1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Đường lưỡi bò" đuối lý

Ngày 29-10, Tòa án Trọng tài thường trực LHQ (PCA) có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết cho rằng cơ quan này có đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

"Đường lưỡi bò" đuối lý - 1

Đoàn Philippines đang trình bày quan điểm của mình trước Tòa án Trọng tài thường trực LHQ 

Thông cáo của PCA cho biết: Qua xem xét đơn kiện của Philippines, tòa án đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng “vụ tranh chấp trên thực tế là về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Đông và vì vậy không thuộc quyền tài phán của PCA”. PCA cho rằng vụ kiện phản ánh “tranh chấp giữa 2 nước liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982” và vấn đề này thuộc thẩm quyền của PCA.

Đây có thể coi là động thái quan trọng giúp Philippines lách qua cửa hẹp để tiến dần tới mục tiêu khó khăn là bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông. Tháng 1-2013, sau nhiều năm tìm cách giải quyết hòa bình các tranh chấp với Trung Quốc không thành, Chính phủ Philippines quyết định đưa vấn đề này lên PCA. Trước đó, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố sở hữu hầu hết Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) mà nước này tự đưa ra. “Đường 9 đoạn” này đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Trong đệ trình của mình, Manila cho rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả vùng biển và các đảo gần các nước láng giềng, là bất hợp pháp. Nước này cũng yêu cầu PCA làm rõ các vấn đề như hiệu lực của “căn cứ lịch sử” khi đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, căn nguyên của quyền lợi biển, địa vị của đá ngầm cụ thể và quyền lợi biển của chúng, cùng với tính hợp pháp trong các hành động cụ thể của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về phần mình, Trung Quốc từ chối tham dự vụ kiện và cho rằng PCA, tòa án được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS, không có quyền tài phán đối với các tranh chấp về lãnh thổ và hàng hải trong khu vực này. Tuy nhiên, trong đơn kiện của mình, Philippines đã rất khôn khéo khi không đưa ra yêu cầu hoạch định ranh giới các vùng biển mà đề nghị PCA phán quyết xác nhận “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố là vi phạm UNCLOS 1982, cũng như tính hợp pháp trong các hành động của Trung Quốc.

Cách tiếp cận này của Philippines đã giúp PCA có cơ sở để đưa ra kết luận rằng Chính phủ Philippines hoàn toàn không tìm kiếm phán quyết về chủ quyền trên Biển Đông, cũng không yêu cầu phân chia ranh giới Biển Đông và rằng vụ kiện của Philippines đã phản ánh “tranh chấp xuất hiện giữa hai nước đối với việc giải thích và sử dụng Công ước LHQ về Luật Biển”, vì vậy thuộc phạm vi xử lý của tòa án. Ngoài ra, việc Bắc Kinh từ chối tham gia trình tự trọng tài không hề tước đi được quyền xử lý của tòa trọng tài.

Theo dự tính, PCA sẽ tiếp tục nghe Philippines trình bày và đưa ra phán quyết trong năm 2016. Tất nhiên, phán quyết của tòa sẽ không ngăn được Trung Quốc tiếp tục thực thi các hành vi vi phạm của họ trên Biển Đông. Tuy nhiên, cái mà Phillippines hướng tới có lẽ không phải là hiệu lực của phán quyết, mà là để công khai hóa mọi thứ, để cộng đồng quốc tế hiểu về quan điểm của nước này trong các vấn đề tranh cãi với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Với phán quyết của PCA, Philippines đã tiến thêm một bước đến mục tiêu của mình.

Theo Hoàng Sơn

An ninh Thủ đô

"Đường lưỡi bò" đuối lý - 2