1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động lực khiến ông Trump muốn mua Greenland và kênh đào Panama

Bảo Châm

(Dân trí) - Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thẳng thắn bày tỏ ý định mua đảo Greenland và muốn kiểm soát kênh đào Panama phần nào thể hiện quan điểm "Nước Mỹ là trên hết" mà ông vẫn nói bấy lâu nay.

Động lực khiến ông Trump muốn mua Greenland và kênh đào Panama - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Những ngày gần đây, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã kêu gọi khẳng định quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào Panama và đảo Greenland của Đan Mạch. Điều này cho thấy ông Trump muốn khẳng định triết lý "America First" (Nước Mỹ trên hết) của mình.

Trong những ngày qua, ông Trump đã khẳng định rõ ý định mở rộng lãnh thổ của Mỹ, tuyên bố rằng nước này có những mối quan tâm về an ninh và lợi ích thương mại mà chỉ có thể được giải quyết tốt nhất bằng cách đưa kênh đào Panama và đảo Greenland vào quyền kiểm soát hoặc quyền sở hữu hoàn toàn của Mỹ.

Giọng điệu của ông Trump lần này không mang tính nói đùa như những lời đề xuất lặp đi lặp lại trong những tuần gần đây rằng Canada nên trở thành "tiểu bang thứ 51" của Mỹ, bao gồm cả việc ông gọi Thủ tướng đang gặp khó khăn của nước này trên mạng xã hội là "Thống đốc bang Canada Justin Trudeau".

Thay vào đó, khi đề cử một đại sứ mới tại Đan Mạch - quốc gia kiểm soát các vấn đề đối ngoại và quốc phòng của Greenland, ông Trump vào hôm 22/12 đã khẳng định rõ rằng đề nghị mua hòn đảo này.

Dường như ông khao khát Greenland vì vị trí chiến lược của hòn đảo, trong bối cảnh băng ở Bắc Cực tan chảy đang mở ra những cuộc cạnh tranh thương mại và hải quân mới, cũng như vì trữ lượng khoáng sản đất hiếm cần thiết cho công nghệ tiên tiến.

"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cho rằng việc sở hữu và kiểm soát Greenland là một điều hoàn toàn cần thiết", ông Trump viết trên mạng xã hội.

Trước đó, vào tối 21/12, ông Trump đã cáo buộc Panama tăng giá đối với các tàu thuyền của Mỹ đi qua kênh đào và gợi ý rằng nếu điều này không thay đổi, ông sẽ từ bỏ hiệp ước từ thời Tổng thống Jimmy Carter, vốn trao trả toàn bộ quyền kiểm soát khu vực kênh đào cho Panama.

"Các khoản phí mà Panama đang áp đặt là vô lý. Sự "bóc lột" hoàn toàn đối với đất nước chúng tôi sẽ phải chấm dứt ngay lập tức", ông viết, ngay trước khi mức phí dự kiến tăng vào ngày 1/1.

Ông tiếp tục bày tỏ lo ngại rằng kênh đào có thể rơi "vào tay kẻ xấu". Ông Trump rõ ràng muốn ám chỉ Trung Quốc, quốc gia sử dụng kênh đào lớn thứ hai. Một công ty có trụ sở tại Hong Kong hiện kiểm soát hai cảng gần kênh đào, nhưng Trung Quốc không có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với chính kênh đào này.

Không ngạc nhiên khi giới chức Greenland ngay lập tức bác bỏ yêu cầu của ông Trump, như cách họ đã làm vào năm 2019, khi lần đầu tiên ông nêu lên ý tưởng này. "Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán. Chúng tôi không được phép thua trong cuộc đấu tranh lâu dài cho tự do của mình", lãnh đạo Mute B. Egede tuyên bố trong một phát biểu.

Văn phòng Thủ tướng Đan Mạch thận trọng hơn, viết trong một tuyên bố rằng chính phủ "mong muốn hợp tác với chính quyền mới" mà không đưa ra thêm bình luận về phát biểu của ông Trump.

Trong bài phát biểu hôm 22/12, sau khi ông Trump nhắc lại kênh đào Panama, Tổng thống Panama José Rául Mulino phát biểu trong một đoạn video rằng "mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama, và sẽ tiếp tục như vậy. Chủ quyền và độc lập của đất nước chúng tôi không thể thương lượng".

Ông Trump thường ám chỉ rằng ông không phải lúc nào cũng coi chủ quyền biên giới của các quốc gia khác là bất khả xâm phạm. Ví dụ, khi tìm kiếm một thỏa thuận để chấm dứt chiến sự ở Ukraine, ông chưa bao giờ nói rằng biên giới của nước này phải được khôi phục, một yêu cầu quan trọng của Mỹ và NATO. Thay vào đó, ông chỉ hứa một "thỏa thuận" để chấm dứt giao tranh.

Trong trường hợp của Greenland và Panama, cả lợi ích thương mại và an ninh quốc gia đều đang được đặt lên hàng đầu.

Các chuyên gia về Bắc Cực không coi nỗ lực giành Greenland của ông Trump là một trò đùa. "Không nhiều người cười về điều đó nữa", ông Marc Jacobsen, một phó giáo sư tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Đan Mạch chuyên về an ninh Bắc Cực, cho biết.

Ông Jacobsen lưu ý rằng phản ứng ở Đan Mạch đối với đề xuất mới nhất của ông Trump là giận dữ. Nhưng ông cho biết, người dân Greenland có thể tận dụng sự quan tâm của ông Trump như một cơ hội để tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Sự quan tâm của ông Trump có thể tạo ra cơ hội cho Greenland thu hút nhiều đầu tư hơn từ Mỹ, bao gồm cả du lịch hoặc khai thác khoáng sản đất hiếm.

"Liệu có điên rồ không khi Mỹ mua lại Alaska? Có phải điên rồ khi Mỹ xây dựng kênh đào Panama?", Sherri Goodman, cựu quan chức Lầu Năm Góc và là thành viên cấp cao tại Viện Bắc Cực Wilson, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, đặt câu hỏi.

Bà Goodman cho rằng Mỹ thực sự quan tâm đến việc đảm bảo rằng Trung Quốc nói riêng không phát triển sự hiện diện mạnh mẽ ở Greenland.

Tham vọng của Bắc Kinh ở Bắc Cực đã tăng lên, và vào năm 2018, họ đã vạch ra kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các tuyến đường vận chuyển được mở ra bởi biến đổi khí hậu. Bà Goodman cho biết Mỹ nên tiếp tục ngăn chặn Trung Quốc giành được vị thế ở cửa ngõ Bắc Mỹ, nhưng nói rằng người dân Greenland phải tự quyết định số phận của họ.

"Chúng tôi muốn nắm giữ tất cả những lãnh thổ gần với lãnh thổ chính của mình để bảo vệ mình và cũng để ngăn chặn kẻ thù sử dụng chúng gây bất lợi về mặt chiến lược. Tuy nhiên, có luật quốc tế, trật tự và chủ quyền quốc tế, và Greenland vẫn là một phần của Đan Mạch", bà Goodman nói.

Khi nói đến Panama, ông Trump có thể xuất phát từ một lý do cá nhân từ lâu.

Vào năm 2018, cảnh sát Panama đã trục xuất Tổ chức Trump khỏi Khách sạn Trump International ở thành phố Panama sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa gia đình ông và chủ sở hữu lớn nhất của bất động sản. Tên ông Trump sau đó đã bị gỡ bỏ. Công ty đã nắm giữ hợp đồng quản lý bất động sản.

David L. Goldwyn, người từng phục vụ tại Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, lưu ý rằng Greenland có nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác khổng lồ, bao gồm hơn 43 trong số 50 nguyên tố đất hiếm quan trọng được sử dụng để chế tạo xe điện, tua bin gió và các công nghệ sạch khác.

"Chắc chắn, nếu Greenland quyết định khai thác những tài nguyên này, đó sẽ là một sự thay thế đáng kể cho nguồn từ Trung Quốc, mặc dù năng lực chế biến khoáng sản của Trung Quốc mới là yếu tố mang lại cho họ lợi thế hiện tại", ông nói.

Tuy nhiên, ông Goldwyn nói rằng ông Trump có thể nhận thấy cộng đồng người bản địa của Greenland không muốn khai thác mỏ và tài nguyên nhiều như ông.

"Khả năng cao là việc khai thác tài nguyên không thể ép buộc nhóm dân số không mong muốn. Một hướng đi hiệu quả hơn có thể là hợp tác với chính phủ Đan Mạch và người dân Greenland để phát triển các tài nguyên đó một cách an toàn và bền vững", ông nói.

Theo NYT, AFP