1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gió đã đổi chiều trên “sân sau” của Mỹ

(Dân trí) - Ngày 23/5, tại thủ đô Brasilia của Brazil, nguyên thủ của 12 quốc gia Mỹ Latinh đã ký Hiệp ước thành lập Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur) theo mô hình Liên minh châu Âu (EU). Diễn đàn đối thoại chính trị cho thấy gió đã đổi chiều trên sân sau của Mỹ.

Unasur (gồm các nước Argentina, Bilivia, Chile, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Paraguay, Peru, Surinam, Uruguay và Venezuala) ra đời trước hết là đáp ứng mong muốn của Brazil muốn tạo ra một bước mới trong hội nhập khu vực. Brazil với lợi thế dân số đông và sức mạnh kinh tế sẽ là nước hưởng lợi đầu tiên, chính phủ nước này hiểu rất rõ muốn khẳng định vai trò quốc tế của họ, cần có sự ổn định trong khu vực.

 

Theo tinh thần Hiệp ước, Unasur là một tổ chức uyển chuyển, có vai trò đưa ra các tư vấn thường trực và hoà giải phòng ngừa các tranh chấp, tránh không đưa ra Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) mà Mỹ là thành viên. Brazil muốn các nước Nam Mỹ sẽ tự giải quyết mọi vấn đề của mình, không cần đến sự can thiệp của Mỹ cho nên còn đề nghị thành lập Hội đồng quốc phòng Nam Mỹ.

 

Không giống như một Liên minh Bắc Đại Tây Dương thu nhỏ, Hội đồng quốc phòng Nam Mỹ không phải là liên minh quân sự, mà chỉ là một cơ quan liên kết các chính sách quốc phòng giữa 12 nước thành viên. Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được nhiều hưởng ứng, Uruguay, đặc biệt là Colombia-đồng minh thân cận của Mỹ phản đối kịch liệt. Bogota đã từ chối lời đề nghị giữ chức chủ tịch Unasur khi viện cớ đến những khó khăn trong quan hệ với Ecuador và Venezuala.

 

Chiếc ghế chủ tịch Liên minh được giao cho Tổng thống Chilê, bà Michelle Bachelet. Bà Bachelet kêu gọi những người đồng nhiệm Nam Mỹ tập trung vào việc đi đến đồng thuận và sử dụng mọi khả năng có thể để đưa Liên minh vào hoạt động.

 

Unasur sẽ nhóm họp cấp nguyên thủ mỗi năm một lần và về lâu dài, Nghị viện Liên minh sẽ được thành lập. Khó khăn mà Liên minh 12 nước Nam Mỹ đang gặp phải chính là sự không thống nhất về hệ tư tưởng. Các nước do cảnh tả cấp tiến đang cầm quyền như Bolivia, Ecuador và Venezuela cho rằng, Hiệp ước này thiếu táo bạo.

 

Ngày 23/5, Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez lên tiếng kiến nghị thành lập Liên minh quân sự Nam Mỹ để “chống lại kẻ thù số 1” là Mỹ. Cũng trong ngày hôm đó, hai nước Bolivia và Venezuela tuyên bố ký một thoả thuận mới về hợp tác quân sự, được coi như bước đi đầu tiên tiến tới sự ra đời của một Liên minh quân sự Nam Mỹ.

 

Ngọc Nhàn

Theo AFP