1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mật hành động bất thường của máy bay ném bom Mỹ ở đảo Guam

Lần đầu tiên sau 16 năm, không quân Mỹ không còn máy bay ném bom hạng nặng nào trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, khi 5 chiếc máy bay B-52 rời căn cứ không quân Andersen trên đảo này vào ngày 17-4

Sự hiện diện của các máy bay ném bom trên đảo Guam từng được Lầu Năm Góc coi như sự răn đe đối với các đối thủ tiềm năng và trấn an cho các đồng minh ở châu Á và phía Tây Thái Bình Dương.

Theo Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), các máy bay ném bom tàng hình B-52, B-1 và B-2 được triển khai tới căn cứ không quân Andersen trong vòng quay sáu tháng. Lực lượng không quân này nằm trong chiến lược quân sự của Mỹ, chỉ trong vài giờ bay họ đã có thể có mặt tại các "điểm nóng" ở Thái Bình Dương như Biển Đông.

Giải mật hành động bất thường của máy bay ném bom Mỹ ở đảo Guam - 1

Máy bay ném bom tàng hình B-52, B-1, B-2. Ảnh: Lực lượng không quân Mỹ

Bây giờ, Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ nói rằng máy bay ném bom có ​​thể hiệu quả hơn khi bay từ căn cứ của họ ở trong lục địa Mỹ. Khi cần, họ vẫn có thể triển khai nhanh chóng đến Thái Bình Dương cũng như phản ứng nhanh hơn với các điểm nóng tiềm năng khác như Vịnh Ba Tư.

"Mỹ đã chuyển sang cách tiếp cận cho phép máy bay ném bom chiến lược hoạt động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương từ một loạt các địa điểm ở nước ngoài. Tuy nhiên, trụ sở chính thức của nó phải nằm ở Mỹ" - Thiếu tá Kate Atanasoff, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, nói trong một tuyên bố.

Động thái này phù hợp với chiến lược phòng thủ quốc gia năm 2018 của Lầu Năm Góc, với quan điểm các đối thủ "không thể đoán trước được hoạt động" của các lực lượng quân sự Mỹ.

Từ quan điểm quân sự, các nhà phân tích của Mỹ cho rằng động thái này có rất nhiều ý nghĩa.

Ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của RAND - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phân tích các chính sách của Mỹ - cho biết: "Việc triển khai các hoạt động trên đảo Guam đã cho thấy việc dễ dàng lộ ra các lỗ hổng nghiêm trọng. Một nhà chiến lược quân sự Trung Quốc có thể vạch ra các cách phá hủy máy bay ném bom do sự hiện diện nổi tiếng của chúng trên đảo".

Trên thực tế, DF-26 một trong những tên lửa đạn đạo tầm trung được đánh giá cao của Trung Quốc - được các nhà phân tích mệnh danh là "kẻ giết người trên đảo Guam" ra mắt vào năm 2015 - có khả năng tấn công căn cứ này từ lục địa Trung Quốc.

Năm 2017, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung của riêng mình, Hwasong-12. Theo những gì truyền thông nói thì nó là một phần trong kế hoạch nhằm đến "đảo Guam".

 

Máy bay ném bom B-1 của Mỹ . Ảnh: Lực lượng không quân Mỹ

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương - Mỹ, cho biết: "Việc rút lui khỏi đảo Guam làm giảm dấu vết khiến chúng có thể là mục tiêu của tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc và Triều Tiên".

"Các máy bay ném bom được đưa ra khỏi phạm vi có thể bị tấn công đầu tiên của đối thủ. Tuy nhiên, chúng được trang bị tên lửa tấn công tầm xa và được hỗ trợ bởi các tàu chở dầu tiếp nhiên liệu trên không. Các máy bay này có thể hoạt động trở lại ở Thái Bình Dương trong vòng chưa đầy một ngày từ các căn cứ ở các bang Bắc Dakota và Louisiana" - ông Schuster nhấn mạnh.

Để minh họa cho việc này, vào hôm 22-4  không quân Mỹ đã gửi một máy bay ném bom B-1 từ cơ sở Nam Dakota chỉ mất khoảng 30 giờ sang tới Nhật Bản. Sau đó, máy bay B-1 này đã hợp tác cùng máy bay chiến đấu F-15 và F-2 của Nhật cũng như F -16 của Mỹ có một cuộc tập trận chung.

"Hoạt động này thể hiện cam kết không ngừng của chúng tôi đối với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, thông qua việc sử dụng lực lượng chiến lược từ khắp nơi trên thế giới"- tướng C.Q Brown Jr., chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết.

Ông Schuster nói rằng trong khi các máy bay ném bom đang trên đường bay từ lục địa Mỹ, quân đội Mỹ vẫn duy trì đủ hỏa lực trong khu vực - bao gồm máy bay chiến đấu F-35, F-16 và F-15 tại Nhật Bản và tàu chiến, tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk - để đối phó với giai đoạn đầu của bất kỳ xung đột nào.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng than phiền về gánh nặng chi phí quân sự mà Mỹ phải gánh và đòi các đồng minh phải chia sẻ: "Các trò chơi chiến tranh rất tốn kém. Chúng tôi đã trả tiền cho phần lớn trong các hoạt động quân sự từ đảo Guam".

Phát biểu trên của ông Trump cũng làm dấy lên những ý kiến tỏ ra không yên tâm với sự thay đổi chiến lược quân sự này. Ông Peter Layton, cựu sĩ quan không quân Úc và là nhà phân tích tại Viện Griffith châu Á nói: "Sự di chuyển máy bay ném bom khỏi đảo Guam ngầm gửi một thông điệp chiến lược rõ ràng đến các đồng minh Mỹ ở Thái Bình Dương. Từng bước một Mỹ sẽ rời đi".

Ông Layton lưu ý rằng sự di dời máy bay ném bom khỏi đảo Guam xuất hiện vào khoảng thời gian Trung Quốc tập trận gần Đài Loan và hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông.

Theo Gia Minh

Người lao động