“Giải mã” cơn giận dữ của ông Kim Jong-un khi thị sát công trình bệnh viện
(Dân trí) - Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un khiển trách cấp dưới khi thị sát công trường xây dựng bệnh viện đã cho thấy khó khăn của nền kinh tế Triều Tiên khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ngày 20/7, trong chuyến thị sát công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khiển trách ban lãnh đạo công trình vì để xảy ra “những vấn đề nghiêm trọng trong việc lên phương án tài chính cho công trình”.
Ông Kim khiển trách các quan chức cấp dưới vì không tuân thủ các chính sách của đảng, đồng thời cáo buộc họ xây dựng phương án tài chính một cách “cẩu thả”. Ông Kim đã chỉ đạo “thay thế tất cả quan chức chịu trách nhiệm” về sai sót trên.
Chuyến thị sát căng thẳng diễn ra chưa đầy 3 tháng trước khi Triều Tiên kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động vào ngày 10/10. Ông Kim Jong-un hồi tháng 3 đã chọn thời điểm hoàn thành công trình trước tháng 10 để đánh dấu sự kiện quan trọng này của đất nước.
Theo các chuyên gia, dự án Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng dường như đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên vật liệu xây dựng. Điều này cho thấy những thách thức mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải đối mặt để cải thiện điều kiện sống của người dân, trong khi vẫn phải hứng chịu chiến dịch trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nguyên nhân khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguyên vật liệu xây dựng bệnh viện có thể do các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn đại dịch Covid-19. Triều Tiên đã nhanh chóng đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, sau khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại nước láng giềng Trung Quốc từ tháng 1.
Theo tổ chức Fitch Solutions, nền kinh tế Triều Tiên có nguy cơ suy giảm 6% trong năm nay. Đây là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ sau nạn đói lịch sử cách đây hơn 20 năm. Dịch Covid-19 càng khiến cho tình hình kinh tế Triều Tiên trở nên khó khăn hơn.
Hơn 2 năm sau một loạt cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa đạt được mục tiêu nới lỏng trừng phạt như ông mong muốn, để đổi lại bất kỳ đề xuất nào về việc thu hẹp chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngoài việc cản trở Triều Tiên nhập khẩu kim loại, máy móc và các sản phẩm xăng dầu, các lệnh trừng phạt còn ngăn chính quyền Kim Jong-un tiếp cận nguồn ngoại tệ.
Theo nhận định của 38 North, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, những tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Quân ủy Trung ương Triều Tiên cho thấy, vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Trang NK News hồi tháng trước đưa tin, các lệnh trừng phạt khiến công trình Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các trang thiết bị y tế. Ông Kim Jong-un đã dành 2 trong số hàng chục chuyến thị sát của ông trong năm nay để thăm công trình này - nơi có 2 tòa tháp được xây dựng trên diện tích 60.000 m2.
Ngoài bệnh viện Bình Nhưỡng, một dự án xây dựng trọng điểm khác của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gồm khu du lịch Wonsan-Kalma ở bờ biển phía đông với hơn 100 tòa nhà, một sân bay và một sân vận động, đã có nhiều tiến triển trong 9 năm qua. Tuy nhiên 38 North phân tích các hình ảnh vệ tinh hồi tháng 4 cho thấy, dự án khu du lịch này cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, dường như do thiếu nguyên vật liệu xây dựng.
Triều Tiên có lẽ đã rút ra bài học về những rủi ro khi xây dựng các công trình đắt đỏ, sau khi khởi công khách sạn Ryugyong 105 tầng vào năm 1987 và cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Công trình này đã được nâng cấp, nhưng chưa bao giờ mở cửa đón khách.
Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích Triều Tiên của chính quyền Mỹ, cho rằng sự quan tâm của ông Kim Jong-un đối với dự án Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng dường như để chứng minh rằng ông là một nhà lãnh đạo thực tế và sát sao.
“Triều Tiên muốn khởi động một dự án kinh tế khả thi, dù quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn mang tính biểu tượng. Ông Kim Jong-un rõ ràng cho rằng việc xây dựng một bệnh viện tại thủ đô của đất nước đáp ứng được những điều kiện này”, chuyên gia Lee nhận định.
Thành Đạt
Theo Bloomberg