Kỷ niệm 89 năm CM tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/ 2006)
Hai chuyến ghé Việt Nam của chiến hạm Rạng Đông
Trong số những con tàu hạm đội Nga, nổi tiếng nhất vẫn là tuần dương hạm Rạng Đông. Sau 300 năm tồn tại hạm đội Nga, không một con tàu nào được thế giới biết đến nhiều như Rạng Đông. Phát súng từ chiến hạm nã vào cung điện Mùa Đông ở Petrograd, mở đầu cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại.
Hiện nay Rạng Đông đã neo lại vĩnh viễn trên sông Neva, cạnh bức tường Học viện Nakhimov ở Saint Petersburg. Mới đây nó đã trở thành bảo tàng và có hơn 28 triệu người từ 160 quốc gia tới tham quan, trong số này có cả công dân VN.
Ít ai biết một chi tiết trong lịch sử con tàu nổi tiếng này: nó từng hai lần đến VN. Lần thứ nhất là khi xảy ra chiến tranh Nga - Nhật. Con tàu mới được hạ thủy thử nghiệm năm 1903, từ biển Baltic được gửi về Viễn Đông để yểm trợ cho vị trí của Nga trong khu vực. Ngày 31/3/1905, chiến hạm thả neo ở vịnh Cam Ranh và ở đó gần một tháng để chờ các tàu chiến khác của Nga đến cùng nhau tham trận. Chiến tranh Nga - Nhật (kéo dài từ 8/2/1904 đến 27/7/1905 giữa Nga và Nhật để giành quyền kiểm soát Manchuria và Triều Tiên) lúc đó đang vào cao điểm. Ngày 15/5 diễn ra trận chiến lịch sử Tsushima (tên một hòn đảo trên biển Nhật Bản, thuộc Nagasaki). Sau hai ngày chiến đấu ác liệt, chiến hạm đã bắn hơn 2.000 quả đạn, trong khi bản thân nó cũng bị thiệt hại: 15 người chết, trong đó có chỉ huy tàu - đại tá Egorov.
Nhờ ông mà người Nga có được một trong những mô tả đầu tiên bằng tiếng Nga về Cam Ranh và các vùng lân cận. Quyển nhật ký của đại tá được các cộng sự của ông in lại mười năm sau khi ông mất. Trong Vòng quanh cựu thế giới có cả một chương kể về thời kỳ con tàu neo lại ở vịnh Cam Ranh.
Điều đầu tiên đập vào mắt Egorov chính là “kích thước khổng lồ” của vịnh đặc biệt quí đối với các tàu chiến lớn. Lính thủy Nga có dịp lên bờ, đi săn trong những cánh rừng địa phương và quan sát đời sống dân tình. Egorov cũng ghi chép ngắn về hệ thống động thực vật VN và về người dân miền Trung. Chỉ huy con tàu nhận xét trong các ngôi làng là những túp lều xiêu vẹo và người dân ăn mặc rất đỗi nghèo nàn.
Sau trận Tsushima, Rạng Đông và một số con tàu Nga khác, để tránh truy đuổi của tàu Nhật, chỉ có thể lánh về tu sửa ở Manila (Philippines) do cạn kiệt nhiên liệu. Chiến tranh Nga - Nhật kết thúc cũng là lúc Rạng Đông được sửa chữa xong. Nó cùng những tàu Nga khác cùng tập kết ở cảng Sài Gòn, ngày 20/10/1905 nhổ neo ra Thái Bình Dương để trở về tổ quốc. Như thế, trong một năm chiến hạm Rạng Đông lừng danh hai lần cập cảng VN.
Theo PETR TSVETOV (phó tiến sĩ sử học Nga)
Tuổi trẻ