1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước Mỹ trước ngã rẽ chiến lược (3):

Đừng tự mãn!

Trước sự lớn mạnh của châu Á, câu hỏi đặt ra là nước Mỹ nên làm thế nào?

Mỹ cần phải xây dựng một chính sách "đồng bộ" để giải quyết thách thức đang nổi lên từ mọi khía cạnh. Cụ thể, Mỹ có thể coi trọng 4 ưu tiên sau:

 

Thứ nhất, Mỹ cần giảm thiểu nguy cơ mất cân bằng tài chính và thương mại toàn cầu. Mỹ tiết kiệm và xuất khẩu quá ít nhưng lại tiêu thụ quá nhiều. Trong khi đó, châu Á tiết kiệm rất nhiều và đầu tư ồ ạt vào địa ốc cũng như các ngành công nghiệp xuất khẩu. Tình trạng này sẽ tạo ra thách thức cho cả hai phía. Do mức thâm hụt tài khoản hiện tại của Mỹ đang chiếm trên 6% GDP và Mỹ phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài để tăng trưởng, họ có thể gặp nguy nếu có cú sốc về tài chính và sẽ đối mặt với những khoản nợ dài hạn.

 

Về phần mình, châu Á đang tích trữ một lượng lớn đô la mà số tiền này có nhiều khả năng sẽ giảm giá. Sự tăng trường của châu Á cũng phụ thuộc vào "thái độ" của người tiêu dùng Mỹ. Vì cả hai phía đều phải có trách nhiệm trước những biểu hiện mất cân đối này, Mỹ và châu Á phải cùng nhau giải quyết. Điều đó đòi hỏi việc nâng giá đồng NDT ở Trung Quốc, giảm thâm hụt và tăng cường tiết kiệm cá nhân tại Mỹ, tự do hoá bền vững tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Thứ hai, Mỹ cần phát động "cuộc chơi" ở ngay trong nước để tiếp tục duy trì vị thế là nước đi đầu thế giới về công nghệ. Về mặt này, Mỹ cần phải có chính sách thuế thật sắc nhọn, làm sao tập trung khuyến khích cải cách. Đầu tư công phải được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng truyền thống và cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Cả chính phủ và khối tư nhân cần tăng đầu tư vào nghiên cứu, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học thông tin và tự nhiên. Chi tiêu liên bang trong các ngành khoa học cơ bản đã bị trì trệ gần 3 thập kỷ nay và kể từ những năm 1970 đã giảm 37% tương ứng với GDP.

 

Chính phủ Mỹ cũng cần phải đổi mới chính sách thu hút nhân tài, trước mắt bằng cách thay đổi chính sách visa. Cụ thể, chính phủ nên giảm bớt thời gian chờ đợi cấp visa đối với sinh viên nước ngoài đăng ký học cao học tại Mỹ đồng thời xoá bỏ những hạn chế trong visa làm việc của các nhà khoa học và kỹ sư nước ngoài. Mỹ cũng cần tạo ra một mạng lưới trường tiểu học và trung học rộng khắp, tập trung vào các môn khoa học và công nghệ.

 

Thứ ba, Mỹ cần phải duy trì vị trí trung tâm trong vành đai kinh tế Thái Bình Dương. Hiệp định tự do thương mại với Singapore và hiệp định đang đàm phán dở với Thái Lan là bước khởi đầu nhưng rất quan trọng. Bất kể Vòng đàm phán Doha của WTO cho kết quả ra sao, Mỹ nên tiến hành đàm phán với các quốc gia trong ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản về các hiệp định thương mại tham vọng. Thêm vào đó, Mỹ nên tăng cường thắt chặt quan hệ kinh tế với Ấn Độ để đảm bảo một sự hiện diện vững vàng tại châu Á.

 

Cuối cùng, Mỹ cần tái cơ cấu quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Trung Quốc cũng cần củng cố lại những ràng buộc đối với thế giới. Về phía Mỹ, việc Quốc Hội trong từng thời kỳ hướng sự chú ý tới những vấn đề đặc biệt thông qua các cuộc tranh luận dường như không đủ.

 

Lo ngại về một chính sách thương mại cụ thể nào đó của Trung Quốc cần phải được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương, thông qua WTO và dựa vào luật thương mại Mỹ. Kết hợp tất cả sẽ tạo ra một ràng buộc lớn hơn với Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung. Để làm được điều này, Mỹ không chỉ cần xem xét lại chính sách, mà cần cuộc cải tổ căn bản trong những thể chế kinh tế toàn cầu, đặc biệt là G-8, IMF và APEC.

 

Về phía Trung Quốc, là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, lại là nước thu hút nhiều FDI nhất và dự trữ ngoại tệ lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc nên trở thành một thành viên của G-8, chứ không phải chỉ là một khách mời không thường xuyên như hiện nay. Hàn Quốc, với quy mô nền kinh tế có thể sánh với Canada hay Italia, cũng nên là thành viên của G-8.

 

Hiện việc phân bổ mức đóng góp của IMF cũng thấp hơn tiêu chuẩn. Phần đóng góp của Trung Quốc vào IMF hiện là 3%, tương đương với Canada và không cao hơn Bỉ là mấy. Mức này thấp hơn so với mức độ trách nhiệm mà Trung Quốc nên góp vào hệ thống thương mại toàn cầu. Tương tự như vậy, APEC cũng cần một sứ mệnh mới. Tổ chức này nên khởi động lại mục tiêu ban đầu đặt ra, là "hướng tới một nền thương mại tự do và mở cửa" ở khu vực Thái Bình Dương, giải quyết 4 vấn đề lớn nhiều nước quan tâm: năng lượng, thay đổi khí hậu, tình trạng lão hoá và tài chính ở Thái Bình Dương.

 

Nhưng trước khi tiến hành tất cả những việc này, cần phải có sự đánh giá đúng đắn từ phía chính quyền Mỹ, Quốc hội, giới doanh nghiệp và cả công chúng. Tất cả phải hiểu rằng nước Mỹ đang đối mặt với thách thức cạnh tranh, một thách thức không thể quy kết cho thương mại bất công bằng hay đồng đô la bị đánh giá thấp. Thực tế là cuộc cạnh tranh ấy đang ngày càng khốc liệt và nước Mỹ cần phải theo kịp. Để thành công, nước Mỹ cần soi vào tấm gương thất bại của các vị hoàng đế Trung Hoa cách đây 200 năm: Đừng tự mãn!

 

Phần 1: Người Mỹ đang bỏ lỡ một cuộc cách mạng?

Phần 2: Ba xu thế tích cực của châu Á 

 

Theo Tân Huyền
Vietnamnet/Wall Street Journal