Giới khoa học tranh cãi lý do đàn ông dễ nhiễm virus corona hơn phụ nữ
(Dân trí) - Virus corona chủng mới khởi phát từ Trung Quốc được cho là lây nhiễm cho đàn ông nhiều hơn phụ nữ, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chia rẽ trong việc tìm ra lời giải cho hiện tượng này.
Tính đến tối ngày 10/2, virus corona chủng mới (nCoV) đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 42.000 trường hợp bị lây nhiễm.
Một cuộc nghiên cứu được tiến hành gần đây trên gần 140 bệnh nhân nhiễm virus nCoV tại một bệnh viện thuộc Đại học Vũ Hán đã cho thấy bức tranh toàn cảnh nhất về cách virus này hoạt động trong cơ thể người tính đến thời điểm hiện tại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng virus nCoV có khả năng lây nhiễm lớn nhất đối với những người đàn ông lớn tuổi và từng gặp các vấn đề về sức khỏe trước đó. Hơn 54% bệnh nhân trong cuộc nghiên cứu là đàn ông và độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 56.
Các cuộc nghiên cứu khác được tiến hành gần đây cũng cho thấy những kết quả tương tự. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 99 bệnh nhân nhiễm virus corona tại bệnh viện Jinyintan Vũ Hán cho thấy độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 55, 5 và đàn ông chiếm khoảng 68% trong tổng số ca nhiễm bệnh.
Cuộc nghiên cứu thứ ba được thực hiện trên gần 1.100 bệnh nhân nhiễm virus nCoV cho thấy độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 47, trong đó tỷ đàn ông nhiễm bệnh chiếm khoảng 58% trong tổng số các ca bệnh.
Các dữ liệu trên khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng đàn ông có một số đặc điểm sinh học nhất định nào đó khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác vẫn chưa chắc chắn về điều này.
Khi chưa có đủ dữ liệu với độ tin cậy cao về virus nCoV, các nhà khoa học đã tìm dữ liệu từ SARS - đại dịch xảy ra hồi năm 2002-2003 khiến hàng trăm người thiệt mạng.
SARS cũng là một chủng virus corona, lây từ động vật sang người tại các chợ động vật hoang dã và có bộ gen giống 80% với virus nCoV. Tương tự nCoV, SARS cũng lây cho đàn ông nhiều hơn phụ nữ.
Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Iowa đã tìm câu trả lời cho hiện tượng trên bằng cách cho chuột đực và cái nhiễm virus SARS. Mặc dù nghiên cứu trên chuột không hoàn toàn đúng như trên người, nhưng các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chuột đực dễ bị nhiễm virus hơn chuột cái.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiễm sắc thể X và các hormone như estrogen có thể đã ngăn virus lây nhiễm trong cơ thể phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Jinyintan Vũ Hán cũng đưa ra lời giải thích tương tự về lý do có nhiều bệnh nhân nam nhiễm virus nCoV hơn bệnh nhân nữ. Họ cũng nhận thấy rằng, nhiều bệnh nhân nhiễm virus nCoV đã từng mắc các bệnh kinh niên hoặc các bệnh nặng như tim mạch hay tiểu đường, và những bệnh này có xu hướng xuất hiện ở đàn ông trung niên hơn phụ nữ trung niên.
Trong khi đó, Aaron Milstone, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, không cho rằng một bộ phận dân cư nào đó có xu hướng dễ bị nhiễm virus hơn bộ phận còn lại.
"Khi chúng ta thấy xuất hiện một loại virus mới, tất cả dân số đều có nguy cơ lây nhiễm", ông Milstone nhận định.
Cuộc nghiên cứu mới của Đại học Vũ Hán cũng chỉ ra rằng tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ nhiễm virus nCoV tại phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện gần như ngang bằng nhau. Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy các triệu chứng nhiễm bệnh của đàn ông không phải lúc nào cũng nghiêm trọng hơn phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu lý giải cho việc có nhiều bệnh nhân nam hơn là do nơi khởi phát của virus nCoV là từ chợ hải sản Huanan ở Vũ Hán và tại khu chợ này, hầu hết người lao động là nam giới.
Thành Đạt
Theo Business Insider