1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức chỉ trích Mỹ vì bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Đức cho rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng", dường như ám chỉ họ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Đức chỉ trích Mỹ vì bán khí đốt với giá cao ngất ngưởng - 1

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (Ảnh: AFP).

"Một số quốc gia, bao gồm cả những nước thân thiện đôi khi hưởng lợi từ mức giá khí đốt cao ngất ngưởng. Tất nhiên, điều đó dẫn đến các vấn đề chúng ta phải bàn tới", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với báo NOZ ngày 5/10.

Ông Habeck cho rằng, Mỹ và các quốc gia có quan hệ tốt với Đức bán cho họ khí đốt với giá quá cao. Theo CNBC, phát ngôn của ông Habeck dường như ám chỉ việc nhiều nhà cung cấp khí đốt cho Đức đang hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Ông kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa từ Mỹ khi hỗ trợ các đồng minh bị áp lực về năng lượng ở châu Âu.

"Mỹ đã liên lạc với chúng tôi khi giá dầu tăng và sau đó, nguồn dự trữ dầu ở nhiều nước châu Âu đã được giải phóng. Tôi cho rằng, sự đoàn kết tương tự như vậy cũng sẽ giúp kiềm chế giá khí đốt", ông Habeck nhận định.

Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về nhận định từ phía Đức khi được CNBC liên lạc.

Ông Habeck cũng cho rằng, Liên minh châu Âu EU nên làm nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt trong khu vực, trong bối cảnh các nước trong khối đang tranh giành nguồn cung khí đốt và động thái này đang đẩy giá lên cao.

Ông Habeck nhận định, EU nên tập hợp sức mạnh thị trường của mình và điều chỉnh hành vi mua hàng của các quốc gia trong khối một cách đồng bộ để các nước thành viên không trả giá cao hơn nhằm cạnh tranh lẫn nhau và làm tăng giá trên thị trường thế giới.

Phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, và Moscow cho rằng điều này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng suốt 6 tháng qua ở châu Âu. Mỹ và châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn năng lượng, điều mà Moscow đã nhiều lần bác bỏ.

Theo quan chức Đức, sức mạnh của thị trường châu Âu là rất lớn và yếu tố này cần được sử dụng trong lúc này.

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát hơn 7 tháng trước, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm mạnh, đẩy châu lục này rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông sắp tới gần.

Hồi tháng 8, Phó thủ tướng Habeck thừa nhận, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine từ ngày 24/2.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) cảnh báo, khoảng 16.000 cửa hàng ở nước này đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do chi phí năng lượng tăng cao.

Châu Âu trong thời gian qua đã kích hoạt hàng loạt biện pháp nhằm chống đỡ trước cuộc khủng hoảng năng lượng sau nhiều năm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt giá rẻ từ Nga. Tuy nhiên, nguồn cung từ Nga liên tục giảm đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa có lối thoát.

Theo CNBC
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine