1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giấc mơ đổi đời đưa người Myanmar sang Thái

Kyaw Min, một chàng trai Myanmar 27 tuổi, vừa gạt mồ hôi trên mặt vừa đẩy chiếc xe kéo bằng sắt tại một cảng cá ồn ã tại tỉnh Samut Sakorn, giáp với Bangkok về phía bắc.

"Tôi làm việc không theo giờ giấc cụ thể gì hết, tất cả phụ thuộc vào giờ tàu cập cảng. Thường thường tôi phải dậy lúc 4h sáng", Kyaw Min, người có mái tóc dài và làn da rám nắng cho biết.

 

Chuyển những thùng cá nặng từ thuyền lên cảng, Min kiếm được khoảng 6.000 baht (2,4 triệu VND) mỗi tháng, chỉ đủ trang trải tiền nhà trọ, ăn uống và những thứ cần thiết khác. Nhưng số tiền đó gấp ba lần thu nhập của anh ở quê nhà bằng nghề thợ mộc.

 

"Làm việc ở đây vất vả lắm nhưng thu nhập khá hơn ở nhà", Kyaw Min cho biết. "Mặc dù rất nhớ nhà nhưng tôi cần phải kiếm tiền".

 

Kyaw Min là một trong số 1,8 triệu người Myanmar trong gần 2 triệu lao động nhập cư ở Thái Lan. Họ chủ yếu đến từ Myanmar, Lào và Campuchia, theo Chương trình Hỗ trợ Nhập cư (MAP), một tổ chức phi chính phủ. Hầu hết những người này làm công việc tay chân như đánh bắt cá, trồng trọt, xây dựng hoặc giúp việc gia đình.

 

Lao động nhập cư ở Thái Lan có thu nhập trung bình khoảng 3.000 baht (1,2 triệu VND), Jerrold W. Huguet, cố vấn của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), cho hay. Những người may mắn có thể kiếm được tới 15.000 baht mỗi tháng.

 

Theo Brahm Press, chuyên gia về lao động nhập cư của Raks Thai Foundation, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan thu hút người dân các nước xung quanh vì có nền kinh tế phát triển hơn. Năm ngoái, tổng thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người tính theo sức mua của Thái Lan là 7.400 USD trong khi con số đó của Campuchia và Lào là 1.900 USD và của Myanmar là 1.800 USD.

 

Vasant Sathorn, Giám đốc cơ quan quản lý lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động Thái Lan, cho rằng người dân các quốc gia láng giềng đổ xô vào nước này kiếm việc do Thái Lan có nền kinh tế mạnh hơn, chính trị ổn định hơn và do cả chính sách của chính phủ. "Thái Lan có chính sách thu hút lao động nước ngoài", Vasant cho biết.

 

Htoo Win, 24 tuổi, công nhân bóc tôm tại một nhà máy hải sản tại Samut Sakorn, cho biết cô đến Thái Lan vì biết có thể kiếm được nhiều tiền. "Tôi rất hạnh phúc ở đây. Ở quê nhà, tôi làm thợ may và chỉ kiếm được khoảng 1.200 baht một tháng", người phụ nữ trẻ trắng trẻo và có mái tóc dài ngang lưng đến từ miền nam Myanmar cho biết.

 

Htoo Win làm việc 10 đến 12 tiếng mỗi ngày và kiếm được khoảng 10.000 baht một tháng. "Tôi để dành được gần 8.000 baht mỗi tháng và không có ý định đổi việc nữa", Htoo Win, trong bộ đồng phục gồm ủng và găng tay trắng, cười toét miệng nói.

 

Moe Tun, 31 tuổi đến từ bang Shan của Myanmar, rời quê nhà cách đây 3 năm và đang làm phục vụ tại Doi Ang Khang, một khu nghỉ mát ở Chiang Mai. Ở Myanmar, anh làm nghề lái xe khách với mức lương tháng 400 baht và giờ kiếm được hơn 10 lần số đó. 

 

"Ở đây tôi không phải trả tiền ăn uống và chỗ ở, mỗi tháng chỉ mất 125 baht tiền điện nước", Moe Tun nói và cho biết thêm quán mì của cha mẹ anh ở nhà chỉ đem lại khoảng 400 baht mỗi tháng.

 

Hầu hết lao động nhập cư đến Thái Lan để tìm việc làm tốt hơn và đa số kiếm được nhiều tiền và có cuộc sống tốt hơn ở quê nhà. Song không phải tất cả đều may mắn, một số cuối cùng bị lạm dụng, nhiễm HIV hoặc nghiện ma túy.

 

Jackie Pollock, điều phối viên của MAP, cho biết một số lao động nhập cư phải làm việc quá giờ và được trả lương thấp, thậm chí thấp hơn mức tối thiểu mà chính phủ Thái đưa ra. Họ không có quyền thành lập công đoàn và thường gặp rào cản về ngôn ngữ.

 

Tuy nhiên, người dân các nước láng giềng vẫn đổ đến Thái Lan để kiếm tìm cơ hội vì nước này cần lao động tay chân và lương thấp, Press cho biết. Năm ngoái, khoảng 250.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển hơn 1.500.000 lao động nhưng chỉ có 1.200.000 người đăng ký và 800.000 người nhận được giấy phép.

 

"Các doanh nghiệp cần thêm nhiều công nhân. Số lao động nhập cư vẫn chưa đủ", Pollock nói.

 

Trong khi người Myanmar, Lào và Campuchia đổ đến Thái Lan để kiếm việc thì người Thái lại sang Trung Đông, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan để tìm cơ hội. Vasant ước tính, khoảng nửa triệu người Thái đang làm những việc tay chân ở nước ngoài như công nhân xây dựng hay giúp việc gia đình.

 

Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), trên thế giới có khoảng 185 triệu lao động nhập cư, chiếm 3% dân số toàn cầu. Tổng số tiền mà họ gửi về nước năm ngoái là 110 tỷ USD, chỉ đứng sau giá trị xuất khẩu dầu mỏ trong thương mại quốc tế. 

 

ILO ước tính, mỗi năm lao động nhập cư ở Thái Lan gửi về nước khoảng 315 triệu USD. Nhìn chung, số tiền này được dành để trả nợ, trả tiền học cho con cái, xây nhà hoặc mua đất.

 

Kyaw Min cho biết anh vẫn là công nhân mới ở cảng cá và không dành dụm được nhiều từ khoản 6.000 baht mỗi tháng. "Ở đây có nhiều người kiếm được tới 10.000", anh cho biết.

 

Moe Tun nói rằng anh cố gắng dè sẻn số tiền kiếm được và gửi 4.000 baht về nhà mỗi tháng để trả tiền học phí cho hai đứa em đang học phổ thông và cho biết thêm rằng học phí ở Myanmar đắt kinh khủng. "Giờ thì tôi có thể hy vọng vào tương lai vì các em tôi có thể tiếp tục học", anh nói.

 

Htoo Win, cô gái bóc tôm, cho biết mỗi khi để được 4.000 baht là cô gửi về nhà. "Khoảng 5 năm nữa, khi đã dành dụm được kha khá, tôi sẽ trở về", cô nói.

 

Theo VnExpress