EU đã gật đầu kế hoạch Brexit của Anh
Quốc hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận vào ngày 11-12 tới, nếu được thông qua, Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của EU từ ngày 29-3-2019.
Họp bất thường tại Brussels (Bỉ) ngày 25-11, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chính thức thống nhất với Thỏa thuận rút và tuyên bố chính trị về tương lai quan hệ EU-Anh, hay còn gọi là kế hoạch Brexit (Anh rút khỏi EU), mà Thủ tướng Anh Theresa May trình bày.
Thỏa thuận cân bằng cho hai phía
Cuộc họp chủ yếu mang tính biểu tượng và các lãnh đạo EU chỉ mất chưa tới nửa giờ để thống nhất. Bản thỏa thuận rút có giá trị ràng buộc pháp lý, quy định các điều khoản liên quan việc Anh rời khỏi EU. Tuyên bố chính trị không có giá trị ràng buộc, vạch ra các mong muốn của hai bên trong tương lai, trong đó có duy trì quan hệ thương mại, các chính sách đối ngoại và quốc phòng chung, phối hợp tư pháp.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker lần nữa cho biết rất buồn trước “thảm kịch” Brexit. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng May và cho rằng đây là thỏa thuận tốt nhất có thể với Anh. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng Brexit “không phải chiến thắng của ai, tất cả chúng ta cùng thua” nhưng vẫn đồng ý thỏa thuận “có thể chấp nhận được”. Các lãnh đạo EU khác cũng đồng tình rằng đây là thỏa thuận cân bằng cho cả hai phía, Anh và EU.
Diễn biến 27 lãnh đạo EU thống nhất kế hoạch Brexit của Anh đến sau hơn 18 tháng thương lượng khó khăn giữa hai bên. Các cuộc thương lượng bắt đầu từ khi Anh kích hoạt Điều khoản 50 sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 chấp thuận cho Anh rời khỏi EU. Theo lịch trình thì Quốc hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận này vào ngày 11-12 tới. Và theo thỏa thuận thì Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của EU từ ngày 29-3-2019, bước vào giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài đến tháng 12-2020.
Thủ tướng May đang ngồi ghế nóng
Dàn xếp xong với EU nhưng mọi việc vẫn chưa thể ổn thỏa với Thủ tướng May. Bà May đang đối mặt với một thách thức rất lớn vào tháng tới khi Quốc hội Anh bỏ phiếu. Bà May nhất định phải có được sự ủng hộ của đa số Hạ viện nếu muốn triển khai Brexit.
Khả năng này rất khó vì trong khi các lãnh đạo EU đồng ý thì nhiều chính trị gia Anh, dù ủng hộ hay phản đối Brexit, đều bất mãn với thỏa thuận Thủ tướng May giới thiệu. Theo các chính trị gia này, bà May đã đưa ra quá nhiều nhượng bộ với EU. Trước đó đã có nhiều quan chức cấp cao chọn ra đi như một cách phản đối thỏa thuận. Trong đó có thể kể đến Bộ trưởng Bộ Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Bộ Việc làm và trợ cấp Esther McVey, Ngoại trưởng Boris Johnson.
Hạ viện có tổng cộng 650 ghế, đảng cầm quyền bảo thủ có đông nhất với 315 ghế, còn lại là các đảng đối lập. Các nghị sĩ ở các đảng Lao động, Dân chủ tự do, Dân tộc Scotland đối lập đều đã phát đi tín hiệu sẽ bỏ phiếu chống thỏa thuận. Đảng đối lập Lao động có 257 ghế và dự kiến phần lớn sẽ bỏ phiếu chống, tuy nhiên bà May tự tin và hy vọng sẽ thuyết phục được 40 nghị sĩ đảng này bỏ phiếu ủng hộ. Đảng đối lập Dân tộc Scotland đã tuyên bố toàn bộ 35 nghị sĩ đảng mình sẽ bỏ phiếu chống, cho rằng thỏa thuận này không công bằng với Scotland. Thậm chí nhiều nghị sĩ ủng hộ lẫn phản đối Brexit trong nội bộ đảng cầm quyền bảo thủ của Thủ tướng May cũng nói sẽ bỏ phiếu chống. Các động thái này cho thấy chuyện thỏa thuận được thông qua không hề có gì chắc chắn.
585 là số trang thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May giới thiệu và được các lãnh đạo EU thống nhất ngày 25-11.
Phần mình, Thủ tướng May ngay từ đầu đã ra sức bảo vệ kế hoạch của mình bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của các lãnh đạo doanh nghiệp và công dân Anh, trong trường hợp các chính trị gia có phản đối đi nữa. Trong ngày 25-11, bà May viết một bức thư gửi đến toàn thể công chúng Anh kêu gọi ủng hộ, hứa hẹn Anh sẽ có tương lai tươi sáng hơn sau Brexit. Bà May tuyên bố bà sẽ thực hiện một chiến dịch vận động chạm tới “trái tim và tâm hồn” người dân Anh để thỏa thuận Brexit của bà được chấp nhận.
Viễn cảnh nào cho Anh?
Theo bà Dalia Grybauskaite, Tổng thống Lithuanian, “mọi thứ đều có thể xảy ra và điều này tùy thuộc vào quyết định và lựa chọn của Anh”. Theo bà, có ít nhất bốn viễn cảnh nếu Quốc hội Anh phong tỏa thỏa thuận. Một là Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Hai là tổ chức bầu cử mới tìm người thay thế bà May. Ba là tiếp tục thương lượng với EU tìm một thỏa thuận mới. Và bốn là Anh đơn giản bị gạt khỏi EU vào ngày 29-3-2019 đúng theo lịch trình mà không có một thỏa thuận pháp lý nào.
Một số nhà phân tích cũng đang lo ngại bế tắc chính trị trong chính trường Anh có thể sẽ dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử sớm ở Anh và một khi điều này xảy ra, khả năng bà May sẽ mất ghế thủ tướng về tay lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn.
Nói với Reuters, một nhà ngoại giao EU cho biết tới đây sẽ có 27 vòng thương lượng giữa Anh và EU để xác định quan hệ giữa Anh với các nước EU. Tuy nhiên, EU sẽ đợi đến khi Quốc hội Anh có quyết định về thỏa thuận Brexit, chủ ý để không gây áp lực hơn nữa lên các nghị sĩ Anh.
Trong khi đó, theo thông tin của Reuters thì cả EU và Anh đã và đang chuẩn bị cho viễn cảnh Anh rời khỏi EU mà “không có thỏa thuận nào”.
Đồng bảng Anh đã tăng trong vòng 10 ngày qua trước thời điểm các lãnh đạo EU có quyết định về thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang theo chặt diễn biến. Theo dự đoán của kênh tài chính CNBC (Mỹ), dự kiến trong hai tuần tới đây đồng bảng Anh sẽ rớt giá, đặc biệt nếu thỏa thuận Brexit bị Quốc hội Anh bác, đồng nghĩa chính trường Anh sẽ một phen xáo trộn. Trường hợp ngược lại, nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit, đồng bảng Anh có thể sẽ tăng cao.
Theo Đăng Khoa
Pháp luật Việt Nam