1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức có thể nhờ Anh làm "cầu nối" chuyển tên lửa tầm xa cho Kiev

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Đức bỏ ngỏ phương án có thể chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine thông qua trung gian là Anh.

Đức có thể nhờ Anh làm cầu nối chuyển tên lửa tầm xa cho Kiev - 1

Tên lửa hành trình tầm xa Taurus (Ảnh: Saab).

Newsweek đưa tin, các nhà lãnh đạo Đức và Anh đang cân nhắc một thỏa thuận hoán đổi vũ khí nhằm chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine.

Đây là phương án có thể giúp Berlin chuyển vũ khí tầm xa cho Ukraine, bước đi mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần né tránh vì lo ngại kịch bản leo thang căng thẳng giữa NATO với Moscow.

Ngoại trưởng Anh David Cameron tuần trước nêu ra phương án nói trên. Theo đó, Anh có thể sẽ nhận tên lửa tầm xa Taurus từ Đức, và sau đó London sẽ chuyển tên lửa Storm Shadow tới Ukraine.

Ngày 10/3, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng, phương án trên là khả thi.

"Phương án hoán đổi vũ khí là một lựa chọn. Và chúng tôi đã thực hiện điều đó với các vũ khí khác trước đó", bà nhấn mạnh.

Trước đó, Đức từng sử dụng phương án hoán đổi vũ khí để viện trợ gián tiếp xe tăng cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Đức đã gửi xe tăng đến các nước NATO khác như Slovakia, quốc gia sau đó cung cấp xe tăng do Liên Xô sản xuất cho Ukraine bằng nguồn dự trữ của chính họ.

Nga nhiều lần cảnh báo các nước NATO không viện trợ quân sự cho Ukraine, cho rằng động thái này chỉ khiến cuộc chiến kéo dài thêm.

Các nhà lãnh đạo và chỉ huy Ukraine từng nói rằng Taurus sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công tầm xa của quân đội. Đầu đạn mạnh mẽ khiến loại vũ khí này đặc biệt phù hợp để sử dụng chống lại các mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng của đối phương.

Tên lửa này có tầm tấn công gần 500km và khá tương đồng so với tên lửa Storm Shadow/SCALP mà Pháp và Đức đã chuyển cho Ukraine.

Cuối tháng trước, ông Scholz giải thích sự chần chừ của Đức khi Ukraine đề xuất được viện trợ tên lửa Taurus, điều mà ông cho rằng có nguy cơ khiến nước này trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.

Theo ông Scholz, tên lửa có tầm tấn công tới 500km này sẽ cần có sự hỗ trợ của binh sĩ Đức trên thực địa thì Ukraine mới có thể sử dụng.

Theo ông Scholz, Đức không thể làm "những điều như Anh và Pháp đã thực hiện cho Ukraine" với tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP mà 2 nước trên viện trợ trước đó.

Giới quan sát nhận định, phát ngôn của ông Scholz dường như có ý ám chỉ rằng binh sĩ Anh và Pháp có thể đã hỗ trợ cho Ukraine vận hành các tên lửa tầm xa tấn công vào mục tiêu Nga trong thời gian qua.

Phát biểu này của ông Scholz đã bị phía Anh chỉ trích. London tuyên bố không có binh sĩ nước này giúp Ukraine vận hành tên lửa Storm Shadow.

Sau đó, Nga công bố một đoạn ghi âm của các quan chức quân sự cấp cao Đức thảo luận về phương án dùng tên lửa Taurus nhắm mục tiêu vào cây cầu nối đất liền Nga vào bán đảo Crimea.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận cuộc thảo luận giữa các sĩ quan nước này về việc hỗ trợ Ukraine trong một cuộc tấn công vào Crimea là có thật. Thủ tướng Scholz gọi vụ rò rỉ thông tin là "vấn đề rất nghiêm trọng". Ông cũng tuyên bố Đức sẽ điều tra vụ việc này.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine