1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gruzia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga

(Dân trí) - Gruzia hôm qua đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mátxcơva nhằm phản đối sự hiện diện của quân đội Nga trên lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, Nga cho biết động thái của Gruzia chỉ làm cho tình hình xấu thêm.

Trong bối cảnh các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thứ hai tới sẽ nhóm họp ở Brussels, Bỉ, để thảo luận về việc đối phó với các động thái mới của Nga, Thủ tướng Putin giận dữ cảnh báo, châu Âu không không nên làm theo mệnh lệnh của Mỹ và Mátxcơva không sợ bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

 

Theo các quan chức Pháp và Bỉ, các lãnh đạo châu Âu sẽ không áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh thứ hai tới, nhưng sẽ cử một đặc phái viên tới Gruzia để giám sát lệnh ngừng bắn đạt được.

 

Bộ ngoại giao Gruzia cho biết, các nhà ngoại giao nước này sẽ rời Nga vào ngày hôm nay, 30/8. Quyết định được thực hiện sau lời kêu gọi của các nhà lập pháp, những người bỏ phiếu tán thành việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga vào cuối ngày thứ năm vừa qua, 28/8.

 

Trong một động thái khác, Thủ tướng Gruzia Vladimir Gurgenidze đã ký một chỉ thị để Gruzia rút khỏi toàn bộ các thoả thuận gìn giữ hoà bình trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và với Nga. Trong tương lai gần, Ngoại trưởng Gruzia Yekaterina Tkeshelashvili sẽ gửi thông điệp này tới uỷ ban lãnh đạo SNG và tới Bộ ngoại giao Nga, cũng như LHQ và các tổ chức quốc tế khác (Theo Ria Novostia).

Ngay lập tức, Nga lên án động thái mới của Gruzia, và cho biết nó không giúp hàn gắn được mối quan hệ vốn đã “cơm không lành” giữa hai nước.

 

Tuy nhiên, lãnh sự quán của hai nước sẽ vẫn được mở, cần thiết cho nhiều công dân Gruzia đang sống tại Nga. Theo Thoả thuận về quan hệ cấp lãnh sự tại Vienna năm 1963, cắt đứt quan hệ ngoại giao sẽ không tự kéo theo việc cắt đứt quan hệ ở cấp lãnh sự.

 

Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao sẽ khiến Gruzia và Nga phải đàm phán, trao đổi qua các nước thứ ba. Đây được coi là điều bất lợi cho Nga, bởi các nước phương Tây có thể sẽ nghiêng về ủng hộ Gruzia. Theo nhiều nhà phân tích, Gruzia, nước đã nỗ lực hết mình để có vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế, coi đây là một lợi thế.

 

“Chúng tôi nhận thấy chúng tôi đang ở trong tình trạng tồi tệ, khi quân đội một nước đang xâm lược và chiếm đóng đất nước tôi, sau đó còn công nhận sự độc lập của một số vùng thuộc lãnh thổ của chúng tôi. Họ lại đang cố tỏ ra bình thường”, khi vẫn duy trì mối quan hệ ngoại giao với chúng tôi, Ngoại trưởng Gruzia Eka Tkeshelashvili phát biểu tại Thuỵ Điển.

 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng nhận định động thái mới sẽ tạo ra ít thay đổi thiết thực, do từ trước khi bùng nổ xung đột mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã không hiệu quả. Thương mại giữa Nga và Gruzia đạt ở mức tối thiểu, sau khi Nga cấm cửa các mặt hàng nhập khẩu của Gruzia vào năm 2006, như rượu và nước khoáng cùng các mặt hàng khác.

 

Ngoài ra, chỉ có một lượng nhỏ các nguồn đầu tư nước ngoài ở Gruzia đến từ Nga. Trong khi lệnh cấm của Nga đối với các chuyến bay trực tiếp giữa Gruzia và nước này được dỡ bỏ vào năm nay, nhưng lại được nối lại khi cuộc xung đột xảy ra. Việc đi lại bằng đường bộ cũng bị hạn chế bởi địa hình đồi núi, và các tuyến đường chính nối Nga với Gruzia thường phải qua Nam Ossetia và Abkhazia.

 

Phan Anh

Theo AP