Giám đốc WHO: Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 đang bị "đầu độc chính trị"
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cần tách bạch giữa khoa học và chính trị trong điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, giữa lúc tranh cãi về các giả thuyết "nóng" trở lại.
Cuộc điều tra đang bị đầu độc
Hồi đầu tuần, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho hay, các cuộc trao đổi với các nước thành viên về giai đoạn điều tra thứ hai sẽ tiếp tục trong các tuần tới.
Tuy nhiên, ông Ryan cũng cho rằng, cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 đang bị "đầu độc bởi chính trị". "Chúng tôi muốn tất cả phải tách bạch, tách bạch giữa chính trị với khoa học. Cả quá trình này đang bị đầu độc bởi chính trị", ông Ryan nói với các phóng viên hôm qua 28/5.
Câu hỏi về cách thức tiến hành giai đoạn điều tra tiếp theo nguồn gốc Covid-19 phủ bóng lên cuộc họp thường niên Đại hội đồng Y tế Thế giới của WHO trong tuần này. Nhiều nước không thỏa mãn với báo cáo điều tra giai đoạn 1 của nhóm chuyên gia WHO vì cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch trong quá trình hợp tác điều tra.
Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc hôm 27/5 kêu gọi nhanh chóng tiến hành giai đoạn hai của cuộc điều tra trên cơ sở minh bạch và dựa vào bằng chứng. Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Simon Manley cũng đưa ra những bình luận tương tự.
Đại diện Trung Quốc cũng nói rằng, Bắc Kinh ủng hộ mở rộng điều tra nhưng nhấn mạnh đã hoàn thành phần việc ở Trung Quốc, hiện giờ là lúc để các nước khác hợp tác điều tra. Tuy nhiên, các nhà khoa học trong nhóm của WHO nói vẫn cần điều tra thêm ở Trung Quốc như họ đã đề xuất khi đưa ra báo cáo giai đoạn 1.
"Sẽ cần thêm một số nghiên cứu ở Trung Quốc, một số nghiên cứu ở ngoài Trung Quốc", nhà khoa học Hà Lan Marion Koopmans trong nhóm của WHO cho biết.
Về phía WHO, Fadela Chaib, phát ngôn viên cơ quan này, cho biết: "Nhóm kỹ thuật sẽ chuẩn bị đề xuất cho nghiên cứu cần thực hiện tiếp theo và trình lên Tổng giám đốc. Tổng giám đốc WHO sẽ thảo luận với các quốc gia thành viên về các bước tiếp theo. Chưa có mốc thời gian cho hoạt động này".
Kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 nóng trở lại gần đây sau khi truyền thông tiết lộ một báo cáo tình báo Mỹ nói rằng một số nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán phải nhập viện hồi tháng 11/2019 không lâu sau khi Trung Quốc công bố các ca Covid-19 đầu tiên. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này cũng chỉ thị cộng đồng tình báo tìm ra câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đại dịch trong vòng 90 ngày.
Đến nay Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết cho rằng virus gây đại dịch Covid-19 thoát ra ngoài do một tai nạn phòng thí nghiệm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tối 26/5 đã đăng tải trên trang chủ của mình một thông cáo nói rằng "một số thế lực chính trị đang cố thao túng chính trị và chơi trò đổ lỗi".
Báo cáo của nhóm chuyên gia WHO hồi tháng 3 cũng đánh giá đây là giả thuyết "rất khó xảy ra", ngược lại, giả thuyết nhiều khả năng nhất là virus lây sang người từ một động vật nhiễm bệnh. Báo cáo kéo theo nhiều ý kiến trái chiều. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nhóm chuyên gia đến Vũ Hán đã phàn nàn việc bị hạn chế tiếp cận dữ liệu thô. Ông cũng cho rằng cần mở rộng điều tra và để ngỏ mọi giả thuyết về nguồn gốc Covid-19.
Không còn nhiều thời gian
Theo AFP, 3 thành viên trong nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đã bày tỏ sự bức xúc vì đến nay chưa thể bắt đầu giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.
"Vẫn còn rất nhiều công việc chúng ta có thể làm nhưng nếu chúng ta không bắt đầu nhanh chóng, chúng ta sẽ dần dần mất khả năng truy nguồn gốc", nhà khoa học Anh Peter Daszak trong nhóm chuyên gia WHO cảnh báo hôm 27/5.
Ông Daszak là một trong hơn 10 chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đã tham gia vào cuộc điều tra giai đoạn 1 ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 1 và tháng 2 năm nay.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, thời gian không còn nhiều cho việc kiểm tra, nghiên cứu các mẫu máu và các manh mối quan trọng khác ở Trung Quốc.
Một thành viên khác trong nhóm chuyên gia, nhà dịch tễ học Đan Mạch Thea Fischer, cũng cho rằng tiến độ điều tra đang bị trì trệ. Bà Fischer cho biết, ngân hàng máu ở Vũ Hán đã đồng ý kéo dài thời gian lưu trữ các mẫu máu trong trường hợp cần điều tra thêm về các ca Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bà cảnh báo, các mẫu máu như vậy có thể bị phá hủy ở những thành phố khác. "Thực sự thời gian không còn nhiều và chúng ta cần nhanh chóng tiếp tục các nghiên cứu này", bà Fischer nói.