Gian khó cuộc "ly hôn" giữa Anh và EU
Dù đã quyết định “ly hôn” song tiến trình để nước Anh chia tay Liên minh châu Âu (EU) một cách yên ả, tránh gây khó khăn cũng như thiệt hại thêm cho cả hai bên cũng không hề dễ dàng.
Chính phủ Anh ngày 2-8 đã công bố các kế hoạch về một dự luật cho phép quốc gia này có quyền hạn pháp lý để tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Do các thành viên EU đồng thuận thi hành nhiều chính sách đối ngoại chung nên nước Anh trước đây khi đàm phán và áp đặt các lệnh trừng phạt không phải của Liên hợp quốc chống lại một số quốc gia nào đó phải thông qua luật pháp chung của liên minh.
Trong khi đó, Anh hiện đang thi hành hơn 30 chế tài trừng phạt chung của EU, bao gồm cả các cuộc trừng phạt chống lại Nga, Triều Tiên và Iran cũng như các lệnh trừng phạt nhằm ngăn ngừa khủng bố… Bởi thế, nếu không có dự luật mới, nước Anh trong trường hợp muốn tiếp tục cũng sẽ không có quyền pháp lý để có thể thi hành các biện pháp trừng phạt.
Lên tiếng về sự cần thiết phải có dự luật mới làm nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt của nước Anh, Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề châu Âu Alan Duncan nêu rõ dự luật mới sẽ cho phép nước này duy trì các lệnh trừng phạt phù hợp dù một mình hay cùng với các đối tác EU.
Theo ông Alan Duncan, điều này là rất cần thiết khi London phải tiếp tục thi hành các chính sách nhằm chống lại các quốc gia, tổ chức và cá nhân vi phạm luật pháp quốc tế, phạm tội hoặc tài trợ khủng bố hay đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Đặc biệt, dự luật mới sẽ tạo điều kiện cho nước Anh có thể cắt đứt tài trợ khủng bố, cũng như đóng băng tài khoản ngân hàng của các đối tượng tình nghi khủng bố một cách dễ dàng hơn…
Chính phủ Anh hy vọng luật mới sẽ sớm được Quốc hội Anh xem xét thông qua để có thể kịp triển khai vào thời điểm nước này chính thức rời “ngôi nhà chung” EU vào đầu năm 2019. Dù thời gian còn hơn một năm nữa song không chỉ có dự luật về việc thi hành các biện pháp trừng phạt quốc tế, Anh còn phải soạn thảo để ban hành rất nhiều văn bản pháp lý khác trong tiến trình Brexit đầy gian khó.
Theo dự luật rút khỏi EU - còn gọi là “Luật hủy bỏ” và được xem như “hòn đá tảng” pháp lý về hủy bỏ quy chế thành viên của Anh quy định tại “Luật Cộng đồng châu Âu 1972” - được chính thức công bố ngày 13-7 vừa qua, Anh sẽ chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) cùng các quy định pháp lý chung của liên minh tại nước này.
Để “ra ở riêng”, Chính phủ Anh chuyển đổi khoảng 12.000 quy định và luật của EU hiện nay thành luật pháp Anh, để qua đó giúp hệ thống luật pháp nước này vận hành trơn tru sau Brexit. Dự luật đặt ra các quyền hạn mà các bộ trưởng, với sự thông qua của Quốc hội, có thể sửa đổi các điều luật để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả một khi được đưa vào luật pháp Anh…
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề gai góc mà Anh và EU cần thảo luận là “hóa đơn” Brexit ước tính 100 tỷ euro (112 tỷ USD) mà Anh phải trả cho cuộc “ly hôn” với liên minh.
Sau nhiều dàn xếp về các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán, cuộc đàm phán về việc Anh rời EU đã chính thức được khởi động từ ngày 19-6 vừa qua. Anh và EU cùng hạ quyết tâm rằng đàm phán về Brexit sẽ được tổ chức khẩn trương để nước Anh và EU chính thức “chia tay” nhau vào tháng 3-2019.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô