1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

EU ráo riết vạch chiến lược đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Liên minh châu Âu (EU) vạch chiến lược mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

EU ráo riết vạch chiến lược đối phó Trung Quốc - 1

Hải quân Pháp hồi tháng 2 đưa tàu đổ bộ tấn công Tonnerre (ảnh) và tàu hộ vệ Surcouf tới khu vực Thái Bình Dương (Ảnh: SCMP).

EU ngày 19/4 dự kiến sẽ đưa ra cam kết về hiện diện hải quân "có ý nghĩa" tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ liệu các nước châu Âu có sẵn sàng, hoặc thậm chí có thể, triển khai sức mạnh đến khu vực này và sẵn sàng đối mặt với Trung Quốc hay không.

Động thái này là một phần trong chiến lược mới của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là một bước đi ngoại giao quan trọng của khối. Pháp hiện là quốc gia châu Âu duy nhất có lực lượng hải quân đáng kể trong khu vực, trong khi phần còn lại của EU vẫn đang chịu áp lực gia tăng mạnh mẽ vì quân đội Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden xác định ngày càng rõ rằng, Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh toàn cầu.

Tại cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu ngày 19/4, ngoại trưởng đại diện các nước EU dự kiến sẽ thông qua văn kiện đầu tiên, đề ra một chiến lược toàn diện của châu Âu đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo dự thảo văn kiện, chiến lược của EU nhằm tìm cách đối phó sự trỗi dậy của Bắc Kinh với các chủ đề từ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cho đến mở rộng vai trò của châu Âu khắp Đông Nam Á.

Chiến lược mới cũng thừa nhận "tầm quan trọng của sự hiện diện có ý nghĩa của hải quân châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Theo Politico, đối với hầu hết các nước EU, những quốc gia vẫn tồn tại "ác cảm" lâu đời đối với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự cách xa nửa vòng Trái đất, những hoạt động được xem là vượt quá sứ mệnh hải quân là sự thay đổi mạnh mẽ về hướng địa chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gây áp lực quân sự với Đài Loan và Philippines.

Mỹ từ lâu đã được xem là "cảnh sát hàng hải" của khu vực, tìm cách đối trọng với Trung Quốc và Triều Tiên, trong khi châu Âu cho đến nay vẫn chỉ đóng một vai trò rất nhỏ.

Mặc dù vậy, một nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu đã mô tả dự thảo chiến lược mới là một "cú xoay trục". Alessio Patalano, chuyên gia về xung đột Đông Á tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Đại học Hoàng gia London, cho rằng đây là một "bước mở rộng đáng kể" đối với EU.

Tất nhiên, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào việc liệu EU có thể thông qua dự thảo hay không, nhất là khi không còn lực lượng hải quân sở hữu vũ khí hạt nhân của Anh sau khi nước này rời EU (Brexit).

Đối với hầu hết các nước châu Âu, Biển Đông không phải là một điểm đến chính trong các hoạt động triển khai sức mạnh hải quân. Tuy vậy, Đức vẫn cam kết đưa một tàu khu trục đến châu Á vào tháng 8. Trong hải trình trở về, đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.

Với những điểm yếu trên, Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris, cho biết EU sẽ phải xây dựng các mối quan hệ đối tác mới trong khu vực để mở rộng phạm vi hoạt động của khối. Hiện Pháp là quốc gia duy nhất của EU có chiến lược an ninh thực sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ưu tiên hợp tác

EU ráo riết vạch chiến lược đối phó Trung Quốc - 2

Một tàu hộ vệ của Đức sẽ tới châu Á vào tháng 8, trong đó có hành trình đi qua Biển Đông. Trong ảnh: Các thủy thủ trên tàu hộ vệ hải quân FGS Hessen của Đức tiến vào cảng Boston ở Mỹ (Ảnh: US Navy).

Dự thảo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU cho thấy ưu tiên của châu Âu là tìm kiếm đối tác, thay vì chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của khối.

"EU sẽ phát triển hơn nữa quan hệ đối tác và tăng cường hiệp lực với các đối tác có chung chí hướng và các tổ chức liên quan trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng", dự thảo cho biết.

Các nhà ngoại giao cho rằng rất khó để xây dựng sự thống nhất giữa 27 quốc gia EU trong một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì nhiều nước không muốn tổn hại tới các lợi ích thương mại quan trọng với Trung Quốc. Một nguồn tin ngoại giao cho biết khi soạn thảo dự thảo văn kiện, các quan chức EU phải điều chỉnh để giải quyết "một số lo ngại rằng văn kiện này có thể bị coi là chống Trung Quốc".

Kết quả là, chiến lược của EU cuối cùng vẫn tập trung vào hợp tác hơn là đối đầu. Điều này thể hiện ngay từ tiêu đề của văn kiện là: "Chiến lược của EU về hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

"Để có được tất cả 27 quốc gia thành viên tham gia, tất nhiên trọng tâm của chiến lược sẽ phải là hợp tác và can dự. EU khó có thể cứng rắn như Mỹ hoặc Australia", một quan chức cấp cao của EU cho biết.

Dự thảo chiến lược của EU nhận định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang gặp rủi ro do "căng thẳng gia tăng về thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh".

Tài liệu dự thảo cũng phản ánh một số kế hoạch chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là hoạt động đảm bảo các tuyến hàng hải "tự do và cởi mở", an ninh và đa dạng hóa thương mại. Các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường xuyên bày tỏ quan ngại về các hoạt động hàng hải hung hăng của Trung Quốc.

Theo dự thảo chiến lược, chương trình của EU do Pháp dẫn đầu nhằm cải thiện việc trao đổi thông tin và quản lý khủng hoảng trên các tuyến hàng hải quan trọng, CRIMARIO, sẽ được mở rộng từ Ấn Độ Dương sang Nam Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Theo SCMP, hồi tháng 2, tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf của Pháp đã rời cảng quê nhà Toulon và di chuyển tới Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh kéo dài 3 tháng. Các tàu chiến Pháp sẽ đi qua Biển Đông 2 lần và tham gia một cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.

Trước đó, tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc.

EU cũng cho biết khối này sẽ "thiết lập cơ chế giám sát toàn diện về an ninh hàng hải và tự do hàng hải, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)", mà Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm tại Biển Đông. Tháng 9 năm ngoái, Pháp cùng Anh và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.