Giải Nobel hòa bình có thể về tay cựu điệp viên Snowden
(Dân trí) - Mùa trao giải thưởng Nobel danh giá sẽ bắt đầu vào ngày 6/10 tới với giải Nobel hòa bình. Hiện những ứng viên hàng đầu cho giải thưởng này là cựu điệp viên CIA Edward Snowden, thiếu nữ hoạt động vì giáo dục người Pakistan Malala Yousafzai và Giáo hoàng Francis.
Năm ngoái, giải thưởng Nobel vật lý đã được trao cho các nhà khoa học Peter Higgs và Francois Englert do khám phá ra hạt Higgs đúng như những nhận định trước đó. Tuy nhiên các nhà quan sát cũng như giới cá cược thường có xu hướng chú ý hơn tới việc ai đoạt các giải Nobel hòa bình và văn học.
Năm nay, có tổng công 278 người được đề cử giải Nobel hòa bình, và mặc dù danh sách này được giữ bí mật, một số cái tên đã được các nhà tài trợ của giải thưởng hé lộ, gồm cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden. Snowden đã được 2 thành viên quốc hội Na-uy đề cử.
Kristian Berg Harpviken, giám đốc của Viện nghiên cứu hòa bình Oslo, là một trong số ít chuyên gia thường công bố danh sách rút gọn các ứng viên có khả năng chiến thắng. Cho dù chưa một lần thành công, nhưng năm nay ông Harpviken xếp Snowden ở vị trí thứ hai sau Giáo hoàng Francis, vì đã tiết lộ hoạt động theo dõi điện tử trên diện rộng của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, chuyên gia này thừa nhận việc trao giải cho cựu nhân viên tình báo này có thể gây tranh cãi bởi “nhiều người tiếp tục xem cậu ta là kẻ phản bội, hoặc một kẻ tội phạm”.
Dù vậy, 5 thành viên của Ủy ban Nobel có thể trao thưởng cho Snowden, người đang sống tị nạn tại Nga, để “khẳng định tính độc lập của Ủy ban Nobel”.
Một số người khác, trong đó có ông Robert Haardh, lãnh đạo tổ chức Người bảo vệ nhân quyền tại Stockholm, Thụy Điển, lại phản bác khả năng trao giải cho Snowden. “Sẽ thực sự rất dũng cảm nếu họ trao giải cho Snowden. Nhưng dựa trên lịch sử, tôi không thấy chuyện này sẽ diễn ra. Nó gây quá nhiều tranh cãi – còn những người Scandinavia lại quá thân với Mỹ”.
Giáo hoàng Francis, hiện đang đứng đầu danh sách cá cược thắng giải của nhà cái Paddy Power, cũng có thể là một lựa chọn tranh cãi nữa.
Giới phân tích cho rằng một giải Nobel dành cho giáo hoàng có thể gây ra phản ứng tương tự như giải Nobel hòa bình trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009, với những phàn nàn rằng ông Obama được trao giải về những điều tốt đẹp có thể thực hiện trong tương lai, hơn là những gì ông đã làm được bởi vào thời điểm đó ông chỉ mới nhậm chức chưa đầy 1 năm.
Những gương mặt sáng giá khác còn có thiếu nữ Malala Yousafzai, 17 tuổi, người Pakistan, người đã bất chấp việc bị Taliban đe dọa và tấn công năm 2012 để tiếp tục vận động cho quyền học tập của các bé gái. Năm ngoái Malala cũng từng được đề cử. Tương tự, bác sỹ người Congo Denis Mukwege cũng có khả năng cao sẽ chiến thắng.
Giải Nobel hòa bình năm 2013 đã được trao cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học.
Thanh Tùng
Theo AFP