1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Dựng “tường” chống khủng bố trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, mặt trái của mạng xã hội ngày càng bộc lộ rõ. Mạng xã hội đã bị lợi dụng gây hại cho an ninh quốc gia. Những phong trào như “mùa xuân Arab”, ”cách mạng nhung”, ”cách mạng hoa hồng”, “cách mạng cam”... và mới đây nhất là cuộc chính biến bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ... đều có liên quan tới mạng xã hội.

Các cuộc điều tra chứng minh, mạng xã hội đã bị lợi dụng để kích động tư tưởng cực đoan, kêu gọi tập hợp lực lượng và điều đáng ngại là khủng bố cũng dùng cách này để chiêu mộ...

“Mảnh đất mới” của khủng bố

Các “đại gia” công nghệ hàng đầu của Mỹ như Facebook, Google và trang mạng Twitter đối mặt với rắc rối pháp lý khi gia đình các nạn nhân trong vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida chính thức khởi kiện 3 đơn vị này với cáo buộc cung cấp “hỗ trợ vật chất” cho tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho phép lan truyền tư tưởng cực đoan dẫn tới kích động vụ thảm sát.

Theo đơn khởi kiện của gia đình 3 nạn nhân thiệt mạng gồm Tevin Eugene Crosby, Juan Ramon Guerrero Jr. và Javier Jorge-Reyes, Facebook, Google và Twitter bị cáo buộc “biết rõ song thiếu cẩn trọng” trong việc cho phép IS sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền, quyên góp tài chính và tuyển mộ thánh chiến.

Gia đình các nạn nhân cho rằng sự hỗ trợ vật chất này như công cụ giúp IS tăng cường ảnh hưởng và tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố. Theo luật pháp Mỹ, nhiều khả năng cả 3 hãng trên phải đối mặt với vụ kiện hình sự.

Gần đây nhất, ngày 24-12, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết giới chức nước này đang điều tra khoảng 10.000 người bị nghi ngờ sử dụng truyền thông mạng xã hội để ủng hộ khủng bố. Trong khi đó, cuối tháng 9-2016, Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas thông báo chính phủ nước này có thể kiện Facebook và các trang mạng xã hội khác nếu họ không nỗ lực ngăn chặn những nội dung kích động thù hận hoặc “tư tưởng khủng bố” của người Hồi giáo cực đoan.

Theo ông Maas, Twitter mới xóa được khoảng 1% những nội dung không tốt, YouTube cũng chỉ 10% và Facebook xóa được 46%. Ông cho rằng những tỷ lệ này là quá thấp. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas tuyên bố sẽ quyết định các biện pháp tiếp theo nhằm vào các trang mạng xã hội, trong đó không thể loại trừ các biện pháp pháp lý.

Một nhóm khủng bố đang dùng điện thoại thông minh để đưa hoạt động của mình lên mạng xã hội. Ảnh: Breitbart.
Một nhóm khủng bố đang dùng điện thoại thông minh để đưa hoạt động của mình lên mạng xã hội. Ảnh: Breitbart.

Theo nhà chức trách Đức, Facebook - trang mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,6 tỷ người sử dụng mỗi tháng, phản ứng rất chậm đối với những nội dung kích động hận thù. Trước đó, người đứng đầu Bộ Tư pháp Đức cũng đề cập tới khả năng thiết lập các quy định chung ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề này. Ông Maas cho biết các nước EU cùng nhất trí rằng các thông điệp thù địch trên mạng xã hội đang đe dọa “sự bình yên của xã hội”.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã ra cảnh báo về mặt trái của mạng xã hội, thông qua mạng xã hội, IS đã tuyển mộ hơn 30.000 người nước ngoài gia nhập tổ chức này. Theo người đứng đầu Cục An ninh Bộ Nội vụ Tây Ban Nha Francisco Martinez, Internet đã trở thành một trong những công cụ chủ yếu của phiến quân IS để chúng truyền bá tư tưởng và tuyển mộ các thành viên mới. Tổ chức khủng bố này có thể đã thu hút được hơn 30.000 chiến binh nước ngoài vào hàng ngũ của chúng thông qua các trang mạng xã hội để chiến đấu tại Syria và Iraq.

Nguy hiểm hơn, các nhóm khủng bố, Hồi giáo cực đoan đang nhắm vào giới trẻ, tương lai của thế giới. Chuyên gia giám sát mạng xã hội - tiến sĩ Robyn Torok ngày 30/11/2016 đã công bố một chương trình nghiên cứu trong đó cảnh báo các nhóm cực đoan đang tích cực nhắm mục tiêu và tìm cách tuyển mộ thanh thiếu niên Australia và nhiều nước khác thông qua mạng xã hội.

Tiến sĩ Torok đã phác thảo quá trình tuyển mộ trực tuyến của IS, theo đó, ban đầu những kẻ tuyển mộ xác định mục tiêu tiềm năng bằng cách theo dõi các chủ đề trò chuyện trên Facebook, quan sát kỹ hành vi trực tuyến của đối tượng qua những bài viết, bình luận tiêu cực về cuộc sống, các vấn đề chính trị - xã hội, đồng thời tìm hiểu sở thích và nhu cầu của đối tượng. Sau đó, chúng tỏ ra đồng cảm, tham gia chủ đề đối thoại, tìm cách gây dựng quan hệ qua các kết nối phổ biến và dần biến mối quan hệ trở nên cá nhân hơn.

Để tạo lòng tin cho đối tượng, một kẻ tuyển mộ có thể tạo ra 50 tài khoản khác nhau trên mạng và có đến 20 bạn chung trong một tài khoản. Trong suốt quá trình, những kẻ tuyển mộ tìm cách cô lập đối tượng khỏi cộng đồng của họ và hướng tình cảm, lòng trung thành của đối tượng về phía IS, cả trên mạng trực tuyến và cuộc sống ngoài đời.

Cuối cùng, những kẻ tuyển mộ kích động đối tượng trả thù cho những bất công và trao quyền hành động cho đối tượng, có thể bao gồm cam kết hành động khủng bố trong nước để gây sợ hãi hoặc tìm đường gia nhập IS ở Trung Đông.

Vẫn chỉ là “muối bỏ bể”

Phản ứng trước cáo buộc trên liên quan tới mạng xã hội, phía Facebook nhấn mạnh các dịch vụ của hãng không có chỗ cho các nhóm khủng bố hoặc đăng tải nội dung ủng hộ hoạt động này, đồng thời cho hay hãng luôn có hành động kịp thời để ngăn chặn thông tin cực đoan. Tuy nhiên thật khó khi xác định thông tin nhạy cảm lại có sự “vênh nhau” giữa quốc gia chủ quản và những người sáng lập mạng xã hội.

Cuối tháng 8-2016, trong một báo cáo, Ủy ban Các vấn đề đối nội của Quốc hội Anh đã chỉ trích Google, Facebook và Twitter không triển khai đầy đủ các phương tiện nhằm ngăn các phần tử Hồi giáo cực đoan lợi dụng những trang mạng này để thực hiện mưu đồ của chúng.

Nghị sĩ Keith Vaz, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối nội nhấn mạnh: Các diễn đàn trao đổi và các mạng xã hội chính là “nguồn sống” của IS và của các nhóm khủng bố khác trong việc tuyển chọn chiến binh, cung cấp tài chính cũng như truyền bá ý thức hệ cực đoan.

Ông Keith Vaz cũng cho biết mặc dù biết được điều này nhưng Google, Facebook, Twitter cho thấy không có khả năng giải quyết mối đe dọa trên và việc hàng trăm nghìn tài khoản bị Twitter, Facebook... đóng hay hàng triệu đoạn video bị Google xóa, nhằm chống lại việc phát tán kích động chủ nghĩa khủng bố, chỉ là “muối bỏ bể”.

Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề đối nội cũng nhấn mạnh vấn đề chính là do thiếu nguồn nhân lực sẵn sàng để kiểm soát những nội dung tranh cãi bởi vì các công ty này có đội ngũ nhân viên chỉ vài trăm người mà phải chịu trách nhiệm giám sát hàng tỷ tài khoản. Ủy ban của Quốc hội Anh yêu cầu tăng cường các phương tiện cho cảnh sát chống khủng bố chuyên chịu trách nhiệm giám sát mạng Internet, đồng thời cũng kêu gọi các nhà sản xuất, kinh doanh mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn việc tuyên truyền tư tưởng cực đoan.

Để bảo vệ công dân châu Âu, tháng 4-2016, các cơ quan bảo vệ dữ liệu ở 5 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra chung về hoạt động. Đây không phải lần đầu tiên Facebook bị các nước EU cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo mật tại “lục địa già”. Áo đã mở cuộc điều tra nhằm vào Facebook sau khi một sinh viên tốt nghiệp ngành luật có tên là Maximilian Schrems kiện lên Tòa án Tối cao Áo về những vi phạm của Facebook.

Max Schrems và 25 nghìn người sử dụng Facebook đang là bên nguyên đơn trong một vụ kiện tập thể nhằm vào Facebook với cáo buộc hãng theo dõi thông tin cá nhân của họ một cách bất hợp pháp và tham gia vào chương trình do thám bí mật PRISM của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ. Phía Facebook đã phủ nhận các cáo buộc trên, đồng thời cam kết tổ chức một cuộc điều tra toàn diện.

Thu hẹp “đất” của khủng bố trên mạng xã hội

Trong bối cảnh IS đang đẩy mạnh tuyên tuyền tư tưởng cực đoan thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nhằm gia tăng sự ảnh hưởng, nhiều hãng công nghệ đã có biện pháp để quản lý nội dung đăng tải. Để không vướng vào các vụ kiện liên quan tới pháp lý cũng như tính nhân văn cho mạng xã hội, nhiều trang mạng xã hội đã thể hiện nỗ lực chống IS trên mạng xã hội.

Tại một hội thảo mới đây về chủ đề chống khủng bố, giới chức Mỹ cũng như các chuyên gia nhận định nỗ lực của chính quyền Mỹ và những tên tuổi hàng đầu trong làng công nghệ nhằm ngăn chặn chiến dịch tuyên truyền trên mạng Internet của IS đang cho thấy những kết quả ban đầu.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách ngoại giao công chúng và các vấn đề cộng đồng Richard Stengel, mạng xã hội Twitter đã cho đóng hàng trăm nghìn tài khoản được xác định là ủng hộ IS, trong khi YouTube, kênh chia sẻ video lớn nhất thế giới, đã cho gỡ bỏ hàng triệu đoạn băng kích động. Mạng xã hội Facebook đã xây dựng một đội ngũ hàng trăm nhân viên hoạt động 24-7 để kiểm duyệt và ngăn chặn các nội dung độc hại. Theo ông Stengel, số lượng những bài viết chống IS trên các mạng xã hội giờ nhiều hơn gấp 5 lần các thông tin ủng hộ IS và phần lớn đều bằng tiếng Arab.

Cảnh sát Bỉ tăng cường an ninh sau các vụ khủng bố. Ảnh: Politico.
Cảnh sát Bỉ tăng cường an ninh sau các vụ khủng bố. Ảnh: Politico.

Giới chuyên gia cũng nhận định những phần tử ủng hộ IS trên các mạng xã hội đang chịu áp lực lớn và phải thu hẹp quy mô hoạt động về phạm vi tuyên truyền cũng như tiếp cận các nhóm đối tượng lôi kéo. Will McCants, một chuyên gia về khủng bố của Viện Chiến lược Brookings, cho rằng những bước đi mạnh của Twitter và Facebook đang khiến những kẻ ủng hộ IS phải lui tới hoạt động tại những mạng xã hội nhỏ lẻ hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định hoạt động tuyên truyền của IS đang giảm sút. Rita Katz, nhà đồng sáng lập của tổ chức chuyên giám sát các trang mạng Hồi giáo SITE tin rằng hoạt động tuyên truyền của IS đã tăng ít nhất gấp đôi trong năm 2015 và tổ chức này cũng tăng đáng kể số lượng ấn phẩm xuất bản bằng nhiều thứ tiếng.

Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã nhất trí thành lập một nhóm công tác nhằm tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề và các nguy cơ ngày càng tăng liên quan đến các hành động “kích động và nổi loạn” trên các mạng xã hội.

Bộ trưởng Viễn thông Bahrain Sheikh Fawaz bin Mohammed Al Khalifa cho biết nhóm công tác trên, do Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý viễn thông thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed al-Ghanem đứng đầu. Hiện nhóm đã hoàn thành một công trình nghiên cứu quy mô lớn về các vấn đề liên quan đến các mạng xã hội. Nhóm công tác của GCC đã thúc đẩy sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên nhằm bắt giữ và đưa ra xét xử các công dân vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Trong thời gian tới, nhóm này sẽ tìm cách xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia GCC, cũng như giữa GCC với các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, các mạng truyền thông xã hội cũng như các nhà sản xuất ứng dụng trên các thiết bị di động nhằm giám sát và giải quyết tình trạng sử dụng mạng xã hội vào các mục đích “tiêu cực”.

Cũng có thái độ cứng rắn với mạng xã hội, Chính phủ Anh, Nga, Pháp, Bỉ... đang cân nhắc việc trao quyền lớn hơn cho lực lượng cảnh sát nước này nhằm kiểm soát và ngăn chặn việc kích động bạo loạn thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và mạng xã hội. Thủ tướng Anh tuyên bố chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội.

Lực lượng chuyên trách của cảnh sát, các cơ quan tình báo sẽ siết chặt quản lý và tăng cường giám sát đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng để xem xét ngăn chặn việc liên lạc qua các trang mạng xã hội và các dịch vụ này nếu kích động bất ổn định xã hội.

Phân tích sự nguy hiểm khi các phần tử khủng bố lợi dụng mạng xã hội, cũng như nhấn mạnh tới sự tỉnh táo của người dùng mạng xã hội, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Angieri, Hachemi Djiar, cho rằng các mạng xã hội hiện nay như Facebook và Twitter có “vai trò” trong tiến trình hình thành dư luận xã hội, vấn đề là ai đứng đằng sau các mạng xã hội đó.

Có nhiều thứ, cả tốt lẫn xấu. Không ai cấm bày tỏ chính kiến hay nguyện vọng của mình, song “phải có giới hạn” và người sử dụng Internet phải “thận trọng” trước những gì họ “nghe nói” và được “phát tán” trên các mạng xã hội.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới