1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đường đến Tòa án hình sự quốc tế của Milosevic

Từ 1990, ông Milosevic trở thành tổng thống Serbia, rồi tổng thống Nam Tư từ tháng 7/1997 đến 9/2000. Người ta gọi ông là "Tito mới" vì tham vọng giữ gìn sự thống nhất của Nam Tư và Serbia, nhưng lại bằng mọi giá và mọi cách, kể cả con đường bạo lực.

Sức ép

 

Tháng 5/1999, Tòa án hình sự quốc tế (ICTY) buộc ông Milosevic tội “thực hiện tội ác chống lại nhân loại - giết người, trục xuất, truy đuổi, vi phạm các luật lệ và qui định chiến tranh”. Tháng sáu năm đó, Mỹ còn treo giá 5 triệu USD cho thông tin dẫn tới việc bắt giữ, dẫn độ Milosevic cho tòa án quốc tế.

 

Tháng 9/2000, sau khi Milosevic bị xử thua trong cuộc bầu cử tổng thống nhiều tranh cãi, tân Tổng thống Serbia Vojislav Kostunica tuyên bố sẽ không chuyển ông Milosevic cho The Hague. Nhưng dưới sức ép của Mỹ và NATO, tháng 2/2001, công tố viện và cảnh sát Belgrade điều tra các cáo buộc ông Milosevic bí mật chuyển tới Thụy Sĩ 173 kg vàng, bán chúng rồi nạp tiền vào tài khoản các công ty ở Thụy Sĩ và Cyprus.

 

Đến cuối tháng 3/2001, Mỹ tăng cường gây sức ép lên Serbia bằng tối hậu thư: nếu Milosevic không bị bắt, Nhà Trắng sẽ đóng băng việc chuyển khoản 50 triệu USD viện trợ cần thiết sống còn cho “nền cộng hòa cách mạng” đang suy yếu sau một thập niên xung đột quân sự và cuộc đánh bom của NATO. Số phận ông Milosevic đã được định đoạt.

 

Chiến dịch bắt giữ ông Milosevic kết thúc vào rạng sáng 1/4/2001. Cựu tổng thống bị giam tại nhà tù Belgrade theo trát của quan tòa khu vực buộc ông tội lạm quyền và lừa đảo tài chính. Ngay tới lúc đó, ông Kostunica vẫn cam kết là sẽ không giao ông Milosevic cho ICTY “nếu ICTY không ra trát bắt cựu lãnh đạo người Hồi giáo Bosnia là Alia Izetbegovich và người đứng đầu Phong trào giải phóng Kosovo K. Tachi” (hiến pháp Serbia cũng không cho phép dẫn độ công dân).

 

Ông Kostunica còn tuyên bố trước vành móng ngựa phải có chỗ cho “một số cựu lãnh đạo NATO”, những kẻ đã hạ lệnh ném bom Serbia mùa xuân 1999. Thế nhưng nhà nước mới Serbia cũng không thể hoạt động mà thiếu tiền viện trợ. Ngày 28/6/ 2001 Milosevic bất ngờ bị đưa tới La Haye.

 

Người tù kiêm luật sư bào chữa

 

Ngày đầu phiên xử Milosevic vào 12/2/2002, ông bị cáo buộc hơn 60 tội danh. Tiến trình xét xử chia thành hai phần. Phần đầu gồm việc xét tội của ông Milosevic trong việc tổ chức tiêu diệt 900 người Kosovo gốc Albania và trục xuất 800.000 thường dân”. Phần thứ hai gồm việc tra xét tội diệt chủng dân Bosnia và Croatia trong thời gian từ 1992-1995. Tổng cộng tiến trình tố tụng dự kiến kéo dài hai năm. Ngoài Milosevic, nhiều lãnh đạo khác của người Serbia cũng bị kết tội.

 

Thế nhưng công bằng mà nói số nạn nhân của cuộc xung đột Balkan thập niên 1990 không chỉ có người Albania hay Hồi giáo, mà còn nhiều cư dân Serbia. Các nhà quan sát độc lập vì thế nghi ngờ ICTY đã thiếu tính khách quan, hoạt động “có tuyển chọn” cho phù hợp với đường lối của Mỹ và NATO.

 

Từ thập niên 1990, người Mỹ và NATO đã đổ toàn bộ tội lỗi của những cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu ở Nam Tư cũ lên ban lãnh đạo Serbia. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ông Slobodan Milosevic tự bảo vệ mình bằng lập luận ICTY không là gì khác hơn công cụ chính trị phục vụ lợi ích NATO, tổ chức đang muốn biện hộ cho những tội lỗi của mình khi can thiệp vào công việc nội bộ của những nước có chủ quyền; ủng hộ người Hồi giáo ly khai Albania, Bosnia và Croatia.

 

Các phiên tòa diễn tiến rất chậm, thay vì hai năm đã kéo dài bốn năm. Không chỉ vì tình hình sức khỏe của Milosevic. Vấn đề là Milosevic tự bảo vệ, và cứ khi các quan tòa cho phép phát biểu, ông đã chuyển phiên tòa từ việc hỏi tội ông thành chất vấn ai có lỗi trong việc Liên bang Nam Tư thống nhất suốt 70 năm qua, tan rã và xung đột.

 

Có hai nhân chứng cao cấp Nga xuất hiện tại phiên tòa: cựu thủ tướng và cựu đại biểu Duma Nga Nikolai Ryzhkov (11/2004), và cựu thủ tướng Yevgeny Primakov (12/2004). Các nhân chứng Nga khẳng định họ chưa bao giờ nghe các phát biểu dân tộc cực đoan từ phía ông Milosevic (trong khi các lãnh đạo phe ly khai người Albania không ít lần khẳng định ước vọng sáng lập Đại Albania).

 

Ông Ryzhkov còn trình lên tòa những thông tin ông thu thập được về các nguồn tài trợ cho các băng nhóm vũ trang Albania (một phần từ buôn bán ma túy do phương Tây bí mật giúp đỡ). Ông Primakov thì không úp mở cáo buộc trách nhiệm của các nước NATO trước các biến cố tại Kosovo.

 

Thách thức cuối cùng

 

Trong hai năm gần đây, ông Milosevic đã hỏi được nhiều nhân chứng và đưa ra những kết luận bảo vệ mình trước các cáo buộc liên quan “phần Kosovo”. Người ta chưa hiểu vì sao ông kéo dài thời gian đến thế. Có thể ông tính đến diễn tiến tình hình quốc tế và dư luận xã hội.

 

Quả thật, trong thời gian qua cuộc chiến tranh Iraq rồi việc Mỹ không chịu ký phê chuẩn ICTY, vụ xìcăngđan Guantanamo và Abu Ghraib, những nhà tù mật của CIA trên lãnh thổ một số nước châu Âu và phiên tòa xử ông Hussein; sự lớn mạnh ngày càng rõ của nước Nga trong tư cách một trong những nhà cung ứng khí đốt hàng đầu Tây Âu...

 

Tất cả đã khiến ICTY mất đi ý nghĩa mong muốn của nó như là một tòa án Nuremberg (tòa xử tội Đức quốc xã sau Thế chiến thứ hai). Tiêu chuẩn kép của nhà tù này, đồng thời các thế lực chính trị sau lưng nó, ngày càng lộ rõ. Bản án cho ông Milosevic sẽ càng đặt Mỹ và các đồng minh Tây Âu vào một vị trí bất lợi.

 

Cái chết bất ngờ của ông Milosevic dường như có lợi cho những ai liên quan đến phiên tòa xét xử ông. ICTY không thể đưa ra những quyết định có thể đem tới những hậu quả ngoài ý muốn.

 

Cái chết của ông Milosevic cũng là lối thoát cho chính ông, nhờ đó ông khỏi trở thành nhà độc tài đầu tiên bị kết án vì những tội ác mà vào thời của mình, người ta đã tử hình đồng bọn của Hitler. Chánh án ICTY Carla de Ponte phải thừa nhận: Milosevic đã “ném cho chúng tôi thách thức cuối cùng...” và “đến khi chết, về mặt luật pháp ông ta vô tội”.

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ/Lenta, RIA, AFP

Dòng sự kiện: Milosevic

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm