1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giáo hoàng lên án nạn “lao động nô lệ” tại Bangladesh

(Dân trí) – Tính đến ngày hôm qua, ít nhất 550 người đã được xác định thiệt mạng hoặc mất tích trong vụ sập nhà tại Bangladesh. Trong khi đó giáo hoàng Francis lên án tình trạng các lao động ngành may mặc nước này bị đối xử tệ bạc như “nô lệ”.

Trong khi các xe ủi đất và cần cẩu tiếp tục tháo dỡ các tấm bê tông để dọn dẹp hiện trường vụ sập nhà, con số thương vong không ngừng tăng lên. Theo một quan chức cấp cao của quân đội Bangladesh, đã có 411 người được xác định thiệt mạng trong khi còn khoảng 140 người mất tích.

Thi thể nạn nhân không có người nhận được mai táng rất sơ sài
Thi thể nạn nhân không có người nhận được mai táng rất sơ sài

Vụ tai nạn lao động tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia này đã làm bùng lên các cuộc biểu tình trong ngày Quốc tế lao động khi hàng chục nghìn người biểu tình đổ ra các đường phố thủ đô Dhaka. Họ mang theo các biểu ngữ màu đỏ và hô vang: “Treo cổ những kẻ sát nhân, treo cổ chủ nhà máy!”. Tuy nhiên phần lớn cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình, không bạo lực như các cuộc biểu tình hôm thứ Tư tuần trước.

Tại Tòa thánh Vatican, trong một cuộc tuần hành khác, giáo hoàng Francis đã lần đầu tiên lên tiếng về thảm họa sập nhà xưởng tại Bangladesh, khẳng định các công nhân chỉ được hưởng mức lương rẻ mạt như lao động nô lệ.

“Một dòng tít đã thực sự khiến tôi xúc động trong ngày thảm họa tại Bangladesh diễn ra đó là “Sống với 38 euro mỗi tháng”. Đó là số tiền lương mà những người thiệt mạng từng được trả. Đó chính là hình thức lao động nô lệ”, giáo hoàng Francis phát biểu trên đài phát thanh Vatican.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của AFP, nhiều người còn phải nhận mức lương thấp hơn bởi mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật Bangladesh chỉ là 38 USD/tháng, tương đương khoảng 29 euro cho một tháng làm việc với cường độ 10 giờ/ngày, 6 ngày/tuần.

Hiện chính phủ Bangladesh đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nước ngoài trong việc phải cải thiện điều kiện làm việc trong ngành may mặc, bởi vụ sập tòa nhà Rana Plaza chỉ là vụ việc mới nhất trong một chuỗi các thảm họa lao động chết người.

Hồi tháng 11 năm ngoái, 111 công nhân đã thiệt mạng khi một xưởng may bị hỏa hoạn thiêu rụi. Có nhiều cáo buộc cho rằng tiêu chuẩn về an toàn tại các nhà xưởng vừa lỏng lẻo vừa hiếm khi được áp dụng dù đây là ngành mang về cho Bangladesh 20 tỷ USD mỗi năm.

Liên minh châu Âu EU trong ngày 30/4 đã lên tiếng khẳng định sẽ có bước đi cần thiết để khuyến khích cách hành xử tốt hơn sau khi một loạt nhà bán lẻ châu Âu trong đó có Primark, Benetton và Mango thừa nhận đã sử dụng các xưởng may bên trong tòa nhà bị sập.

Rất đông người đã tới dự lễ an táng những nạn nhân xấu số
Rất đông người đã tới dự lễ an táng những nạn nhân xấu số

Gần 60% hàng may mặc của Bangladesh được xuất sang EU và được miễn thuế, nên khu vực này có một tiếng nói rất lớn về vấn đề an toàn lao động tại Bangladesh.

Trong khi đó sự giận dữ của người biểu tình Bangladesh trong ngày hôm qua là có thể thấy rõ khi họ tiếp tục yêu cầu phải xử tử chủ tòa nhà cùng 4 chủ các xưởng may, những người đã bị bắt và đang đối mặt với cáo buộc gây chết người do bất cẩn.

“Chúng tôi muốn hình phạt nghiêm khắc nhất cho những ai phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này”, Kamrul Anam, người đứng đầu Liên đoàn công nhân ngành dệt may Bangladesh khẳng định với AFP.

“Chính phủ nên treo cổ chủ tòa nhà và chủ các xưởng may. Chúng tôi muốn công lý được thực thi với những tên sát nhân đó”, Liakot Khan, một người biểu tình khác tại Dhaka giận dữ nói.

Theo cảnh sát, đã có khoảng hơn 20.000 người biểu tình tại Dhaka trong ngày hôm qua. Một số cuộc biểu tình nhỏ cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố khác.

Rất nhiều trong số 4500 xưởng may của nước này vẫn đóng cửa suốt từ thứ Tư tuần trước, khiến nền kinh tế với 80% sản phẩm xuất khẩu là hàng may mặc này chịu thiệt hại lớn.

Trong khi đó tại một khu nghĩa trang ở Dhaka, khoảng 2000 người đã tham dự lễ an táng 32 thi thể không có người thân tiếp nhận. Họ được chôn cất gần ngôi mộ của những nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một xưởng may khác hồi tháng 11 năm ngoái.

Buổi lễ an táng đã chứng kiến một sự việc bất ngờ khi chị gái của một nạn nhân đã kịp nhận ra thi thể người em mình chỉ ít phút trước khi được chôn cất. Ngay sau đó người này đã đưa em mình về nhà để mai táng riêng.

Theo ông Mir Rabbi, phát ngôn viên của quân đội Bangladesh, đến nay 411 người đã được xác nhận thiệt mạng. Khoảng 2.430 người đã đươc cứu thoát khỏi đống đổ nát.

Thanh Tùng
Theo AFP