Đưa quân giành lãnh thổ Nga, Ukraine giữ "quân bài mặc cả" chiến lược
(Dân trí) - Lực lượng Ukraine đã đánh cược khi mở chiến dịch đột kích bất ngờ vào tỉnh Kursk của Nga giữa lúc Moscow tiến công trên khắp mặt trận.
Vào tháng 8/2024, Ukraine đã triển khai binh lính và vũ khí hiện đại tới tỉnh Kursk của Nga. Đây là "ván bài" táo bạo nhằm buộc Nga phải chuyển hướng nguồn lực từ các mặt trận khác trên tiền tuyến, tạo ra vùng đệm, tạo đà tiến công và giành quyền kiểm soát một số vùng lãnh thổ, cũng như bắt giữ các tù binh để có thể trao đổi trong các cuộc đàm phán tương lai.
Chiến dịch Kursk là một diễn biến quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine, nơi tiền tuyến đã yên ắng trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, chiến dịch đột kích bất ngờ này mang lại những kết quả trái chiều.
Các chuyên gia nghiên cứu chiến tranh cho rằng đây là một quyết định hợp lý nhằm vực dậy tinh thần và động lực của lực lượng Ukraine, đồng thời làm đảo lộn các kế hoạch tác chiến của Nga. Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa làm giảm đáng kể áp lực lên tiền tuyến ở Ukraine và lực lượng Kiev đã phải nỗ lực để giữ được những vùng lãnh thổ mà họ đã giành được.
Bất chấp những thách thức trên, chiến dịch Kursk cũng mang lại cho Ukraine những lợi thế nhất định. Ukraine đang kiểm soát một phần lãnh thổ Nga trong bối cảnh có động lực mới nhằm chấm dứt chiến tranh thông qua đàm phán.
Đại tá Hamish de Bretton-Gordon, một chuyên gia quốc phòng và là cựu chỉ huy lực lượng Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân của Anh, nói rằng bất kỳ ai nắm giữ vùng lãnh thổ ở Kursk "sẽ là bên có lợi thế trong bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào".
Động lực đàm phán
Tim Willasey-Wilsey, chuyên gia về giải quyết xung đột tại Đại học King's College London và là nhà ngoại giao Anh, cho biết đối với Ukraine, chiến dịch Kursk là "hoàn toàn có chủ đích" vì Kiev "đang cố gắng chiếm một số vùng lãnh thổ có thể làm quân bài mặc cả".
Hiện tại, việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử đã tạo ra động lực mới cho những nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đàm phán.
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine thông qua đàm phán. Tuần này, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ gây thêm áp lực kinh tế lên Nga nhằm buộc Moscow phải đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng ra tín hiệu rõ ràng hơn về việc sẵn sàng tham gia đàm phán.
Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Zelensky cho biết các khu vực mà Ukraine đang kiểm soát có thể được đưa "vào phạm vi bảo trợ của NATO" như một phần của thỏa thuận nhằm giữ vững biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine. Ông Zelensky sau đó tuyên bố, Ukraine có thể đàm phán để Nga trả lại lãnh thổ cho Kiev "theo cách ngoại giao".
Chuyên gia De Bretton-Gordon nhận định, những bình luận của Tổng thống Zelensky cho thấy "Kursk hoàn toàn là chìa khóa" mặc cả của Ukraine.
Một "kế hoạch chiến thắng" được Tổng thống Zelensky công bố vào tháng 10 năm ngoái cũng kêu gọi Ukraine tiếp tục hoạt động tại Kursk, ám chỉ đến tầm quan trọng của chiến dịch này. Theo chuyên gia De Bretton-Gordon, điều này cho thấy ông Zelensky có thể coi Kursk là "một quân bài mặc cả quan trọng".
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng với việc Tổng thống Trump "gần như chắc chắn" sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán, "việc Ukraine sở hữu quân bài mặc cả này là một lợi thế".
"Điều đó có thể diễn ra thuận lợi cho Ukraine", ông nói.
Vùng Kursk có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, vì đây là một trận chiến quan trọng và là bước ngoặt trong Thế chiến II. Việc kiểm soát được vùng Kursk sẽ mang lại cho Ukraine, quốc gia thường ở thế yếu, một quân bài mà họ có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán.
Cuộc chiến giành lại Kursk
Nga sẽ tiếp tục chiến đấu ở Kursk. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng Moscow sẽ đàm phán.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước cho biết Nga "chưa thấy có căn cứ nào để đàm phán". Tổng thống Putin đã ám chỉ rằng ông không muốn cuộc tấn công chậm lại và không muốn giảm tốc độ.
George Barros, chuyên gia về xung đột tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng chiến dịch Kursk "chắc chắn" đóng vai trò trong các cuộc đàm phán. Nhưng ông dự đoán rằng Nga sẽ tiếp tục chiến đấu, thay vì đàm phán để giành lại Kursk.
Theo ông, việc đàm phán về lãnh thổ của Nga sẽ là một bước lùi đối với Tổng thống Putin.
Nga có những giới hạn nhất định trong cuộc chiến ở Kursk.
Việc Nga tập trung vào Kursk đồng nghĩa với việc phải rút thêm quân khỏi Ukraine. Đây là điều mà Ukraine chờ đợi vì Kiev muốn giảm bớt áp lực cho lực lượng của mình. Điều đó có thể mở ra cánh cửa để Ukraine giành lại nhiều vùng lãnh thổ hơn.
Các cuộc đàm phán có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa mới diễn ra.
Nếu có đàm phán, chúng có thể không diễn ra ngay lập tức và Ukraine sẽ cần phải nắm giữ một phần lớn lãnh thổ Nga để sử dụng Kursk làm quân bài mặc cả.
Ukraine đã thực hiện một đợt tấn công mới ở Kursk trong tháng này. Động thái này "có khả năng sẽ mang lại đòn bẩy ngoại giao cho Kiev", Can Kasapoglu, một chuyên gia về chính trị - quân sự tại Viện Hudson, bình luận.
Nhưng để canh bạc này có lợi cho Ukraine về mặt thời gian, Kiev vẫn cần phải giữ vững lập trường nếu các cuộc đàm phán trở thành hiện thực, kịch bản mà các cố vấn của Tổng thống Trump dự đoán có thể mất nhiều tháng nữa.
Đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng với khả năng các cuộc đàm phán được thảo luận công khai, điều đó khiến chiến dịch Kursk trở nên quan trọng hơn.