1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

EU “chìa tay” cứu, Hy Lạp vẫn “vùng vằng”

Lãnh đạo các nước Eurozone sẽ chiến đấu đến cùng để cứu một Hy Lạp “gần như đã phá sản hoàn toàn” trở lại khối.

Lá cờ EU
Lá cờ EU (trái) bay cạnh lá cờ Hy Lạp tại thủ đô Athens

Theo Reuters, tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch EU Donald Tusk đã hủy bỏ một cuộc họp thượng đỉnh đã được lên lịch trước với sự tham gia của cả 28 thành viên EU liên quan đến việc Hy Lạp phải rời bỏ EU.

EU tranh cãi gay gắt

Phát biểu trước báo giới, ông Tusk khẳng định, cuộc họp vào lúc 16h chiều 12/7 (giờ địa phương) đã bị hủy bỏ cho đến khi “chúng ta có thể kết thúc các cuộc đàm phán liên quan đến Hy Lạp”.

Ngay sau đó, các bộ trưởng tài chính Eurogroup cũng đã tiến hành nhóm họp trở lại để tiếp tục thảo luận về đề xuất của Hy Lạp xin cung cấp thêm một khoản vay kéo dài 3 năm dựa trên để xuất cải cách mới của các chủ nợ mà Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras giờ đã phải chấp thuận.

Theo đó, Hy Lạp sẽ phải thông qua luật mới thay đổi thuế giá trị gia tăng và hệ thống tiền lương hưu, cải cách các quy định về phá sản cũng như củng cố tính độc lập của cơ quan thống kê quốc gia trước khi EU bắt đầu tiến hành đàm phán để cứu trợ nước này.

“Eurogroup cho rằng, hiện vẫn chưa đủ điều kiện để bắt đầu các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ mới. Chỉ khi Hy Lạp tiến hành các biện pháp được nhắc đến ở trên thì các cuộc đàm phán về một biên bản ghi nhớ chung giữa EU và Hy Lạp mới được tiến hành”, bản dự thảo tuyên bố của EU nêu rõ.

Cũng theo bản dự thảo này, Hy Lạp cần khoảng 7 tỷ Euro vào ngày 20/7 để thanh toán trái phiếu cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và con số này sẽ lên đến 12 tỷ Euro vào giữa tháng 8 tới để trả một khoản cho vay đến hạn khác cũng của ECB.

Trong khi đó, nhiều quốc gia EU cũng lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Đức, trong đó khuyến nghị Eurozone sẽ tạm ngưng cứu trợ cho Hy Lạp trong vòng 5 năm tới nếu Hy Lạp không chấp thuận và thực thi ngay lập tức những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cứng rắn hơn nữa.

Lá cờ EU
Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos chờ đợi cuộc họp tiếp theo của các Bộ trưởng Tài chính EU. (Ảnh AP)

Các cuộc tranh luận giữa các nước EU “nóng” đến mức, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem đã phải tạm dừng cuộc họp vào lúc nửa đêm và chỉ nhóm họp lại vào lúc 11h sáng 12/7 (giờ địa phương) để “những cái đầu lạnh bớt”.

“Rào cản duy nhất để đàm phán tiếp diễn chính là việc thiếu niềm tin lẫn nhau”, Bộ trưởng Kinh tế Italy Pier Carlo Padoan chia sẻ.

… nhưng vẫn muốn “cứu Hy Lạp

Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính cũng đã đạt được sự đồng thuận trên nguyên tắc về việc giúp Hy Lạp giảm bới gánh nặng nợ công bằng cách giãn thời gian trả nợ trong trường hợp Hy Lạp chấp nhận thực hiện cải cách trước.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis - người phụ trách về đồng Euro trong nhóm điều hành EU - đã lên tiếng dập tắt hy vọng của Hy Lạp về việc EC sẽ ngay lập tức chấp thuận đàm phán về một khoản cho vay mới đối với Hy Lạp.

“Sẽ khó có khả năng EC yêu cầu bắt đầu tiến hành đàm phán chính thức về chương trình Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) liên quan đế gói cứu trợ giành cho Hy Lạp”, ông Dombrovskis nói.

Hy Lạp vùng vằng

Dù tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos không có tuyên bố chính thức nào trước công chúng, một số thành viên đảng cánh tả Syriza của Thủ tướng Tsipras vẫn cảm thấy “khó nuốt trôi” được việc phải chấp thuận các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ đã phản đối bấy lâu nay.

“Những gì mà EU đang làm là cố hạ nhục Hy Lạp và người dân nước này hoặc tìm cách lật đổ Chính phủ của ông Tsipras”, ông Dimitrios Papadimoulis, một đảng viên Đảng Syriza tại Nghị viện châu Âu tuyên bố.

Với việc các ngân hàng của Hy Lạp đã bị đóng cửa trong 2 tuần qua, kèm theo đó là việc rút tiền bị hạn chế tối đa, cũng như nền kinh tế đang bị dồn đến đường cùng, một vài người dân Hy Lạp đã không ngần ngại chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble.

“Điều duy nhất mà tôi quan tâm là không để ông Schaeuble hạ nhục mình”, ông Panagiotis Trikokglou, một người làm nghề tự do 44 tuổi, cho biết.

Trước đó, Hy Lạp đã nhận được 2 gói cứu trợ trị giá 240 tỷ Euro từ các nước Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đã tụt giảm tới 25% kể từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra và tỷ lệ thất nghiệp tại đây cũng đã leo lên trên 25%. Đáng báo động hơn nữa là cứ 2 thanh niên Hy Lạp lại có một người không có việc làm.

Các thành viên Chính phủ Hy Lạp chuẩn bị họp bàn về đề xuất của EU
Các thành viên Chính phủ Hy Lạp chuẩn bị họp bàn về đề xuất của EU

Tháng 6 vừa qua, Hy Lạp không thể trả được khoản vay cho IMF và nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu không trả được tiền trái phiếu cho ECB vào ngày 20/7 này - điều đồng nghĩa với việc ECB sẽ cắt giảm các khoản vay khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp.

Rời Eurozone sẽ là rời mãi mãi?

Nhiều nguồn tin tại Đức cho biết, ông Schaeuble, bà Merkel và Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đã thống nhất việc ép Hy Lạp phải chấp thuận các biện pháp cải cách cứng rắn hơn nếu không muốn tạm thời ra khỏi Eurozone.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo, việc tạm rời khỏi Eurozone nhiều khả năng đồng nghĩa với việc EU sẽ tìm cách đuổi vĩnh viễn Hy Lạp khỏi khối này.

Ông Paul De Grauwe, một nhà kinh tế người Bỉ làm việc tại Đại học Kinh tế London, so sánh việc này với việc một cặp đôi ra tòa để ly thân: “Tạm rời khỏi Eurozone là tạm ly thân với nhau và trong nhiều trường hợp dẫn đến ly hôn”.

Thậm chí, ông Holger Schmieding, nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg, còn khẳng định: “Rời Eurozone là rời mãi mãi”./.
 
Theo Trần Khánh/VOV.VN
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!