1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải pháp nào cho bán đảo Triều Tiên?

Cần phải có những bước đi cụ thể để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và quan trọng nhất là các bên liên quan phải cam kết bảo đảm an ninh cho nước này.

Bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: Fox6)
Bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: Fox6)

Căng thẳng nối tiếp căng thẳng

Vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh mang tên lửa của Triều Tiên mới đây đã hướng sự chú ý của dư luận vào thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.

Được dẫn dắt bởi Mỹ, cộng đồng quốc tế đã phản ứng mạnh mẽ đối với các vụ thử trên, tăng cường lệnh trừng phạt bổ sung, đẩy mạnh các khả năng và biện pháp trừng phạt, trong đó phải kể đến Nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tuy nhiên, dư luận vẫn cần phải theo dõi các lệnh trừng phạt đó sẽ đem lại hiệu quả đến đâu?

Trong những năm gần đây, ý tưởng nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên đã không thành hiện thực do sự mất lòng tin gia tăng khi Chính quyền Bình Nhưỡng từ chối hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình. Cơ chế đàm phán 6 bên đã bị gián đoạn kể từ cuối năm 2008, trong khi sự đổ vỡ của “Thỏa thuận ngày Nhuận” được Wahington và Bình Nhưỡng ký kết năm 2012 đã đặt dấu chấm hết cho sự kiên nhẫn của Washington trong cuộc đối thoại.

Kể từ đó, tất cả các bên đã áp đặt điều kiện tiên quyết cao làm cơ sở cho đối thoại, nhưng sau đó các điều kiện đưa ra đều bị từ chối. Đối với Mỹ và Hàn Quốc, các điều kiện đưa ra liên quan đến các biện pháp “phi hạt nhân hóa hữu hình”. Đối với Triều Tiên, nước này đòi hỏi việc ký kết một hiệp ước hòa bình và gỡ bỏ “chính sách thù địch” của Washington đối với Bình Nhưỡng.

Với những căng thẳng hiện tại, việc ngăn chặn khủng hoảng leo thang phải được ưu tiên hàng đầu. Môi trường an ninh xấu đi đang đẩy bán đảo Triều Tiên theo chiều hướng nguy hiểm.

Phản ứng trước các vụ thử vừa qua của Triều Tiên, Hàn Quốc đã đóng cửa Khu công nghiệp chung Kaesong và tái khởi động chương trình phát loa phóng thanh ở Khu vực Phi quân sự (DMZ). Đồng thời, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự chung thường niên quy mô lớn nhất từ trước đến nay và triển khai các vũ khí chiến lược trên bán đảo Triều Tiên. Gần đây nhất hôm 16/3, Mỹ còn áp đặt thêm một loạt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Trong khi đó, Triều Tiên thì cắt đứt đường dây nóng quân sự Bắc - Nam và một tàu tuần tra được báo cáo là đã vượt qua Đường giới hạn phía Bắc (NLL); đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành thêm các vụ thử và các hành động quân sự khác...

Đối thoại - ưu tiên hàng đầu

Theo các nhà phân tích, điều quan trọng hiện nay là các bên liên quan phải nỗ lực để ổn định tình hình. Các kênh ngoại giao ở cấp chính thức và không chính thức giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên là rất cần thiết để làm rõ những ý định và xoa dịu căng thẳng.

Theo đó, đối thoại nên tập trung vào việc nhanh chóng tái lập đường dây nóng quân sự trực tiếp, thông báo trước cho nhau các hoạt động quân sự và ngăn ngừa sự cố bất ngờ. Ngoài mối quan tâm trực tiếp trong quản lý khủng hoảng quân sự, sau khi kết thúc các cuộc tập trận Mỹ - Hàn, thử thách tiếp theo là nối lại đàm phán. Điều này sẽ đòi hỏi Mỹ và Triều Tiên phải loại bỏ hoặc giảm thiểu các điều kiện tiên quyết để tổ chức đối thoại chính thức.

Mới đây, tạp chí Wall Street Journal tiết lộ, Washington đã bí mật đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng chỉ vài ngày trước vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Triều Tiên. Điều này cho thấy, Mỹ có thể sẵn sàng đàm phán về hiệp ước hòa bình với Bình Nhưỡng nhưng kèm theo điều kiện: các cuộc thảo luận cũng tập trung giải quyết phi hạt nhân hóa, chứ không phải là đòi hỏi các biện pháp phi hạt nhân hóa có kiểm chứng như một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán.

Trong khi đó, ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đề nghị, các vấn đề của một hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa có thể được thảo luận tại cùng một thời điểm trong khuôn khổ đàm phán 6 bên. Điều này là cần thiết để tất cả các bên tái khẳng định mục tiêu cuối cùng vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên và ký kết một hiệp ước hòa bình.

Tuy nhiên, các bên cần phải xem xét lại các thỏa thuận đạt được từ trước và quyết định những nguyên tắc và khía cạnh nào cần giữ lại. Ngôn từ trong hiệp định cần cụ thể hơn, các quy định, biện pháp xác minh phải chặt chẽ và các bước phải được nêu rõ ràng trong trường hợp các bên không tuân thủ. Để thực hiện việc này cần phải thiết lập một lộ trình quy định cụ thể thoả thuận của hai bên về mức độ có đi có lại và trình tự. Tất cả điều này sẽ đòi hỏi ý chí chính trị cũng như các biện pháp ngoại giao táo bạo. Rất tiếc là trong bối cảnh hiện nay, dường như các bên liên quan vẫn còn thiếu những điều đó.

Việc gia tăng trừng phạt Triều Tiên đã cho thấy cộng đồng quốc tế không chấp nhận chương trình hạt nhân của nước này và có thể gây sức ép bằng cách tăng tổn thất cho những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nếu các bên liên quan không bổ sung những nỗ lực nghiêm túc và dài hơi để kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sẽ dẫn đến nguy cơ Triều Tiên thúc đẩy hơn nữa tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của mình. Điển hình như vụ phóng liên tiếp hai tên lửa đạn đạo vào hôm 18/3, tuyên bố thu nhỏ đầu đạn hạt nhân thành công để gắn vào tên lửa đạn đạo hôm 9/3 hay đe dọa “tấn công toàn diện” nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc hôm 4/3…

Với mỗi vụ thử, Triều Tiên sẽ có điều kiện nâng cao tình trạng hạt nhân của mình và lúc đó việc ép buộc hoặc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Theo Duy Phương

ế giới và Việt Nam