1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Đức điều Tornado tới Jordan: Cú đánh cực hiểm sau lưng Syria?

Đức tuyên bố rút các máy bay của lực lượng không quân nước này khỏi căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển đến căn cứ ở Jordan.

Đức rút máy bay Tornado về căn cứ không quân Azraq/Jordan

Chính quyền Đức đã quyết định rút toàn bộ lực lượng và các máy bay của mình khỏi căn cứ không quân Incirlik tại tỉnh Adana ở miền Nam của Thổ Nhĩ Kỳ - nơi họ đang triển khai các hoạt động của liên minh chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ lãnh đạo.

Theo đó, các lực lượng bao gồm máy bay vận tải, máy bay tiếp dầu và máy bay trinh sát Tornado sẽ được chuyển khỏi căn cứ Incirlik tới căn cứ không quân Azraq ở khu vực Zarqa, phía Bắc Jordan.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói rằng các hoạt động của các máy bay giám sát sẽ bị đình trệ ít nhất hai tháng cho đến khi việc tái bố trí được hoàn thành. Tuy nhiên, việc điều chuyển này sẽ không có tác động lớn đến chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bà Ursula von der Leyen nói rằng, so với những địa điểm khác thì căn cứ không quân Azraq ở miền bắc Jordan đã được xác định là một sự thay thế phù hợp nhất cho căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Đức sẽ rút 6 chiếc Tornado và máy bay tiếp dầu từ Incirlik/Thổ Nhĩ Kỳ đến căn cứ không quân Azraq ở khu vực Zarqa, phía Bắc Jordan
Quân đội Đức sẽ rút 6 chiếc Tornado và máy bay tiếp dầu từ Incirlik/Thổ Nhĩ Kỳ đến căn cứ không quân Azraq ở khu vực Zarqa, phía Bắc Jordan

Việc Đức rút khỏi Incirlik được cho là do xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai nước về việc Quốc hội Đức thông qua nghị quyết lên án cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng; hay là việc Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Đức và Mỹ đang ủng hộ khủng bố, khi che chở cho các phần tử theo phong trào Gulen và người Kurd; hoặc là mâu thuẫn giữa hai bên trong vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu...

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cho phép các cuộc viếng thăm tới lực lượng của quân đội Đức ở Incirlik (khoảng 280 quân và 6 chiếc máy bay trinh sát Tornado). Trước đó, chính quyền Ankara đã nhiều lần dọa “cấm cửa” các đồng minh, không loại trừ cả Mỹ, tiếp cận sân bay quân sự Incirlik.

Việc Đức chuyển các lực lượng của mình ra khỏi căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ là điều đã từng được đề cập trước đây. Vào hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5, Berlin đã liên tiếp đưa ra tuyên bố mạnh mẽ rằng có thể rút lực lượng không quân khỏi căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 17/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố bộ này đã lên một danh sách gồm 8 địa điểm mà Đức có thể chuyển máy bay tới hỗ trợ cho sứ mệnh chống IS, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ngăn các nghị sĩ Đức đến thăm binh sĩ tại căn cứ không quân Incirlik.

Theo Bộ trưởng von der Leyen, một nhóm công tác đã có mặt tại Jordan để đánh giá về nơi triển khai máy bay trinh sát Tornado và một máy bay tiếp nhiên liệu. Đảo Cyprus cũng là một địa điểm đang được cân nhắc. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng cân nhắc, nước này đã chọn Jordan.

Đức rời Incirlik vì mâu thuẫn với Thổ hay nhằm vào Syria ?

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các máy bay của NATO sử dụng căn cứ Incirlik để tấn công IS từ ngày 24/7/2015. Sau đó, vào ngày 4/12/2015, Quốc hội Đức đã đồng ý cho phép triển khai 6 máy bay trinh sát Tornado tại các khu vực xung đột và một lực lượng gồm 1.200 binh sĩ.

Sân bay Incirlik là nơi các máy bay của liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu sử dụng để xuất kích trong các phi vụ tấn công chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, bởi vì nó khá gần với các khu vực xung đột mà họ hỗ trợ cho lực lượng người Kurd.

Với việc triển khai ở sân bay Azraq, máy bay Đức phải bay một quãng đường 1.400 km để đi và về đến Raqqa, 1.800 km đối với Mosul, trong khi quãng đường hoạt động liên tục của các loại máy bay Luftwaffe Eurofighter Typhoon và Panavia Tornado là 1.390 km.

Theo bình luận của giới phân tích Đức, việc rút khỏi Incirlik đồng nghĩa chiến dịch của lực lượng không quân Đức tại Trung Đông sẽ chấm dứt, bởi vì những trận đánh chủ đạo chống lại IS đang diễn ra ở phía Bắc và phía Đông của Syria, trong khi Jordan nằm ở phía Nam.

Ngoài ra, việc này được đánh giá là chủ yếu do xuất phát từ mâu thuẫn giữa Đức với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng về bản chất nó có đúng như vậy không? Có một luồng quan điểm khác hẳn với những cách lập luận trên, đó là việc Đức rút máy bay về Jordan là nhằm vào Syria.

Việc máy bay Đức hiện diện ở căn cứ không quân Azraq/Jordan nằm trong tính toán của liên quân Mỹ?
Việc máy bay Đức hiện diện ở căn cứ không quân Azraq/Jordan nằm trong tính toán của liên quân Mỹ?

Từ căn cứ không quân Azraq ở miền bắc Jordan, khoảng cách đến biên giới Jordan giáp với các tỉnh Tây Nam Syria như As Suwayda khoảng 50km, đến Dara'a khoảng 100km, đến khu vực cao nguyên Golan và tỉnh Quneitra cũng chưa đến 200km. Do đó, việc liên quân Mỹ hỗ trợ không quân cho lực lượng đối lập ở khu vực này là điều rất dễ dàng.

Ngoài ra, từ Azraq đến các tỉnh Đông Nam Syria như Homs, Deir Ezzor cũng hoàn toàn nằm trong tầm bay của Tornado. Ví dụ, khoảng cách đến khu vực al-Tanf chỉ khoảng 250km, đến thị trấn al-Bukamal khoảng 470km và đến thành phố Deir Ezzor là 500km.

Do đó, một điều chắc chắn là những chiếc Tornado của Đức sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động của lực lượng không quân liên quân Mỹ ở khu vực phía Nam Syria, cùng với ít nhất 4 căn cứ không quân của Mỹ lập ở phía Bắc thuộc địa bàn các tỉnh Aleppo, Raqqa và al-Hasakah.

Việc những chiếc máy bay Đức hiện diện ở đây giúp liên quân Mỹ có thể nhanh chóng điều động máy bay trong vòng chưa đến 20 phút tới bất cứ địa điểm nào để hỗ trợ phiến quân đối lập; hoặc khi phát hiện lực lượng quân sự Syria tiến vào những “vùng cấm” vô lý do Mỹ đặt ra.

Do đó, việc Mỹ, Đức thi nhau rút máy bay từ Incirlik về trong nội địa Syria và ở Jordan hoàn toàn có thể là nằm trong một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc hỗ trợ phiến quân đối lập ở các tỉnh giáp biên giới Israel, Jordan và Iraq.

Theo Thiên Nam

Đất Việt