1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đường dây liên lạc bí mật kết nối những gia đình Hàn-Triều ly tán

(Dân trí) - Sự gián đoạn của các cuộc đoàn tụ giữa 2 miền Triều Tiên và số lượng người được chọn tham gia gặp gỡ thân nhân mỗi lần đoàn tụ quá ít ỏi khiến nhiều người Hàn Quốc quyết định kết nối với gia đình ly tán lâu năm thông qua đường dây liên lạc bí mật.


Từ năm 2000 tới nay, có gần 20.000 người Hàn Quốc được gặp lại thân nhân thông qua các cuộc đoàn tụ chính thức, con số rất nhỏ so với hàng triệu người ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

Từ năm 2000 tới nay, có gần 20.000 người Hàn Quốc được gặp lại thân nhân thông qua các cuộc đoàn tụ chính thức, con số rất nhỏ so với hàng triệu người ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ông Kim Kyung-jae, 86 tuổi, có lẽ sẽ không bao giờ được chính phủ Hàn Quốc lựa chọn để tham gia buổi đoàn tụ với thân nhân ở Triều Tiên. Nhưng điều đó không phải là vấn đề với ông Kim.

Do mỗi lần đoàn tụ chỉ có một phần nhỏ những người Hàn Quốc may mắn được chọn ngẫu nhiên, mặt khác, tần suất các cuộc đoàn tụ không cao và có thể bị ảnh hưởng nếu quan hệ 2 miền xấu đi, nên nhiều người Hàn Quốc đã quyết định không trông đợi vào những chương trình gặp gỡ nhân thân chính thức.

Ông Kim cùng một số người Triều Tiên ly tán khác đã tìm được một đường dây không chính thống cho phép họ có thể giao tiếp với thân nhân ở bên kia biên giới. Trong 30 năm, ông Kim đã gửi tới người em gái ở Triều Tiên thư từ và đồ đạc.

“Thật đáng tiếc khi những người ở Hàn Quốc không biết tới sự tồn tại của những kênh liên lạc này”, ông Kim nói, đưa ra một tập những lá thư dán tem Triều Tiên mà em gái gửi ông nhiều năm qua.

Trong cuộc đoàn tụ gia đình Hàn-Triều vừa kết thúc ngày 26/8, hàng trăm người Hàn Quốc, ở độ tuổi 70 trở lên, đã gặp mặt thân nhân lần đầu sau 70 năm xa cách kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Nhưng họ chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng triệu người bị ly tán bởi cuộc chiến. Đây là lần thứ 21, hai miền Triều Tiên tổ chức đoàn tụ, nhưng sự kiện này không diễn ra thường xuyên do có một khoảng thời gian dài quan hệ giữa 2 nước căng thẳng.

Chính vì vậy, ông Kim cùng những người Hàn Quốc khác đã nhờ bạn bè, những người môi giới ở Trung Quốc, Nhật Bản thăm dò liệu thân nhân của họ ở Triều Tiên còn sống hay không và sắp xếp gửi thư từ, hình ảnh, gọi điện thoại và đôi khi là gặp nhau mặt đối mặt.

Hiện thời, cả 2 miền Triều Tiên đều cấm công dân 2 nước liên lạc với nhau mà không có sự đồng thuận của chính phủ. Theo AP, Hàn Quốc dường như âm thầm cho phép điều này, và được cho là hỗ trợ tài chính cho các tổ chức giúp đỡ các gia đình ly tán gặp gỡ trên danh nghĩa các hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, Seoul dường như không triển khai các hoạt động này rầm rộ vì lo ngại sẽ “chọc giận” Bình Nhưỡng. Theo giới quan sát, Triều Tiên đã nhiều lần từ chối yêu cầu tăng tần suất các cuộc đoàn tụ chính thức của Hàn Quốc, có thể do Bình Nhưỡng muốn dùng điều này là “đòn bẩy chính trị”.

AP trích một biên bản điều tra của chính phủ Seoul nghiên cứu hoạt động trao đổi và giao lưu giữa các gia đình ly tán cho hay, kể từ năm 1990, có khoảng 11.610 lá thư được trao đổi, 1.755 cuộc gặp mặt đối mặt có sự tham gia của 3.416 người. Để so sánh, trước cuộc đoàn tụ tuần qua, chương trình đoàn tụ chính thức đã giúp 19.770 người gặp mặt thân nhân ly tán từ năm 2000, và không một ai trong số họ có cơ hội được đoàn tụ lần thứ 2.

Các kênh liên lạc bí mật trở nên phổ biến vào thời kỳ Hàn Quốc ban hành chính sách Ánh Dương. Đây là chính sách có từ thời cựu Tổng thống Kim Dae Jung và tồn tại từ năm 1998 cho đến năm 2008. Sau đó, việc Triều Tiên siết chặt quản lý biên giới với Trung Quốc cũng như nhiều người Triều Tiên ly tán ở Hàn Quốc qua đời đã khiến số lượng những cuộc đoàn tụ không chính thống thưa thớt dần.

Những cuộc đoàn tụ

Có những người ly tán đã chết trước khi có cơ hội được gặp thân nhân lần cuối nhưng cũng có những người sử dụng các kênh phi chính thống để đoàn tụ. (Ảnh minh họa: Reuters)
Có những người ly tán đã chết trước khi có cơ hội được gặp thân nhân lần cuối nhưng cũng có những người sử dụng các kênh phi chính thống để đoàn tụ. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ông Kim, người từng điều hành một doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản sang Nhật Bản, cho biết ông có bạn bè ở Triều Tiên in địa chỉ thư điện tử của ông và gửi tới em gái. Khi bạn bè của ông nhận được phản hồi, họ chụp lại lá thư và gửi thư điện tử cho ông Kim.

Khi ông muốn tặng thân nhân quần áo, giày dép và các món đồ khác, ông sẽ thuê những người môi giới ở Trung Quốc gửi cho người thân theo dạng bưu kiện. Giá của dịch vụ chuyển phát này là 30 USD một thùng 20 kg hàng hóa.

Ông Kim nói ông đã giúp được 30 người Hàn Quốc kết nối lại với thân nhân ở Triều Tiên. Những người này hầu hết trước đây đều sống ở bờ đông Triều Tiên, cùng khu vực với ông Kim trước khi ông chưa ly tán gia đình.

Ông Kim nói việc ông gửi thư và đồ sang Triều Tiên diễn ra rất trơn tru, vì ông không bao giờ chỉ trích ban lãnh đạo Bình Nhưỡng trong thư và em gái ông cũng nói những điều tích cực về chính phủ Triều Tiên trong những lá thư hồi âm.

Ông bắt đầu gửi thư tay cho em gái từ đầu những năm 1990 khi ông biết được địa chỉ chính xác của bà. Em gái ông, thông qua một người hàng xóm cũ đã lấy được quốc tịch Mỹ và trở về thăm Triều Tiên, gửi ông bức ảnh chụp cha mẹ và báo tin rằng họ đã qua đời. “Sau khi nhìn thấy bức ảnh, tôi đã bật khóc rất nhiều, vì tôi nghĩ rằng họ vẫn còn sống”, ông Kim nói.

Vào năm 2002, khi ông Kim sống ở Nhật Bản, em gái ông đã gọi điện cho ông và họ đã nói chuyện cả giờ đồng hồ. Bà chỉ biết gọi “Anh trai”, rồi bật khóc nức nở không ngừng.

Ông Kim hiện đang điều hành một tổ chức gồm một số người Triền Tiên ly tán và họ có tôn chỉ hoạt động là giúp những người cùng cảnh ngộ có thể liên lạc với thân nhân. Người cùng điều hành tổ chức với ông, ông Shim Goo-seob, 83 tuổi, cho biết ông từng tổ chức các cuộc đoàn tụ mặt đối mặt ở Trung Quốc cho các thân nhân ở 2 miền Triều Tiên thông qua mạng lưới người môi giới và hỗ trợ.

Ông Shim nói ông đã có cơ hội gặp người em trai thất lạc ở Triều Tiên tại thị trấn Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, nằm ngay cạnh biên giới với Triều Tiên thông qua sự giúp đỡ của một người Trung Quốc. Người này tự nhận là chú của em trai ông Shim và đã mời cháu mình qua chơi. Ông Shim nói ông đã cùng người em đoàn tụ trong 3 ngày.

Sau đó, ông Shim lại cố gắng sắp xếp một cuộc gặp với em gái ruột vào năm 2003 nhưng bà không thể đi do không được cấp thị thực Trung Quốc. Vì vậy, ông Shim chỉ còn cách bảo bà ra con sông nằm ở biên giới Trung-Triều. Sau đó, ông từ bờ bên Trung Quốc nhìn em gái qua ống nhòm. “Trái tim tôi như quặn thắt lại”, ông Shim hồi tưởng.

Những mối lo ngại

Đoàn tụ thông qua kênh liên lạc phi chính thống ẩn chứa không ít rủi ro. (Ảnh minh họa: Reuters)
Đoàn tụ thông qua kênh liên lạc phi chính thống ẩn chứa không ít rủi ro. (Ảnh minh họa: Reuters)

Một số người Triều Tiên ly tán không biết về những cách phi chính thống để gặp người thân. Một số khác lại sợ bị "bán đứng" bởi những người môi giới hoặc nghĩ rằng họ sẽ có nguy cơ bị xử phạt vì vi phạm luật an ninh Hàn Quốc.

Ông Cho Il Woong, 86 tuổi, đã rất nhiều lần nộp hồ sơ xin đoàn tụ nhưng đều không may mắn được đưa vào danh sách. Ở tuổi gần đất xa trời, ông Cho chỉ có một ước mong duy nhất là được gặp lại họ hàng trước khi ra đi. Tuy nhiên, ông Cho lo ngại rằng những người môi giới có thể khiến ông gặp rắc rối với chính phủ Hàn Quốc.

Park Yong Ho, con trai của một phụ nữ Triều Tiên ly tán gia đình, cho biết ông đã liên lạc với một người đàn ông 20 năm qua thông qua một người môi giới. Người trung gian nói đó là cha anh Park. Mặc dù vậy, anh vẫn nghi ngờ người môi giới chỉ cố lừa tiền anh với lời hứa sắp xếp một cuộc gặp mặt đối mặt nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực.

Đức Hoàng

Theo Korea Herald