1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

G7 vạch rõ đường hướng đối phó Trung Quốc - Nga

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - G7 đã phát đi thông điệp cứng rắn, trong bối cảnh các quyết định và chính sách đối ngoại của Trung Quốc làm gia tăng đáng kể sự lo lắng đối với Mỹ và các nước phương Tây cũng như nhiều quốc gia khác.

G7 vạch rõ đường hướng đối phó Trung Quốc - Nga - 1

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (phải) đón người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tới tham dự G7 ở London, Anh (Ảnh: Bloomberg).

Hội nghị lãnh đạo ngoại giao nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) - gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada và Italia - tuần qua vừa có cuộc họp tại London, Anh nhằm thảo luận một loạt các chủ đề quan trọng trong quan hệ quốc tế, trong đó trọng tâm là quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Như một diễn đàn để các nước giàu nhất phương Tây bàn thảo về các cuộc khủng hoảng trong khu vực và trên thế giới, G7 đã thảo luận về cách phản ứng đối với hai nước đối thủ ngày càng quyết đoán, tình hình Ethiopia, Iran, Triều Tiên, đại dịch Covid-19 và sự biến đổi khí hậu. Các giải pháp ứng phó với Nga và Trung Quốc được đặt vào vị trí trung tâm của chương trình nghị sự.

Sự lo lắng sâu sắc

Sự trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua được các nhà ngoại giao và giới đầu tư coi là một trong các sự kiện địa chính trị quan trọng nhất thời gian gần đây. 

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ nhưng cách biệt không xa và đang "áp sát" Mỹ. Năm 2020, GDP của Trung Quốc tăng 2,3%, trong khi của Mỹ giảm 3,5% so với năm 2019. Các nhà kinh tế học dự đoán Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028. Nền kinh tế Trung Quốc có sức sống và Bắc Kinh có nhiều tham vọng không dễ từ bỏ.

Những tính toán trong nước tác động đến cách hành xử của cả Washington và Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế, khiến hai bên xung đột trong hàng loạt lĩnh vực, từ thương mại, tài chính, công nghệ đến nhân quyền và hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất mấy thập niên qua. 

Các nước phương Tây cũng mâu thuẫn sâu sắc với Trung Quốc trên nhiều khía cạnh như vấn đề nhân quyền tại Hong Kong, Tân Cương, vấn đề Đài Loan. Hồi tháng 3, Anh, EU cùng Canada gây sức ép đồng loạt lên Trung Quốc bằng các biện pháp cấm vận liên quan các cáo buộc về nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương. Bắc Kinh tung đòn trả đũa gấp đôi nhằm vào các cá nhân, tổ chức ở Anh và EU. Điều này cho thấy sự rạn nứt ngày càng lộ rõ trong quan hệ đôi bên.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây cũng đang gia tăng căng thẳng, thời gian gần đây, hai bên liên tục cáo buộc, trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, liên quan tới nhiều vấn đề như Ukraine, nghi vấn chính trị gia phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc và các vụ tấn công mạng. Nga cảnh báo cứng rắn về "lằn ranh đỏ" đối với các nước phương Tây, đồng thời không ngừng củng cố sức mạnh quân sự nhằm nâng tầm vị thế quốc tế của mình.

Giới chuyên gia cho rằng về lâu dài, đang có một sự lo lắng sâu sắc của cả Mỹ và châu Âu về cách phương Tây ứng phó thế nào với Bắc Kinh và Moscow. Trong báo cáo trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden cho rằng, Trung Quốc quyết tâm vượt qua Mỹ để trở thành nước quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Washington đang đối mặt với 3 thách thức từ Bắc Kinh gồm quân sự, kinh tế và giá trị.

Đối với Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Mỹ muốn có quan hệ ổn định hơn với Nga, nhưng điều đó phụ thuộc vào cách Tổng thống Putin quyết định hành động, nhất là ở những khu vực như Ukraine. "Chúng tôi đã khẳng định sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Blinken nói. "Chúng tôi không tìm cách leo thang, chúng tôi muốn quan hệ ổn định và dễ đoán hơn. Và nếu Nga đi theo hướng đó, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy", Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Củng cố liên minh

Các nhà lãnh đạo ngoại giao G7 thảo luận các cách ứng phó với những thách thức từ Nga và Trung Quốc mà không cần phải khống chế Bắc Kinh hay làm leo thang căng thẳng với Moscow.

Theo Reuters, phát biểu với báo giới ngày 3/5, trước hội nghị trực tiếp của lãnh đạo ngoại giao G7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định mục tiêu của nhóm không phải là "kiểm soát hay khống chế Trung Quốc". Ông Blinken nói, phương Tây sẽ tìm mọi cách bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" trước các nỗ lực phá hoại của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng G7 sẽ xem xét một đề xuất thành lập cơ chế phản ứng nhanh để đối phó với chiến dịch thông tin từ Nga. Còn với Trung Quốc, G7 sẽ bàn về sự cần thiết phải khẳng định vai trò của dân chủ và thị trường mở. Ông Raab tuyên bố, London đang tìm kiếm hành động dứt khoát từ những đối tác G7 để bảo vệ các nước thành viên vào thời điểm họ cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga đang đe dọa làm suy yếu các nền dân chủ.

Trước đó, tại cuộc họp báo chung Anh - Mỹ ngày 3/5, Ngoại trưởng Anh nói đã có sự chuyển dịch về phía "các quốc gia tương đồng về suy nghĩ" nhằm hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trong việc đương đầu với các quốc gia thù nghịch như Nga và Trung Quốc.

Ông Raab cho rằng cần xây dựng liên minh để ứng phó với các mối đe dọa đang dâng cao, thay vì cắt đứt chúng. "Tôi nhìn thấy nhu cầu ngày càng lớn và sự cần thiết phải có các nhóm cùng chung tư tưởng, chia sẻ các giá trị và muốn bảo vệ hệ thống đa phương. Chúng ta có thể nhìn thấy một sự dịch chuyển theo hướng tập hợp những nước cùng chung chí hướng có thể làm việc cùng nhau", ông nói.

Thời gian gần đây, nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao của Mỹ với các nước châu Á - Thái Bình Dương được coi là nỗ lực nhằm tập hợp lực lượng để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Chẳng hạn, Hội nghị thượng đỉnh "Bộ Tứ kim cương"; chuyến công du của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Nhật Bản và Hàn Quốc,... Cùng với đó là các lệnh trừng phạt mang tính "hội đồng" của Mỹ và một số nước phương Tây đối với Nga.

Bên lề cuộc họp G7, Ngoại trưởng Blinken đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Toshimitsu Motegi, hai nhà ngoại giao tuyên bố Mỹ và Nhật sẽ "cực lực phản đối" bất kỳ ý đồ đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, theo Kyodo. Hai bên còn nhất trí tăng cường hợp tác trong việc xử lý những vấn đề liên quan Trung Quốc và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì ổn định và hòa bình ở eo biển Đài Loan.

Trên thực tế, G7 có không ít lợi thế trong lựa chọn cách thức đối phó với Trung Quốc và Nga, khi khối này là một tập hợp mạnh cả về cả kinh tế và quân sự, với tổng GDP lên tới hơn 40 nghìn tỷ USD và quy tụ 3 trong số 5 cường quốc hạt nhân được công nhận chính thức trên thế giới. Bắt tay để đối phó sẽ là giải pháp hiệu quả và an toàn hơn việc thực hiện riêng rẽ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm