1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gặp sĩ quan Mỹ bị kết án 115 năm tù vì hoà bình cho Việt Nam

Năm 1971, Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc từng tham chiến ở Việt Nam, tiết lộ 7.000 trang tài liệu tối mật cho báo chí, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh VN mạnh mẽ chưa từng có tại Mỹ.

Sau gần 40 năm, ở tuổi 75, nhân vật huyền thoại này trở lại VN trong chuyến du lịch cùng các sinh viên Mỹ. Đã có sự giới thiệu của anh Michael Ellsberg, con trai ông, nhưng Daniel vẫn trả lời một cách dè dặt mỗi khi tôi liên lạc với ông từ VN.

Có lẽ đây chính là đặc tính của một sĩ quan từng làm việc trong cơ quan hoạch định chính sách chiến tranh của Lầu Năm Góc và trải qua nhiều sóng gió cuộc đời.

Vậy nhưng khi gặp nhau tại Hà Nội, Daniel lại cởi mở hơn tôi tưởng. Không còn sự e ngại, không cần những câu nói xã giao, Daniel sẵn sàng bộc bạch với những tình cảm chân thành.

Thật bất ngờ, Daniel thậm chí còn biểu diễn màn ảo thuật bằng những chiếc khăn màu cho bạn bè VN xem với sự nhanh nhẹn đến khó tin ở tuổi 75. Chính những màn ảo thuật này đã giúp ông làm quen với nhiều bạn nhỏ khi đang làm nhiệm vụ ở VN.

Quyết định gây chấn động

Nhận bằng Tiến sĩ kinh tế ĐH Harvard năm 1962, nhưng cuộc đời lại đưa Daniel đến với Bộ Quốc phòng năm 1964 và ngay sau đó ông được phái sang chiến trường VN.

Sau hơn 3 năm ở VN, làm việc cho cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng và Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, năm 1967, Daniel lúc đó 36 tuổi, trở về Mỹ. Dan được phân vào nhóm nghiên cứu tối mật về hoạch định chính sách đối với VN của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara.

Hỏi lý do nào khiến ông đi đến quyết định gây chấn động nước Mỹ năm 1971? Daniel cho biết thực ra ông đã bắt đầu copy các tài liệu mật từ năm 1969.

Ở vị trí của mình, Daniel biết rằng Tổng thống Nixon muốn “leo thang” trong cuộc chiến ở VN. Tuy nhiên, chính quyền Nixon lại dùng những lời nói dối để bao che cho hành động leo thang, kéo dài chiến tranh. Daniel muốn các nhà lịch sử, báo chí và công luận hiểu rõ sự dối trá này.

Mặt khác Daniel cũng nhận thức được những gì mình và gia đình có thể phải hứng chịu sau đó. Khi đưa ra quyết định này, Daniel cho biết, ông đã sẵn sàng vào tù.

Đây là một quyết định khó khăn với nhiều sự giằng xé nội tâm, nhưng cuối cùng phần yêu mến hoà bình, mong muốn chiến tranh kết thúc sớm, tôn trọng công lý, sự thật trong con người Daniel đã chiến thắng.

Sau khi trao tài liệu mật cho tờ The New York Times đầu tiên, Daniel và vợ, bà Patricia, bị chính quyền tìm mọi cách ngăn cản để các tờ báo khác không có được tài liệu.

Trong vòng 2 tuần, với sự giúp đỡ của bạn bè và những người hoạt động trong phong trào phản chiến, tài liệu đã được phân phát cho 19 tờ báo lớn ở Mỹ.

Daniel nhớ lại thời điểm đó FBI từng miêu tả vợ chồng ông như là mục tiêu săn đuổi lớn nhất. Một khoảng thời gian rất căng thẳng, nhưng Daniel được sự ủng hộ của vợ con, thậm chí họ còn giúp ông photo và phân phát tài liệu.

Lúc đó con của Daniel còn nhỏ và thực sự không hiểu gì, nhưng Daniel muốn con mình được biết những điều mà người cha đã làm. Ngay sau đó Daniel bị bắt, bị toà án cáo buộc tới 12 tội nghiêm trọng với bản án 115 năm tù. Vợ của ông bà Patricia cũng bị kết án.

Tuy nhiên, năm 1973, bản án 115 tù của Daniel đã bị bãi bỏ cùng với việc Tổng thống Nixon và một số quan chức Nhà Trắng bị điều tra. Cậu con trai thứ của Daniel là Michael sinh ra sau khi chiến tranh VN kết thúc.

Dù vậy Michael tâm sự với tôi rằng anh hiểu rõ những gì cha mình đã làm và luôn tìm cách bù đắp cho những gì mà ông từng phải gánh chịu. Các con của Daniel cũng như nhiều người Mỹ yêu chuộng hoà bình và công lý luôn xem ông như một huyền thoại.

Với câu hỏi liệu đã bao giờ ông cảm thấy hối hận về việc tiết lộ tài liệu mật, Daniel tâm sự rằng ông chỉ hối hận là đã không làm điều này sớm hơn. Năm 1964 - 1965 khi làm việc cho trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại VN, Daniel được tiếp cận với nhiều tài liệu mật và nếu tiết lộ ngay đã có thể làm thay đổi một điều gì đó trong cuộc chiến tranh này.

Tòa án khi xét xử Daniel đã cáo buộc hành động của ông là phản quốc, nhưng theo Daniel việc phản đối chiến tranh, mang lại hoà bình, nói rõ sự thật với người dân mới thể hiện rõ lòng yêu nước.

Người dân Mỹ có sự phán xét công bằng. Khi Daniel bị kết án, hơn 25.000 người đã quyên góp ủng hộ ông.

Tuy nhiên, cũng có người Mỹ cho rằng Daniel đã hành động sai, đặc biệt vì trước đó ông đã tuyên thệ giữ bí mật các tài liệu. Daniel giải thích nếu hối hận ông đã không tiếp tục có những hành động phản đối chiến tranh đến ngày nay.

Trở lại chiến trường xưa

Trở lại VN, Daniel mới hiểu rằng dù chiến tranh qua đi đã lâu, người dân vẫn tiếp tục phải hứng chịu những hậu quả của nó như bom mìn còn sót lại.

Daniel còn được trực tiếp chứng kiến những đổi thay sau hơn 30 năm chấm dứt chiến tranh, những khuôn mặt rạng ngời của giới trẻ trên các đường phố ngập tràn xe môtô, những người phụ nữ chân lấm tay bùn trên đồng ruộng, các em thơ vẫn trên lưng trâu và đặc biệt là sự thân thiện mà bạn bè VN dành cho ông cũng như các thành viên trong đoàn...

Tất cả khiến Daniel thực sự xúc động và càng hiểu rõ rằng mình đã hành động đúng trong quá khứ. Trên mảnh đất này, Daniel đã từng cầm súng, nhưng sau đó lại bất chấp mọi hậu quả để tiết lộ tài liệu mật với hi vọng chiến tranh sớm kết thúc.

Từ sau chiến tranh VN đến nay, Daniel đã viết rất nhiều sách, báo, thường xuyên tham dự các buổi nói chuyện liên quan đến chiến tranh VN ở các trường đại học trên khắp nước Mỹ.

Những tiết lộ mới của ông gần đây như trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers  (Các bí mật: Hồi ký về VN và các tài liệu Lầu Năm Góc) trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ.

Tất cả những hoạt động đó, theo Daniel, là vì hoà bình, công lý và sự thật với hi vọng những điều như chiến tranh VN sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Trang web mà cậu con trai Michael lập riêng cho ông luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người Mỹ, đặc biệt là sinh viên. Mặc dù đã 75 tuổi, nhưng lịch làm việc của Daniel dày đặc với những buổi nói chuyện trên khắp nước Mỹ. Hiếm khi Daniel có mặt ở nhà mình tại thành phố Kensington, bang California

Theo Trí Đường

Tiền phong