1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức tăng chi tiêu quốc phòng, chuẩn bị cho "trọng trách lớn" tại NATO?

Ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã kêu gọi quốc hội nước này ủng hộ việc tăng ngân sách quốc phòng trong năm tới để Berlin có thể đảm trách vai trò lớn hơn trong chính sách an ninh của (NATO).

Đức tăng chi tiêu quốc phòng, chuẩn bị cho trọng trách lớn tại NATO? - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đang nổi lên là một ứng cử viên nặng kí thay thế Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sắp mãn nhiệm. (Nguồn: EPA)

Theo dự thảo ngân sách năm 2021 của Đức, chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng từ mức 45,6 tỷ Euro hiện nay lên 46,8 tỷ Euro, trong đó 19,4 tỷ Euro dự kiến chi cho nhân sự; 7,7 tỷ Euro chi cho các chương trình mua sắm, bao gồm khoảng 998,2 triệu Euro cho hệ thống máy bay tiêm kích Eurofighter, 350 triệu Euro cho máy bay vận tải hạng nặng A400M và 442 triệu Euro cho xe tăng bọc thép Puma.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đức có kế hoạch chi 5,9 tỷ Euro để xây dựng cơ sở cho các binh sĩ và 4,1 tỷ Euro cho việc bảo trì trang thiết bị. Phần ngân sách dành cho các sứ mệnh quốc tế chiếm khoảng 1,8 tỷ Euro, bao gồm chi phí cho các nhiệm vụ trong khuôn khổ NATO và các sứ mệnh khác ở nước ngoài.

Theo kế hoạch ngân sách, tỷ trọng chi tiêu quốc phòng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới của Đức chỉ chiếm khoảng 1,5% - chưa đạt mục tiêu tối thiểu 2% GDP mà NATO đặt ra cho các nước thành viên. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích nền kinh tế lớn nhất châu Âu dành quá ít ngân sách cho quốc phòng.

Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên thế giới, vấn đề bảo vệ đất nước và bảo vệ liên minh NATO một lần nữa "đóng vai trò trung tâm". Theo bà, 30 năm sau khi tái thống nhất, nước Đức cần có vai trò mới trong chính sách an ninh, trong đó Berlin phải gánh vác những trọng trách lớn hơn.

Phản ứng trước lời kêu gọi trên, lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Cánh tả Dietmar Bartsch đã chỉ trích việc tăng chi tiêu cho quốc phòng thay vì đầu tư cho giáo dục. Theo ông, mục tiêu của Đức phải là "xây dựng một trong những hệ thống trường học tốt nhất thế giới".

Trong khi đó, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer cho rằng những đứa trẻ, bên cạnh việc được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất ở Đức, cũng cần phải được sống trong hòa bình.

Bà Kramp-Karrenbauer đang nổi lên là một ứng cử viên nặng kí thay thế Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sắp mãn nhiệm.

Hiện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang "dưới trướng" Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng nếu ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden thắng cử, châu Âu kỳ vọng vào một sự khởi đầu mới của NATO. Theo báo chí Đức, NATO đang tìm kiếm một Tổng Thư ký mới.

Ông Stoltenberg, 61 tuổi, đã nắm quyền trong một thời gian dài và nhiệm vụ của ông được gia hạn để không làm phức tạp thêm các bất đồng xuyên Đại Tây Dương trước ngày bầu cử ở Mỹ 3/11.

Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử của Mỹ, vấn đề nhân sự của NATO sẽ được thúc đẩy với việc thay vị trí người đứng đầu tổ chức này. Các cuộc thăm dò ngoại giao đã được tiến hành ở Brussels để tìm kiếm người kế nhiệm ông Stoltenberg.

Giới chức NATO, trong đó có ông Stoltenberg, cho rằng bà Kramp-Karrenbauer sẽ là nhân vật phù hợp cho vị trí này. Thậm chí, một số nhà ngoại giao tại Brussels nhận định bà Kramp-Karrenbauer sẽ là "kiệt tác" tiếp theo của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chính sách nhân sự.

Với một nữ Tổng Thư ký đầu tiên của NATO, chính sách ngoại giao của bà Merkel sẽ lần thứ hai đạt được thành công mang tính lịch sử về giới, cùng với bà Ursula von der Leyen là nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu đầu tiên và điều quan trọng là cả hai nhân vật này đều là người Đức.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm