1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị Bộ trưởng G-20:

Đồng thuận duy nhất trong hàng loạt khác biệt

(Dân trí) - Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nước giàu nhất thế giới G-20 hôm qua đã họp lại ở Horsham, Anh, với đồng thuận đầu tiên và duy nhất đạt được là sẽ tăng một cách đáng kể nguồn tài chính cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đồng thuận duy nhất trong hàng loạt khác biệt  - 1
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner (phải) và Thống đốc ngân hàng trung ương Mexico Guillermo Ortiz tại Horsham, Anh.
 
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính có nguy cơ kéo dài, các bộ trưởng tài chính đã phát đi thông điệp rằng họ sẽ cùng làm việc để tìm phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 80 năm. Thủ tướng Anh Gordon Brown, kêu gọi là “phải cùng nhau làm việc” để đem lại niềm tin. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản, Kaoru Yosano, nói: “Một quốc gia đơn lẻ không thể nào giải quyết nổi cuộc khủng hoảng hiện thời”.

Cuộc họp cũng tập trung bàn về khả năng tăng thêm luật để điều chỉnh hoạt động của ngân hàng. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo rằng một kế hoạch kích thích mà không đi kèm những nỗ lực ổn định khu vực ngân hàng sẽ không mang lại những lợi ích lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu. Hôm 13/3, Thụy Sĩ, Áo, và Luxembourg nói họ sẽ nới lỏng một số điều khoản bí mật hóa hoạt động của ngân hàng. 

Trong bản thông cáo được công bố sau phiên họp, các nước nhóm G-20 tạm thời đặt qua một bên những bất đồng, chủ yếu là giữa châu Âu và Mỹ, về phương cách đối phó với khủng hoảng kinh tế. Nhưng rõ ràng là các bất đồng này vẫn còn tồn tại cho đến cuộc họp thượng đỉnh nhóm G-20 vào đầu tháng tư tại London.

Khác biệt hiển hiện

Các Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương G-20 nhóm họp lần này với hy vọng đồng ý với nhau về nghị trình cho hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20, nhưng những khác biệt về cách giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua xuất hiện ngay trước cuộc gặp.

Mỹ kêu gọi các nước bỏ thêm tiền cứu trợ để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi một số quốc gia tại Âu châu nhấn mạnh đến chuyện cần phải thay đổi các quy tắc hoạt động của thị trường tài chính. Quan điểm của Mỹ, và được Anh hậu thuẫn, là muốn chính phủ các nước, đặc biệt tại lục địa Âu châu, chi tiêu nhiều hơn để đưa kinh tế thoát khỏi cảnh trì trệ

Trong khi đó, các nước châu Âu, vốn lo ngại cho mức thâm thủng ngân sách đã lên khá cao, thiên về giải pháp đưa ra những luật lệ mới để giám sát và điều tiết các thị trường tài chính, và qua đó mới có thể tránh được một cuộc khủng hoảng khác.

Cuối tuần trước, Pháp và Đức cùng lên tiếng kêu gọi phải có biện pháp chống các thiên đường trốn thuế, trong sạch hoá môi trường tài chính. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ ý kiến của các nước châu Âu vì theo ông, các kế hoạch vực dậy kinh tế sẽ nhanh chóng trở nên không hiệu quả nếu như trước đó hệ thống ngân hàng không được cải tổ.

Trong khi đó, giải pháp do Mỹ chủ trương còn được sự ủng hộ của hai quốc gia kinh tế khổng lồ ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

Điểm đồng thuận duy nhất hiện nay của cuộc họp G-20 là phải ồ ạt  tăng cường đóng góp tài chính vào quỹ IMF để quỹ này có phương tiện giúp đỡ các quốc gia gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bốn nước đang nổi lên trên khấu kinh tế thế giới, Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc, chỉ chấp nhận tăng phần đóng góp tài chính vào quỹ IMF ngày nào mà quyền biểu quyết của bốn nước này trong IMF cũng được tăng cường.

Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu vẫn bất đồng về mức tăng nguồn tài chính cho IMF. Châu Âu đề nghị tăng gấp đôi nguồn tài chính của quỹ này lên 500 tỷ USD, trong khi Mỹ muốn tăng lên thành 750 tỷ.

Nhóm G-20 gồm các nước công nghiệp hoá hàng đầu và một số nước đang phát triển, đại diện cho khoảng 85% kinh tế thế giới. Nhóm này gồm các nước Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ảrập Xê-út Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, và EU.

Nguyễn Viết
Tổng hợp