1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giải mã việc Nga đang 'thắng' Mỹ ở Trung Đông

Ngày 5/10 vừa qua, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud đã lần đầu tiên thăm Nga. Thông tin đáng chú ý nhất về kết quả chuyến thăm này là Nga cam kết cung cấp cho Saudis Arabia hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất S-400 Triumph trị giá 3 tỷ USD.


Vua Saudi Arabia’s King Salman bin Abdulaziz Al Saud và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Ảnh: Anadolu Agency

Vua Saudi Arabia’s King Salman bin Abdulaziz Al Saud và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Ảnh: Anadolu Agency

Ông Neville Teller, tác giả của cuốn sách "Những bất ổn ở Trung Đông, 2014 - 2016", bình luận rằng, chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Salman và các thỏa thuận sau đó đã gây ngạc nhiên, khi xét đến những quan điểm đối lập nhau của hai nước trong xung đột Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang nhận được sự hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự của Nga, trong khi Saudi Arabia lại tài trợ cho các nhóm phiến quân đang tìm cách lật đổ ông Assad.

Để giải đáp câu hỏi trên, theo ông Yuri Barmin, chuyên gia thuộc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, Saudi Arabia "nhận ra rằng Nga hiện đang kiểm soát cuộc khủng hoảng. Họ thấy cán cân quyền lực đang thay đổi như thế nào trong khu vực: cách mà Mỹ đang thoái lui và Nga gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có kế hoạch xác lập Nga như là một lực lượng chính cần được tính đến trên vũ đài thế giới và Trung Đông là một khu vực mà ông đang thành công. Nếu ông Putin giành được ưu thế trước Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khu vực trên, ông sẽ tăng cường vị thế toàn cầu của Nga một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, sáng kiến gần đây của Nga nhằm làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia cũng đã gây ngạc nhiên và đã để lại nhiều câu hỏi về việc Moskva có thể làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa Tehran và Riyadh. Trung Đông đang trong quá trình chuyển đổi địa chính trị có thể ảnh hưởng đến khu vực này trong nhiều thập kỷ tới, mở đường cho việc thiết lập một hệ thống chính trị và an ninh mới.

Tổng thống Nga Putin đã trở thành nhà lãnh đạo thực tế trong khu vực và, trong thời gian ngắn từ năm 2015, đã thành công trong việc lấp đầy khoảng trống quyền lực do sự rút lui dần của Mỹ vì Washington đã giảm phụ thuộc vào nguồn dầu thô của Trung Đông.

Các đồng minh truyền thống của Mỹ ở Trung Đông, như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, đang tỏ ra quan tâm đến việc tăng cường quan hệ quân sự và kinh tế với Nga.

Chuyến thăm gần đây của Vua Salman bin Abdulaziz cho thấy Riyadh đã bị thuyết phục rằng, cách chắc chắn nhất để bảo đảm sự ổn định ở Trung Đông nằm ở Nga. Chuyến thăm cũng được xem là bước đi đầu tiên thực sự hướng tới một liên minh chiến lược giữa hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên thế giới.


Máy bay ném bom Su-24 của Nga hạ cánh tại căn cứ quân sự Hmeymim ở tỉnh Latakia, Syria năm 2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay ném bom Su-24 của Nga hạ cánh tại căn cứ quân sự Hmeymim ở tỉnh Latakia, Syria năm 2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Shehab al-Makahleh, nhà báo kỳ cựu, từng là cố vấn chính sách ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, cho rằng kể từ đầu năm 2017, Nga đã tăng cường hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là tam giác quyền lực quan trọng nhất và nổi bật nhất trong khu vực, đánh dấu bước khởi đầu sự kết thúc ảnh hưởng của Mỹ.

Theo các quan chức Arập và một cuộc thăm dò gần đây, vai trò lãnh đạo của Mỹ đang mất đi ảnh hưởng và sự tin cậy ở Trung Đông. Trong khi đó, Nga đã thành công trong việc thuyết phục các đồng minh cũ của Mỹ thay đổi quan điểm của họ đối với Moskva như một nhà môi giới không thể thiếu trong khu vực.

Có thể ông Putin đang muốn bổ sung Saudi Arabia vào tam giác trên. Nhưng tứ giác liên minh mới này không thể thành lập khi mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran chưa được cải thiện và phải xóa bỏ mọi căng thẳng cơ bản giữa Tehran và Riyadh mới giúp liên minh này thành công. Do đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã bày tỏ sự sẵn sàng của Moskva trong việc là cầu nối để Iran và Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ song phương.

Cả Riyadh và Tehran đều có lợi ích trong việc bình thường hóa quan hệ. Mối quan hệ của họ được cải thiện sẽ giúp giải tỏa căng thẳng tại nhiều điểm nóng trên khắp khu vực, bắt đầu từ Syria, Iraq, Bahrain và Yemen. Điều này có thể cũng sẽ giúp cho Nga được "bật đèn xanh" để can thiệp vào cuộc chiến tại Yemen, vì Moskva có quan điểm trung lập đối với các bên tham chiến tại quốc gia trên.

Với việc cuộc xung đột ở Syria đang đến hồi kết, Nga đã chứng tỏ có được sự tin cậy hơn của người Arập khi hỗ trợ Chính phủ Syria giành lại hầu hết các khu vực dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang đối lập và tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Theo Vũ Thanh

Báo Tin Tức