Động đất kép cực lớn đã gây ra sóng thần năm 2009
(Dân trí) - Trận sóng thần khủng khiếp tàn phá nhiều hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương vào năm ngoái là do là hai trận động đất lớn gây ra, một nghiên cứu mới đây cho biết.
Đầu tiên, người ta nghĩ rằng một trận động đất duy nhất, mạnh 8,1 richter đã gây ra trận sóng thần vào ngày 29/9 năm ngoái, khiến gần 200 người ở Samoa, American Samoa và Tonga thiệt mạng.
Song, hai nhóm nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu khác nhau hiện cùng đưa ra kết luận rằng, thảm họa sóng thần trên là kết quả của một trận động đất kép cực lớn có cường độ trên 8 richter, hiếm có từ xưa tới nay. Và các trận động đất này xảy ra cách nhau chỉ vài phút.
Ngoài ra, điều đáng chú ý nữa là các trận động đất xảy ra ở trên các đường nứt, gãy hoàn toàn khác nhau.
Các phát hiện trên đã được đăng tải trên tạp chí tự nhiên Nature vào ngày hôm nay.
Khi mặt biển Nam Thái Bình Dương rung chuyển vào năm ngoái, các nhà khoa học mới đầu cho rằng đó là do một trận động đất mạnh 8,1 richter gây nên. Trận động đất này xảy ra do sự uốn cong của bình địa kiến tạo Thái Bình Dương. Song sóng thần đã không đến đúng như thời gian dự báo, và dư chấn cũng không xảy ra xung quanh vị trí trận động đất chính, như vẫn thường thấy. Điều đó chứng tỏ còn có điều gì phức tạp hơn ẩn chứa bên trong.
Sử dụng dữ liệu GPS (định vị toàn cầu) và các quan soát sóng thần sâu dưới đại dương, một nhóm do nhà địa chất học John Beavan thuộc hãng địa chất New Zealand GNS Science dẫn đầu đã đưa ra kết luận rằng: sóng thần năm 2009 thực chất là do 2 trận động đất cực mạnh gây ra.
Hầu hết các trận động đất lớn, có cường độ từ 8,0 richter trở lên, xảy ra ở nơi mà các mảng vỏ trái đất, được biết đến là bình địa kiến tạo, chồng đè lên nhau. Tuy nhiên, trận động đất đầu tiên ở Tonga xảy ra lại cách ranh giới của bình địa kiến tạo gần nhất tới 100km. Đây là trận động đất lớn nhất kiểu này được ghi nhận trong vòng hơn 100 năm qua.
Giáo sư Thorne Lay, đại học California, Santa Cruz, trưởng nhóm nghiên cứu thứ hai, cho rằng trận động đất ở Tonga “không giống như bất kỳ trận động đất nào mà giới địa chấn học từng thấy trước đó”.
Trận động đất “ngoài vị trí” ấy xảy ra là do lớp vỏ trái đất bị kéo cong xuống lớp vỏ khác. Khi bị uốn cong, nó gãy gần ở giữa và phát ra các sóng rúng động hay chính là động đất.
Động đất và sóng thần thường xuyên xảy ra ở Thái Bình Dương. Khu vực này được mệnh danh là “Vòng tròn lửa” do có nhiều núi lửa và là một trong những vùng địa tầng hoạt động mạnh nhất trên thế giới.
Năm 2004, một trận động đất 9,1 richter đã gây ra sóng thần khủng khiếp, khiến khoảng 250.000 người ở 14 nước khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương thiệt mạng.
Phan Anh
Theo AP, BBC