1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Động thái bất thường của tàu Nga giữa "bão" trừng phạt

Thành Đạt

(Dân trí) - Các tàu chở dầu Nga được cho là đã tìm cách giấu hành trình di chuyển, giữa lúc Moscow đang phải đối mặt với đòn trừng phạt chưa từng có của phương Tây.

Động thái bất thường của tàu Nga giữa bão trừng phạt - 1

Tàu chở dầu Nga Louie (Ảnh: BBC).

Theo dữ liệu của Windward, công ty tư vấn Israel chuyên theo dõi rủi ro hàng hải, các tàu chở dầu của Nga đã tắt hệ thống theo dõi ít nhất 33 lần vào tuần trước. Con số này cao gấp đôi so với mức trung bình hàng tuần trong 14 năm qua.

Windward cho biết, các "hoạt động trong bóng tối" của tàu chở dầu Nga chủ yếu diễn ra ở khu vực trong và xung quanh vùng đặc quyền kinh tế nước này.

Luật hàng hải quốc tế yêu cầu các tàu thương mại phải bật hệ thống nhận diện tự động (AIS) khi hoạt động trên biển. Bộ Tài chính Mỹ coi việc vô hiệu hóa hoặc can thiệp vào hệ thống nhận diện của tàu là hành vi gian lận để tránh các lệnh trừng phạt.

"Không có lý do gì khiến họ phải tắt AIS. Việc điều tra một tàu có thực hiện các hành vi vận tải trái phép hay không là điều rất quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp khỏi giao dịch với các thực thể bị trừng phạt", Gur Sender, quản lý chương trình của Windward, cho biết.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ, Anh và các đồng minh đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Điện Kremlin thừa nhận Nga đang trải qua một "cú sốc" kinh tế do các lệnh trừng phạt "chưa từng có" của phương Tây. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga vào ngày 8/3, trong khi cùng ngày, Anh cho biết họ sẽ dừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Cả Mỹ và Anh, cùng với Canada, cũng cấm tàu Nga cập cảng.

Theo Ian Ralby, giám đốc điều hành của công ty tư vấn luật hàng hải và an ninh I.R. Consilium, khi ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp tránh giao dịch thương mại với Nga, đội tàu của Nga sẽ phải chịu sức ép tiến hành các "hoạt động trong bóng tối".

Trong khi Mỹ và Anh đã ban hành lệnh cấm nhập nhiên liệu của Nga, Liên minh châu Âu (EU) lại chia rẽ về vấn đề này vì sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ phía Nga. Việc cấm dầu khí của Nga có thể sẽ khiến giá nhiên liệu tiếp tục tăng phi mã.

Nga đã thông báo thay đổi hợp đồng khí đốt hiện tại, khi yêu cầu các nước trong danh sách "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quyết định này có nghĩa là Nga sẽ loại bỏ tất cả các loại tiền tệ có thể gây tổn hại cho mình trong các thanh toán như vậy.

Ông Putin cho rằng, những thay đổi trong hợp đồng khí đốt với các quốc gia, vùng lãnh thổ không thân thiện sẽ chỉ ảnh hưởng đến đồng tiền thanh toán bị buộc chuyển sang đồng rúp. Giới phân tích cho rằng, động thái này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm gây áp lực đối với phương Tây nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt.

Việc Nga quyết định chỉ nhận thanh toán bằng rúp đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ "không thân thiện" được cho là chủ yếu tác động đến châu Âu, khu vực vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. EU tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng cũng thừa nhận điều này không thể diễn ra trong một sớm, một chiều.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine