1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dự đoán số phận của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong năm 2016

(Dân trí) - Trong 1 năm qua, IS đã gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu. Trước nguy cơ bành trướng của IS tại Syria và Iraq, liên quân do Mỹ đứng đầu và Nga đã không kích riêng rẽ nhằm ngăn chặn nhóm thánh chiến cực đoan này. IS sẽ ra sao trong thời gian tới?

 

Các tay súng của IS (Ảnh: AFP)
Các tay súng của IS (Ảnh: AFP)

Mục tiêu của IS

Các chuyên gia cho rằng IS vẫn sẽ tiếp tục là một thách thức lớn với an ninh toàn cầu trong năm 2016. Xuất hiện ban đầu với tên gọi ISIS hoặc ISIL, nhóm thánh chiến cực doan này nhanh chóng thu hút sự chú ý bằng việc tuyên bố muốn thành lập Nhà nước Hồi giáo, cái tên có nghĩa khẳng định tư tưởng thống trị thế giới Hồi giáo và tham vọng bằng mọi cách để ép buộc 1,6 tỷ người theo đạo Hồi phải phục tùng IS.

Phát triển với xuất phát điểm là một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq, IS nhanh chóng tận dụng cơ hội có được từ cuộc xung đột ở Syria và tình hình bất ổn ở Iraq để phát triển. Sau đó, nhóm thánh chiến cực đoan này tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và thành lập Nhà nước Hồi giáo. Hiện IS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn có diện tích gần bằng bang Connecticut của Mỹ. Đây là một khu vực trải dài từ miền Bắc Syria tới miền Trung Iraq.

Với tư tưởng thánh chiến cực đoan, các tay súng của IS tin rằng chúng sẽ sớm tham gia một trận chiến của "Ngày tận thế" và giành chiến thắng. Năm 2015, IS đã tuyên bố nhắm tới những mục tiêu mới từ Tây Phi tới các thành lớn ở châu Âu. Do vậy, IS chắc chắn vẫn sẽ là một trong những mối nguy với an ninh toàn cầu trong năm tới.

Sự lớn mạnh của IS trong năm 2015

Trong năm 2015, IS đóng vai trò tổ chức xã hội ở những khu vực mà nhóm này kiểm soát. Chúng hoạt động với các chức năng như một chính phủ không được cộng đồng quốc tế công nhận, bao gồm các hoạt động như đăng ký giấy khai sinh tới lưu thông loại tiền tệ riêng và các chiến dịch tuyên truyền. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng thừa nhận rằng các hoạt động của IS chỉ bị ảnh hưởng đôi chút từ chiến dịch không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Trên thực tế, IS đã mở rộng bằng cách thu nhận hoặc hỗ trợ các nhóm khủng bố ở khu vực khác, bao gồm Boko Haram ở Nigeria hay các nhóm cũ của Taliban của Afghanistan. Bên cạnh đó, IS được cho là đã truyền cảm hứng cho những phần tử cực đoan tiến hành các vụ tấn công tàn bạo trong năm qua như vụ đánh bom đềm thờ của người Shiite ở Yemen làm 137 người thiệt mạng, vụ đánh bom nhằm vào máy bay của Nga tại Ai Cập hay các vụ tấn công du khách ở Tuynidi.

Bản đồ ảnh hưởng của IS

2015 là năm IS cho thấy chúng có thể ở mọi nơi trên thế giới, hoặc chí ít tại một số nơi, vẫn những có phần tử hành động theo kiểu "chó sói đơn độc" để khẳng định sự hiện diện của nhóm Thánh chiến cực đoan này. Các vụ tấn công như vậy gần như không thể phát hiện ra trước được, ví dụ như vụ tấn công ở thành phố San Bernardino của bang California. Đây là vụ việc đang tạo ra nhiều khó khăn cho giới chức tình báo Mỹ.

Không chỉ có vậy, quá trình tuyển mộ các tay súng của IS cũng đang được tiến hành ngay tại nước Mỹ qua các hình thức như kêu gọi trực tuyến trên mạng xã hội hoặc từ các cộng đồng. Vấn đề này đang gióng lên hồi chuông báo động cho các lực lượng an ninh Mỹ, gây ra nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch ngăn chặn các vụ tấn công đẫm máu. Ví dụ như vụ tấn công làm cả thế giới bàng hoàng hồi tháng 11 tại Paris. Những vụ tấn công liên tiếp của IS ngay tại một thành phố trung tâm của châu Âu, khiến 130 người thiệt mạng, đã làm rung chuyển cả thế giới.

Điều gì sẽ đến trong năm 2016?

Vụ tấn công ở Pháp có thể sẽ là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống IS trong năm 2016. Các giá trị của thế giới phương Tây đang trở nên mong manh trong cuộc chiến hiện nay, từ những rào cản nhân đạo đối với người nhập cư Syria tới vấn đề mở cửa biên giới giữa các quốc gia Liên minh châu Âu. Chắc chắn rằng IS sẽ phải đối mặt với những cuộc không kích mới và dữ dội hơn từ phương Tây, nhưng việc chỉ phá hủy các cơ sở hạ tầng của IS sẽ không hiệu quả khi hệ tư tưởng của nhóm thánh chiến cực đoan này vẫn đang được truyền bá.

Chiến dịch không kích mà Nga tiến hành ở Syria theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tạo ra những trở ngại mới. Theo đó, có các ý kiến cho rằng chiến dịch của Nga sẽ làm yếu đi các nhóm đối lập ở Syria, qua đó giúp IS có thêm cơ hội giành được những thắng lợi trên bộ.

Tuy nhiên, mọi vấn đề liên quan tới IS không chỉ là "câu chuyện về súng đạn". Khi Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, ngoại giao sẽ đóng vai trò quan trọng nếu khoảng cách giữa các quốc gia tham gia "cuộc chiến ủy thác", như Nga, Iran, Arập Xêút và các nước khác, vẫn chưa được thu hẹp. Giới chức lãnh đạo Mỹ sẽ phải nỗ lực thuyết phục những nhân tố chính liên quan, đặc biệt là cộng đồng người Sunni ở Iraq, đánh đuổi IS khỏi các thị trấn và thành phố của họ. Còn tại Syria, Mỹ vẫn cần thêm nhiều sự ủng hộ để có thể hối thúc các bên có liên quan nhất trí cho một lộ trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Thế giới có thể chưa thể loại bỏ được IS trong năm 2016 vì có quá nhiều vấn đề phức tạp liên quan. Tuy nhiên, nếu Mỹ và Nga không sớm tìm được tiếng nói chung cho vấn đề Syria, cũng như cần phải sớm có sự hỗ trợ để quân đội Iraq ổn định lại tình hình trong nước, IS có thể tiếp tục phát triển thành một trong những nhóm khủng bố đáng sợ nhất của thế kỉ 21.

Ngọc Anh