1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Gameshow trung thực” của Mỹ hay âm mưu chia cắt Syria?

Chuyên gia Nga vừa tố cáo “Gameshow trung thực” mà Mỹ đề xuất với Nga thực chất là trò chơi hai mặt, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Syria.

Nga: Phe đối lập là “con rối” của phương Tây

Ủy ban tối cao về đàm phán (HNC) của phe đối lập Syria hôm 23/4 đã bỏ cuộc đàm phán, rời Geneva (Thụy Sĩ), khiến những cuộc tham vấn giải quyết hòa bình cho cuộc nội chiến ở Syria một lần nữa lâm vào bế tắc.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đã gọi hành động của HNC là "quá khích" và kêu gọi tiếp tục nối lại đàm phán vào tuần này. Tuy nhiên, phe đối lập Syria đã không đáp lại những lời kêu gọi của Nga và của cả Liên Hợp Quốc.

Mâu thuẫn lớn nhất của tiến trình hòa bình Syria là tương lai chính trị của Tổng thống Assad, vấn đề mà phía chính quyền Damascus khẳng định sẽ không đàm phán và nhân nhượng, còn phe đối lập khẳng định, việc ông Assad phải ra đi là điều kiện tiên quyết.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Ủy ban Đàm phán Cấp cao của phe đối lập đã chứng tỏ lực lượng này không đủ năng lực để đạt được một thỏa thuận, do đó không thể là đại diện duy nhất cho phe đối lập Syria tại cuộc hòa đàm.

Bình luận về âm mưu phá vỡ hòa đàm Geneva, chuyên gia quân sự, chủ biên tạp chí "Quốc phòng" Nga Igor Korotchenko cho rằng, trên thực tế, phái đoàn đối lập khó có thể bày tỏ chính kiến riêng, đơn giản là bởi vì không ai cho phép họ được tự do đưa ra ý kiến.

Phe đối lập Syria nhận tài trợ kinh phí, được cung cấp vũ khí-trang bị thì đương nhiên là phải lệ thuộc chính trị vào các nhà tài trợ phương Tây hoặc nhà tài trợ từ vùng Vịnh. Do đó, tất cả những động thái đe dọa mà họ đưa ra chỉ xuất hiện sau khi có sự giật dây từ “bàn tay điều khiển rối” giàu kinh nghiệm của Mỹ.

Nếu Nga chấp thuận “Gameshow trung thực” của Mỹ thì tức là “Game over” đối với Syria
Nếu Nga chấp thuận “Gameshow trung thực” của Mỹ thì tức là “Game over” đối với Syria

Theo quan điểm của ông Korotchenko, Washington không quan tâm đến giải pháp chính trị khắc phục tình hình Syria và ngày càng trở nên "hằn học" trước những thắng lợi của Moscow, nhất là sau khi quân chính phủ đã củng cố được vị thế của mình, với sự hỗ trợ của Nga.

Người Mỹ không giấu nổi sự khó chịu trước thắng lợi quân sự của Nga ở Syria và sau đó là cả chiến thắng về ngoại giao. Do đó, bây giờ Washington định tiến hành trò chơi phức tạp đa phương diện” - vị chuyên gia Nga nói.

Mục đích của trò chơi này là cố gắng để trong các bước phát triển tiếp theo về giải quyết khủng hoảng Syria, sẽ xoay chuyển đưa quyền lực vào tay phe đối lập mà họ đã đào tạo, tài trợ và đang ủng hộ.

Mỹ vừa tăng quân vừa đòi Nga “chơi trung thực”

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Barak Obama “ngậm ngùi” thừa nhận trước truyền thông rằng, việc đổ quân trên bộ của Mỹ hoặc Anh vào Syria để tiến hành chiến dịch mặt đất, nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sẽ là một sai lầm trầm trọng.

Nhưng ngay sau đó, truyền thông nước này đã tiết lộ về kế hoạch của Tổng thống Mỹ Obama đưa 250 quân nhân tới Syria, nâng số quân nhân Mỹ đang hoạt động tại Syria lên khoảng 300 người.

Ngày 24/4, tờ "Wall Street Journal" đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack ngày 25/4 dự kiến sẽ thông báo rằng ông sẽ triển khai tới 250 quân nhân đến Syria, nhằm tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của Mỹ, để hỗ trợ cho cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng thống Mỹ quyết định tăng cường 250 quân đến chống khủng bố ở Syria
Tổng thống Mỹ quyết định tăng cường 250 quân đến chống khủng bố ở Syria

Sở dĩ Tổng thống Mỹ thông qua kế hoạch này vì các cố vấn của Nhà Trắng cho rằng, nếu Washington quyết định tăng cường hiện diện tại Syria sẽ giúp Lầu Năm Góc thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố IS (chứ không phải chống chính quyền Syria!)

Một số nguồn tin khác cho hay, 250 lính Mỹ sẽ được triển khai tới tiền tuyến nhưng sẽ không tham gia chiến đấu. Thay vào đó, họ sẽ hỗ trợ về vấn đề tình báo, y tế và hậu cần cho binh lính Arab tại phía Bắc Syria, mà rất có thể là ở khu vực kiểm soát của người Kurd.

Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 24/4 đã thông báo trong cuộc phỏng vấn của The New York Times rằng, Hoa Kỳ đề nghị Nga thiết lập khu vực “trò chơi trung thực” ở Syria.

Cụ thể kế hoạch này là Hoa Kỳ đề xuất với Nga về việc thiết lập một “khu vực phân định thẩm quyền hoạt động chiến sự chống chủ nghĩa khủng bố tại Syria” và cùng nhau giám sát tình hình tuân thủ chế độ ngừng bắn, với mục đích tăng thêm hiệu quả của cuộc chiến chống IS.

"Chúng tôi thậm chí đã đề nghị xúc tiến định ra ranh giới tuyệt đối. Các vị (Nga) đừng đến khu vực chúng tôi, chúng tôi (Mỹ) cũng sẽ không tới chỗ các vị, khi đó tất cả mọi thứ ở giữa hai bên sẽ coi là một cuộc chơi trung thực" - Ngoại trưởng Hoa Kỳ giải thích.

Theo ý kiến của ông Kerry, phía Nga đang xem xét đề nghị này và ông lạc quan rằng, thỏa thuận về đề nghị của Washington có thể được phía Moscow chấp thuận vào tuần tới.

Trò chơi trung thực hay âm mưu chia cắt Syria?

Tuy nhiên, một số chuyên gia Nga cho rằng, đề nghị của Mỹ thực chất là một thỏa thuận “chia cắt” Syria, gây hậu quả rất lớn trong tương lai. Nếu nó được thực hiện, không chỉ có Nga mà ngay cả chính quyền Syria cũng không có quyền tiếp cận các vùng lãnh thổ của mình.

Trước hết, nếu phân định khu vực kiểm soát Nga-Mỹ, Hoa Kỳ có thể bảo vệ an toàn cho lực lượng phiến quân đối lập và cả những phần tử khủng bố trong khu vực “được chia phần”. Sau đó, rất có thể “phép thuật” hoán cải sẽ diễn ra, biến khủng bố trở thành “đối lập ôn hòa”.

Khi đó, quân đội Syria sẽ không còn lí do gì để tấn công tổ chức khủng bố al-Nusra (al-Qaeda Syria) bởi chúng sẽ được “biên chế” vào phe đối lập, do đó, ngoài các vùng do IS chiếm đóng, lãnh thổ kiểm soát của đối lập sẽ tăng lên và phần đất quản lý của chính phủ sẽ giảm đi.

“Gameshow trung thực” của Mỹ hay âm mưu chia cắt Syria? - 3

Nếu để Mỹ có “vùng trời riêng” thì rất có thể khủng bố sẽ biến thành “đối lập ôn hòa”

Thứ hai là nếu để Washington hoạch định được một “ranh giới tuyệt đối”, Mỹ sẽ xây dựng các sân bay, công trình quân sự ở khu vực này thành các điểm tập kết binh lực, dự trữ vũ khí trang bị. Ngoài ra, Washington có thể mở các căn cứ huấn luyện cho người Kurd, phe đối lập và quân khủng bố.

Khi đó, vùng đất do Mỹ quản lý sẽ là an toàn khu, là căn cứ hậu phương vững chắc, làm bàn đạp để quân đối lập tiến đánh các vùng khác. Khi phiến quân được tăng cường lực lượng, trang bị vũ khí mạnh, huấn luyện đầy đủ, quân đội Syria có đánh đến “tết Mỹ” thì cũng không diệt hết quân đối lập.

Thứ 3 là, từ trước đến nay, Syria vẫn tuyên bố là sự hiện diện của quân nước ngoài (trừ Nga) ở nước này là “bất hợp pháp”. Nếu đồng ý với thỏa thuận này thì rõ ràng là Damascus đã “danh chính ngôn thuận” mời Washington vào chống khủng bố.

Khi đó, Washington sẽ có “tư cách pháp nhân” để đưa quân Mỹ và cả lực lượng đồng minh vào đồn trú ở khu vực này, đóng chốt lâu dài, leo thang hành động. Đưa quân Mỹ vào thì dễ nhưng sau này muốn "đuổi đi" thì rất khó, nếu Assad không chịu ra đi, thực trạng bị chia cắt của Syria là điều quá rõ.

Tóm lại: Để Mỹ hợp pháp hóa việc đưa quân vào Syria là điều hết sức nguy hiểm. Nó thực chất là kế hoạch can thiệp sâu hơn và lâu dài hơn để chia cắt Syria. Khi Moscow chấp thuận bắt đầu “Gameshow trung thực” với Washington thì cũng có nghĩa là “Game over” đối với Syria.

Theo Thiên Nam

Đất Việt