Giữ lấy ký ức lịch sử
Hôm nay là đúng 88 năm Cách mạng Tháng Mười Nga nhưng là lần đầu tiên nước Nga không tổ chức lễ kỷ niệm chính thức. Ngày Cách mạng Tháng Mười đã được đổi tên gọi thành Ngày hòa giải và hòa hợp.
Tuy vậy, nhiều người Nga vẫn không quên sự kiện trọng đại dẫn đến 70 năm xây dựng Liên bang Xô viết. Dưới đây là bức thư của hai bạn người Nga.
Nhà chính trị học Leonid Radzikhovski có lần ví von trên báo Sự Thật: “Ngày 7/11 đã trở thành mồ côi ở nước Nga từ năm 1991, khi người mẹ của nó, chính quyền Nga mới, không muốn giết bỏ đứa trẻ mồ côi nhưng cũng không muốn nuôi nấng nó”.
Đó là cách giải thích những quyết định của chính quyền Nga đổi ngày lễ 7/11 thành Ngày hòa giải và hòa hợp (năm 1996) và thay vào đó bằng việc kỷ niệm “Ngày thống nhất 4/11”.
Không chỉ Radzikhovski, nhiều người Nga không đồng tình với sự thay đổi này. Thăm dò do Quĩ dư luận xã hội Nga thực hiện cuối tháng 10/2005 ở 1.500 người cho thấy 41% người Nga không ủng hộ và chỉ 22% đồng tình với việc bỏ ngày kỷ niệm 7/11. Đối với họ, ngày 7/11 vẫn là “ngày rất quan trọng và đặc biệt ở nước Nga”.
Ngày 4/11/1612, các chiến binh Nga thống nhất lại, dưới sự chỉ huy của một thương nhân tên Kuzmy Minin và hoàng tử Dimitri Pozharski, giải phóng Moscow khỏi những kẻ xâm lược Ba Lan, chấm dứt “thời kỳ loạn lạc” ở nước Nga.
Chiến thắng này mở đường cho việc Mikhail Romanov đăng quang làm Nga hoàng, mở đầu triều đại quân chủ thống trị nước Nga tới năm 1917. |
Với họ, một đất nước không thể thiếu anh hùng. Mà những anh hùng và chiến công nào người Nga nhớ nhất? Trận chiến Kulikov với Ivan đại đế; ngày Cách mạng Tháng Mười vĩ đại 7/11 với V.I. Lenin; ngày chiến thắng phát xít 9/5 với Stalin.
Thế cho nên vì không còn lễ 7/11 nữa, nhưng từ những ngày 5 và 6/11, nhiều cuộc tuần hành, mittinh đã diễn ra ở nhiều nơi trên nước Nga, tại Krasnodar và Yakurtst, Moscow hay Saint Petersburg… Nó làm bật lên tính chất nhân dân của một ngày hội.
Hôm nay, 40 cựu binh từng tham gia cuộc duyệt binh lịch sử năm 1941 - khi từ quảng trường Đỏ họ đi thẳng ra mặt trận - sẽ tham gia một cuộc tuần hành tại chính quảng trường này. Cùng với họ có 400 cựu binh vệ quốc và 2.500 thiếu niên các học viện quân sự, tổ chức và câu lạc bộ thiếu niên.
Và nhiều người Nga khác nữa… Họ vẫn nhớ ngày 7/11 theo cách của mình. Việc hủy bỏ ngày kỷ niệm 7-11 đâu cứu thoát họ khỏi đói nghèo và khó khăn, không cải thiện được giáo dục và y tế, không làm cuộc sống họ giàu hơn. Đánh nhau với lịch sử sẽ chẳng bao giờ mang lại vòng nguyệt quế anh hùng.
Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao vẫn có những người Nga xuống đường những ngày này. Đó là vì chúng tôi vẫn giữ một ký ức lịch sử. Và dù có chuyện gì xảy ra thì 7-11 tiếp tục là ngày lễ của chúng tôi.
Sergei Michnevich (nghiên cứu sinh quan hệ quốc tế Đại học Tổng hợp Leningrad)
Theo Tuổi trẻ