1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Gáo nước lạnh" dập tắt ngọn lửa nhen nhóm trong quan hệ Nga-Mỹ

Những kỳ vọng vào một chương mới khởi sắc hơn trong quan hệ song phương Mỹ-Nga có lẽ đã tan biến sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành “Luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ” (H.R-3364), gồm cả Nga, vốn được lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua trước đó với đa số phiếu gần như tuyệt đối.


(Nguồn: Sputnik International)

(Nguồn: Sputnik International)

Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử và kể từ sau khi tiếp quản Nhà Trắng tới nay, Tổng thống Donald Trump không hề giấu giếm quan điểm cải thiện quan hệ với Moskva.

Trên thực tế, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng đã có những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa chủ trương này. Tuy nhiên, Luật H.R-3364 thật sự là “gáo nước lạnh” dội vào ngọn lửa hy vọng đang nhen nhóm về một sự khởi đầu mới cho quan hệ giữa hai địch thủ thời Chiến tranh Lạnh.

Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật với đa số áp đảo (419 phiếu thuận, 3 phiếu chống tại Hạ viện và 98 phiếu thuận, 2 phiếu chống tại Thượng viện) đã hoàn toàn vô hiệu hóa quyền phủ quyết theo hiến định của người đứng đầu nhánh hành pháp và buộc Tổng thống Trump phải “đành lòng” ký ban hành dự luật, dù trong thâm tâm đây chắc chắn là điều ông không muốn.

Điều đáng nói hơn đó là việc giới nghị sỹ tại Đồi Capitol đã luật hóa các biện pháp trừng phạt Nga thông qua Luật H.R-3364 để “trói tay buộc chân” Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Moskva, cụ thể là Nhà Trắng cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ nếu muốn thực thi các biện pháp nới lỏng trừng phạt hay ký các thỏa thuận hợp tác với Nga trong tương lai.

Mục tiêu chính của Luật H.R-3364 nhắm vào các khu vực kinh tế-công nghiệp chủ chốt của Nga như xuất khẩu dầu thô, khí đốt, khai mỏ, giao dịch tài chính, an ninh mạng và chuyển giao vũ khí. Được đánh giá là luật trừng phạt vô cùng cứng rắn và chưa từng có tiền lệ mà Mỹ áp đặt đối với Nga, H.R-3364 đẩy quan hệ giữa hai cường quốc này xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Luật H.R-3364 thực sự đã vượt qua "giới hạn đỏ", không chỉ khiến nỗ lực của Tổng thống Trump cải thiện quan hệ với Nga trở thành “dã tràng xe cát,” mà còn đưa quan hệ Mỹ - Nga vào một giai đoạn căng thẳng mới và lập tức châm ngòi cho các biện pháp đáp trả mạnh mẽ từ phía Moskva. Moskva khẳng định “Luật H.R-3364 một lần nữa xác thực tính hiếu chiến của Mỹ và phớt lờ lợi ích của các quốc gia khác."

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố bước đi này của Mỹ đồng nghĩa với việc Washington tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Moskva, đồng thời đặt dấu chấm hết cho hy vọng cải thiện quan hệ song phương dưới thời Tổng thống Trump.

Sau một thời gian kiềm chế, Bộ Ngoại giao Nga hôm 28/7 đã báo quyết định thu hồi 2 cơ sở ngoại giao Mỹ ở thủ đô Moskva và buộc Washington trước ngày 1/9 phải cắt giảm 60% số lượng nhân viên đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự Mỹ ở Nga (xuống còn tổng cộng 455 người), đúng bằng với số nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ sau vụ trục xuất của Washington cuối năm 2016.

Theo bộ trên, quyết định này nhằm đáp trả các động thái thù địch từ phía Washington, đồng thời lên án tư tưởng chống Nga ngày một gia tăng ở Mỹ và chính sách của Washington đang đẩy hai nước vào con đường đối đầu.

Mỹ ban hành Luật H.R-3364 trừng phạt Nga không chỉ tác động tiêu cực tới quan hệ song phương, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, làm trầm trọng thêm những căng thẳng giữa Washington với các đồng minh châu Âu vốn âm ỉ lâu nay.

Lệnh trừng phạt này sẽ kéo không ít đồng minh châu Âu của Mỹ vào vòng hệ lụy, nhất là các nước tham gia dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đưa khí đốt Nga đi qua khu vực Baltic tới các nước Trung Âu. Nếu Luật H.R-3364 được thực thi, một số doanh nghiệp của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể bị phạt, gây phương hại tới hoạt động thương mại giữa EU với Nga.

Điều này lý giải vì sao các biện pháp trừng phạt của Mỹ lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều nước đồng minh EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU sẵn sàng hành động nếu cảm thấy các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ làm suy thoái an ninh năng lượng của khối này.

Thủ tướng Áo Christian Kern cho rằng những biện pháp của Washington là không thể chấp nhận được. Đặc biệt, đồng minh lớn nhất của Mỹ trong EU là Đức đã tỏ thái độ gay gắt.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một sự kiện ở Hamburg, Đức ngày 7/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một sự kiện ở Hamburg, Đức ngày 7/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cảnh báo về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU, đồng thời cáo buộc các biện pháp trừng phạt này là vi phạm luật thương mại quốc tế, gây tổn thất cho nhiều nước châu Âu và kêu gọi EC xem xét các biện pháp đáp trả.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thì nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ gây tác động tiêu cực đối với các công ty châu Âu."

Điểm mấu chốt là giới chức châu Âu đã cảm nhận được những hậu quả nặng nề kiểu "gậy ông đập lưng ông" sau hơn 3 năm rơi vào vòng xoáy "trừng phạt-đáp trả" với Nga. Bởi vậy, động thái của Mỹ chẳng khác nào "đâm sau lưng" châu Âu.

Không chỉ lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga sẽ gây tổn hại cho các công ty châu Âu, EU còn không hài lòng khi Washington tỏ ra "phớt lờ" lợi ích của đồng minh mà chỉ quan tâm thúc đẩy lợi ích năng lượng của Mỹ, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu năng lượng từ Mỹ sang châu Âu và tạo công ăn việc làm tại Mỹ.

Bên cạnh đó, một mối quan hệ đối đầu giữa hai cường quốc, hai nước ủy viên thường trực có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như Mỹ và Nga sẽ là rào cản lớn đối với mọi nỗ lực chung tay giải quyết các vấn đề nóng của thế giới, như cuộc xung đột tại Syria, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, bất ổn ở Ukraine, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và kể cả cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

H.R-3364 là văn bản luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, đây cũng là một “bàn thua” ông phải đón nhận ngay trên “sân nhà” khi chính những người cộng sự trong đảng Cộng hòa của ông bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt Nga.

Quá trình xây dựng và phê chuẩn Luật H.R-3364 đã phơi bày sự chia rẽ khá sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa, cũng như sự mâu thuẫn về đường lối chính sách giữa nhánh hành pháp và lập pháp tại Mỹ, bởi Tổng thống Trump chỉ muốn Quốc hội thông qua một dự luật kiểu “giơ cao, đánh khẽ” để ông có thể tiếp tục cải thiện quan hệ với Moskva.

Có lẽ, điều ông Trump không ngờ tới đó là tỷ lệ ủng hộ dự luật gần như tuyệt đối, một phần bởi các lá phiếu thuận của chính các nghị sỹ Cộng hòa, khiến ông không thể sử dụng quyền phủ quyết và phải chấp nhận dự luật.

Với Luật H.R-3364, một thời kỳ u ám đang chờ đợi quan hệ Mỹ-Nga và sự gắn kết giữa các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương cũng bị rạn nứt.

Bên cạnh đó, chương trình nghị sự đối nội của Tổng thống Trump cũng đang đối mặt với nhiều dấu hỏi lớn bởi lưỡng viện Quốc hội do phe Cộng hòa toàn quyền kiểm soát không phải lúc nào cũng đứng về phía chủ nhân Nhà Trắng.

Theo Thanh Tuấn

TTXVN/VIETNAM+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm