1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hạ màn "Cách mạng jeans"

Màn kịch cách mạng màu sắc tại Belarus, còn được nguời dân tại đây gọi là "cách mạng jeans" - do màu của các dải băng tượng trưng cho "cách mạng" ở Belarus có màu xanh của vải jeans - đã hạ vì đâu?

Trong thời kỳ của cuộc "Cách mạng cam" ở Ukraine, hai nhân vật chính là Viktor Yushchenko (nay là tổng thống Ukraine) và "nữ hoàng cách mạng cam" Yulia Tymoshenko (nay trở thành một trong những đối thủ sừng sỏ nhất của ông Yushchenko trong cuộc bầu cử 26/3 này) đã thắng lợi nhờ sự chi viện từ bên ngoài. Đó là sự hỗ trợ của Mỹ, Liên minh châu Âu, đặc biệt là vai trò của Ba Lan, và kể cả của nhà tài phiệt Nga đang lưu vong Boris Berezovsky.

 

Một năm trước đó, tại Gruzia cũng đã có "cách mạng hoa hồng". Thế nhưng, sự tài trợ mạnh mẽ cho "dân chủ" từ bên ngoài lẫn sức ép chính trị chưa có tiền lệ hẳn sẽ không thành công nếu không có những sự bất bình lớn với các lãnh đạo Ukraine và Gruzia khi ấy (Leonid Kuchma và E. Shevardnadze). Phe đối lập ở hai nước này đã lôi kéo được nhiều người dân đang mong muốn thay đổi.

 

Trong khi đó, tình hình tại Belarus lại khác - nhân dân nói chung bằng lòng với tổng thống Lukashenko. Dĩ nhiên có những người không hài lòng, nhưng họ không quá đông so với một bộ phận lớn, chưa kể họ thấy rằng thay thế ông Lukashenko đang duy trì ổn định được Belarus bằng ai đó khác, cũng là một mục tiêu đáng ngờ. Điều này có thể thấy rõ trên Quảng trường tháng 10 của Belarus trong và vài ngày sau bầu cử: không có đông người ủng hộ lãnh đạo phe đối lập.

 

Theo đài "Tiếng vọng Moscow", đến giữa trưa ngày 21/3, trên quảng trường chỉ có khoảng 200 người, chủ yếu là sinh viên từ 20 đến 25 tuổi (mặc dù buổi chiều hôm trước người ta cho rằng tới 15.000 đến 20.000 người xuống đường). "Cách mạng" đã chết từ khi chưa kịp bắt đầu. Chỉ vài chiếc lều đơn độc trong tiếng kêu gọi lạc lõng đến tội nghiệp của ứng viên đối lập Milinkevich đòi tuyên bố kết quả bầu cử phi hiệu lực.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Milinkevich là những "thành tố" cách mạng từ bên ngoài: Mỹ, EC và Ba Lan. Nhưng Phương Tây khó lòng chờ đợi điều kỳ diệu: khúc khải hoàn chiến thắng của ông Lukashenko cũng là sự công nhận thất bại của "cách mạng". Nhật báo Washington Post ngày 21/3 viết: nguyên nhân thất bại ở Minsk (thủ đô Belarus) chính là do tài trợ ít. Một sự thú nhận rất độc đáo và kịp thời.

 

Trong khi đó, sự lựa chọn của láng giềng Belarus rất quan trọng với nước Nga. Sau các cuộc cách mạng ở Gruzia, rồi Ukraine và Kyrgystan, người ta cho rằng một cuộc cách mạng màu sắc là rất khả dĩ tại nước Nga. Các lãnh đạo phe tự do đối lập đang sôi nổi thảo luận khả năng này. Nhưng diễn tiến tại Belarus đã đặt dấu chấm hết. Tại Nga sẽ không có cách mạng, mặc dù việc bắt chước Maidan (tên quảng trường diễn ra cuộc cách mạng cam tại Ukraine) là có thể xảy ra, giống như đã từng diễn ra ở Quảng trường Tháng 10 tại Minsk.

 

Các thủ lĩnh phe đối lập Nga đã có mặt tại cuộc bầu cử ở Minsk. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa V.Ruzhkov và Liên minh các lực lượng cánh tả Nikita Belyx đã trở về buồn bã, có thể vì họ thấy được tương lai của mình. Dĩ nhiên, nước Nga khác với Belarus, nhưng yếu tố chính - uy tín của nguyên thủ - là rõ rệt. Mức ủng hộ cho ông Putin, thành quả của ông và sự ổn định xã hội - không đưa ra cho các "nhà cách mạng Nga" một cơ hội nào.

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ/Dni