1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản

(Dân trí) - Các thực tập sinh Việt Nam tới Nhật Bản với hy vọng có thể tìm kiếm cho mình một tương lai tốt đẹp hơn, tuy nhiên họ cũng phải chấp nhận đánh đổi, thậm chí bằng cả tính mạng.

Số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua. Con số này hiện ở mức hơn 300.000 người, trong đó 74% là sinh viên và thực tập sinh kỹ thuật - những người tới Nhật Bản để học các kỹ năng tay nghề cao trước khi về nước lập nghiệp. Tuy nhiên, một số người đã không thể trở về.

Thảm kịch tuổi 20

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 1

Nguyen và bố trong bức ảnh chụp chung (Ảnh: NHK)

Nguyen tự tử khi mới chỉ 20 tuổi. Nam sinh này tới Nhật Bản với hy vọng có thể tìm kiếm cơ hội học tập và một tương lai tốt đẹp hơn. Rốt cuộc, Nguyen trở thành một trong số những người nhập cư Việt Nam qua đời tại Nhật Bản.

Bố mẹ Nguyen đã vay mượn 10.000 USD để chi trả cho tiền học của con trai tại Nhật Bản. Số tiền này lớn hơn gấp 3 lần so với thu nhập trung bình hàng năm của họ.

“Gần như tất cả người Việt Nam theo học tại Nhật Bản đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó. Họ phải đi vay mượn để con cái có thể tới Nhật Bản. Các ông bố bà mẹ đều mong muốn đưa những đứa con thân yêu của mình tới Nhật Bản với hy vọng chúng có thể tìm thấy một công việc tốt và xây dựng một tương lai tốt đẹp”, bố của Nguyen nói.

Nguyen đang học tiếng Nhật. Nhân viên tại trường dạy tiếng Nhật nhận xét cậu là một sinh viên nhiệt tình và thường nhận nhiều điểm cao.

“Tiếng Nhật của cậu ấy chưa phải là quá tốt, nhưng cậu ấy đã cố gắng rất nhiều. Rất khó để mưu sinh tại Nhật Bản. Dù cho bạn kiếm nhiều tiền như thế nào, thì bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ”, một người bạn của Nguyen cho biết.

Nguyen đã nhận làm hai công việc bán thời gian tại các nhà hàng để có thể sống tằn tiện. Khi chuẩn bị đến ngày nộp tiền cho năm học thứ hai tại trường, Nguyen đã nhảy ra trước mũi tàu tự tử.

Đám tang của người xấu số

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 2

Sư cô tổ chức đám tang cho người qua đời tại Nhật Bản (Ảnh: NHK)

Đám tang của Nguyen vào tháng 12/2018 do sư cô Thích Tâm Trí tổ chức. Kể từ năm 2012, sư cô đã tổ chức đám tang cho 140 người Việt Nam qua đời tại Nhật Bản. Sư cô Thích Tâm Trí nói rằng hơn một nửa trong số này mới chỉ trong độ tuổi 20, 30. Sư cô cũng đặt bài vị tưởng niệm cho những người đã khuất tại chùa Nisshinkutsu ở thủ đô Tokyo.

“Họ mong muốn làm việc cho một tương lai tươi sáng hơn. Thật buồn khi họ qua đời đột ngột tại Nhật Bản, dù vẫn mang trong mình những niềm hy vọng”, sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ.

3 tháng sau đám tang của Nguyen, sư cô Thích Tâm Trí tiếp tục tổ chức tang lễ cho Vu Van Cuong, một thanh niên 22 tuổi.

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 3

Thực tập sinh Vu Van Cuong (Ảnh: NHK)

Vu Van Cuong là thực tập sinh tại công trường xây dựng với nhiệm vụ lắp đặt và tháo dỡ giàn giáo. Cuong thiệt mạng sau cú ngã từ độ cao hơn 10m trong lúc đang làm việc tại một cơ sở chất thải.

Đơn vị giám sát của Cuong nói rằng công ty đã tổ chức các buổi tập huấn an toàn và cũng có các biện pháp để bảo đảm cho sự an toàn của người lao động. Hiện các nhà chức trách vẫn đang điều tra vụ tai nạn thương tâm này.

Cuong là một thành viên của Chương trình Thực tập sinh Kỹ thuật Nhật Bản. Chương trình hướng tới mục tiêu giúp đỡ người lao động có được những kỹ năng tay nghề cao để họ có thể chia sẻ các kỹ năng sau khi về nước.

Cuong tới Nhật Bản để kiếm tiền trợ giúp gia đình. Bố mẹ Cuong sức khỏe yếu còn em trai gặp khó khăn trong việc học tập. Cuong đã phải trả 9.000 USD cho người môi giới để nhận một công việc tại Nhật Bản và người này đã nói với Cuong rằng làm việc tại công trường xây dựng là con đường nhanh nhất dành cho cậu.

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 4

Người thân và bạn bè của Cuong tới nơi xảy ra vụ tai nạn (Ảnh: NHK)

“Là một sư cô và cũng là một người Việt Nam, tôi thực sự đau đớn mỗi khi nhận được những tin (báo tử) như vậy. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là: Tại sao chuyện đó lại xảy ra?”, sư cô Thích Tâm Trí nói.

“Các gia đình đều chờ đợi những người thân yêu của họ trở về với niềm hy vọng to lớn, nhưng thay vì điều đó, một số người lại phải đón tro cốt, di ảnh hoặc bài vị của người thân. Họ (Nhật Bản) phải cảm nhận những nỗi đau như vậy. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã trở nên quá tiện lợi, nhưng tôi muốn người Nhật nhớ rằng để có được sự tiện lợi đó, nhiều người nước ngoài đã phải mất mạng. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều biện pháp được triển khai để bảo vệ (người lao động nước ngoài), để họ có thể sống an toàn và hạnh phúc tại Nhật Bản”, sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ.

Lao động nước ngoài

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 5

Sư cô Thích Tâm Trí (Ảnh: NHK)

Năm 2018, số lượng thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản khoảng 330.000 người. Thống kê một cuộc khảo sát của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy 171 thực tập sinh kỹ thuật, trong đó có một số người Việt Nam, đã qua đời từ năm 2012-2017. 28 người trong số này tử vong do tai nạn tại nơi làm việc.

Theo Yoshihisa Saito, phó giáo sư tại Đại học Kobe và là chuyên gia về Chương trình Thực tập sinh Kỹ thuật, các vụ tai nạn thường xảy ra do rào cản về ngôn ngữ, thiếu quản lý về mức độ an toàn tại nơi làm việc. Ngoài ra, các thực tập sinh thường có xu hướng làm những công việc có nguy cơ rủi ro cao mà người Nhật thường tránh không làm.

Góc khuất phía sau cuộc sống chông gai của thực tập sinh Việt tại Nhật Bản - 6

Bài vị của người Việt đã khuất tại chùa Nisshinkutsu (Ảnh: NHK)

Các sinh viên nước ngoài, những người được phép làm việc bán thời gian, đã trở thành một phần quan trọng của lực lượng lao động Nhật Bản trong bối cảnh nước này đang bị thiếu hụt lao động. Họ được phép làm việc tới 28 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, nhiều sinh viên Việt Nam chấp nhận làm việc vượt mức số giờ này do bị áp lực bởi việc phải trả số nợ mà họ đã bỏ ra để tới Nhật Bản.

Theo thống kê của Bộ Lao Động Nhật Bản, các thực tập sinh và sinh viên chiếm hơn 40% lực lượng lao động nước ngoài.

Luật nhập cư sửa đổi có hiệu lực từ tháng 4 năm nay cho phép thêm nhiều lao động nước ngoài tới Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản ước tính sẽ có tới 345.000 lao động nước ngoài tới nước này theo hình thức thị thực mới trong vòng 5 năm tới.

Thành Đạt

Theo NHK