai nước còn trong chiến tranh, ông Thạch và tôi thỉnh thoảng vẫn duy trì liên lạc vì mục đích hòa bình. Vào những năm 1972-1973, trong các cuộc đàm phán tại Paris, cuối cùng, cả hai chúng tôi đã có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Hiệp ước hòa bình.

Trong suốt thời gian đàm phán, chúng tôi đã trở thành những người bạn của nhau. Dựa trên tình bạn này, năm 1989, ông Thạch đã gợi ý hai chúng tôi sẽ cùng nỗ lực để hàn gắn hố ngăn cách giữa hai nước và tạo dựng nền móng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Chúng tôi đã phấn đấu thành công cho mục tiêu này cho đến khi ông mất. Tôi sẽ luôn coi kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt-Mỹ là tượng đài cho những công việc mà ông Thạch đã làm".

Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông Sullivan chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại khác và rồi nghỉ hưu. Vào giữa những năm 1980, ông tham gia Hội đồng quản trị của Trung tâm Quốc tế (IC) - một trong những viện nghiên cứu ở Washington, DC, nơi tôi đang làm việc. Ông đã trở thành lãnh đạo và người thầy của tôi.

Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người có vai trò cho thay đổi chính sách này. Mùa Thu năm 1988, ông Sullivan khá bất ngờ khi nhận được thông tin từ ông Thạch, qua Đại sứ Việt Nam tại London: "Tôi đã nhận được lời mời đến thăm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ở Hà Nội thông qua Đại sứ Việt Nam tại London. Tôi đã nói sẽ xem xét lời mời này".

Sau tuyên bố mang tính đột phá về việc rút quân đội không điều kiện khỏi Campuchia vào tháng 4/1989 của Việt Nam, ông Sullivan đã gửi thư cho ông Thạch: "Thưa Ngài, bạn của tôi! Cảm ơn ông đã mời tôi đến thăm Việt Nam vào một dịp thuận tiện. Tôi rất vui mừng chấp nhận lời mời này, đặc biệt là khi dường như hiện nay, những sự kiện có thể phát triển theo hướng có thể mang lại việc thiết lập quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chuyến đi Việt Nam của ông Sullivan đã được sắp xếp vào tháng 5/1989. Đó là một chuyến thăm đặc biệt. Ông Sullivan và ông Thạch chất vấn nhau những câu hỏi khó, dằn vặt với nỗi buồn của năm tháng và những cuộc đời bị đánh mất, cười với nhau rằng họ đã già.

Ông Thạch đã rất hào phóng dành thời gian cho chúng tôi, sắp xếp các cuộc gặp với các quan chức mà ông Sullivan đã biết. Chúng tôi đã gặp những nhân vật mới tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội hữu nghị Việt-Mỹ (VUFO) và các cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ông Thạch đã tổ chức tiệc chiêu đãi chính thức tại Nhà khách Chính phủ ở phố Ngô Quyền, nơi ông Sullivan và ông Henry Kissinger từng ở khi có công việc bí mật đến Hà Nội trước đây. Họ thảo luận về vụ đánh bom hồi Giáng sinh, về nhiều cuộc gặp giữa hai người ở Paris, về con cái...

Sullivan đã rất ngạc nhiên về thực trạng của Hà Nội và giận dữ hỏi ông Thạch: "Những người đàn ông lớn tuổi đã chiến đấu vì cái gì?". Ông Thạch đã lên lớp lại cho ông Sullivan về sự trái đạo lý của chiến tranh và lệnh cấm vận.

Trong lúc bữa tiệc đang diễn ra thì nguồn điện bị cắt khiến tất cả ngồi trong bóng tối chờ người phục vụ dò dẫm đi tìm nến. Ông Sullivan và ông Thạch gần như không dừng nghỉ. Trong bóng tối như hũ nút, chúng tôi lắng nghe họ tranh luận. Họ quyết tâm tìm ra một hướng đi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông Sullivan thúc giục chúng tôi nên triển khai ý tưởng thiết lập một hội đồng thương mại và chương trình nghiên cứu sinh.

Tháng 9/1989, sau khi được thành lập, Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt đã làm việc với chính quyền Mỹ, hai Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain cùng nhiều thành viên quan trọng khác của Quốc hội, giới học giả, doanh nhân và tổ chức phi chính phủ về nhu cầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi đã tham gia sâu vào các vấn đề MIA, các vấn đề hậu quả chiến tranh khác và cả sự khởi đầu của quan hệ kinh tế. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự phản đối cũng rất mạnh mẽ. Như ông Kissinger đã nói với ông Sullivan khi chúng tôi chạm mặt ông ta tại tòa nhà Quốc hội, "Bill, ông sẽ lại bị Việt Nam lừa đấy".

Đến tháng 4/1991, chính quyền Mỹ đã đưa ra cho Việt Nam đề xuất về một tiến trình bình thường hóa gồm bốn giai đoạn. Quá trình này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng và có rất nhiều việc phải làm. Nhưng với tầm nhìn và sự miệt mài cống hiến của ông Thạch, cùng rất nhiều người khác, mối quan hệ giữa hai nước đã được xây dựng và tiến tới bình thường hóa vào năm 1995.

Nhờ mối liên hệ với nhau trong năm 1988, ông Thạch và ông Bill Sullivan đã giúp đóng vai trò trong sự đổi thay mang tính lịch sử đối với quan hệ hai nước. Mối quan hệ từ thời chiến tranh của hai ông đã là cầu nối đủ mạnh để giúp xây dựng một con đường mới mà chúng ta tiếp tục theo đuổi ngày hôm nay.
 
Ngày 14/11/1989, trong thư gửi ông Thạch của ông Sullivan có đoạn viết:
 
"Kính thưa Ngài, bạn cũ của tôi,
Chúng ta đều thất vọng vì thất bại của Hội nghị Paris về Campuchia dường như đã làm cản trở, ít ra là tạm thời, quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ... Nhưng chúng tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên chương trình học giả thăm lẫn nhau đã được phê duyệt và người đầu tiên sẽ đến vào tháng 1/1990... Nhiều công ty lớn của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan tâm của họ trong việc thiết lập một tổ chức nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi tiến trình bình thường hóa diễn ra... Tôi hy vọng ông đồng ý".
 
Ông Thạch đã phúc thư ngắn gọn vào ngày 19/12/1989:
"Thưa ông Sullivan, tôi chắc chắn rằng, những nỗ lực này sẽ đóng góp vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng ta".
 
Virginia B. Foote (Chủ tịch và Giám đốc điều hành, Bay Global Strategies, LLC)
Theo Thế giới và Việt Nam