1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động đất cực mạnh gây sóng thần ở Nam Thái Bình Dương

(Dân trí) - Sáng sớm nay (giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh khoảng 8,3 độ richter ở khu vực Nam Thái Bình Dương đã gây ra các đợt sóng thần dữ dội, tàn phá nhiều nhà cửa và làm ít nhất 82 người chết, hàng chục người mất tích tại vùng quần đảo Samoa.

Động đất cực mạnh gây sóng thần ở Nam Thái Bình Dương - 1

Động đất xảy ra lúc gần 1 giờ sáng nay, 30/9 (giờ Việt Nam)
 
*Tiếp tục cập nhật
 
Trận động đất xảy ra vào sớm ngày 29/9 giờ địa phương (gần 1 giờ sáng nay giờ Việt Nam), có cường độ khoảng từ 8 độ đến 8,3 độ, với tâm chấn nằm dưới lòng biển hơn 30km, cách American Samoa, một lãnh thổ của Mỹ với 65.000 dân, 190km và cách quốc gia Samoa, hay còn gọi là Tây Samoa, 200km.

Xe cộ, người bị cuốn trôi ra biển khi những đợt sóng cao ập đến, trong khi những người sống sót bỏ chạy trên những khu đất cao và ở đó nhiều giờ sau. Mất điện, mất liên lạc khiến giới chức ở những vùng gặp nạn khó đánh giá được mức độ thương vong cũng như thiệt hại. 

Chỉ huy lực lượng cảnh sát Samoa Lilo Maiava cho biết, cảnh sát đã khẳng định 63 người chết. Và giới hữu trách vẫn đang tìm kiếm các khu vực bị tàn phá, vì vậy con số này còn tiếp tục tăng. Hàng trăm người bị thương đang được các nhân viên y tế chữa trị.

“Tôi nghĩ không ai là không bị ảnh hưởng bởi thảm họa này”, quyền thống đốc American Samoa, ông Faoa A. Sunia, cho hay.

Mike Reynolds, người quản lý Công viên quốc gia American Samoa, cho hay những đợt sóng thần cao từ 3,7m-4,5m, ầm ầm kéo vào bờ biển ngay sau động đất, tiến sâu vào đất liền tới 1,6km. Holly Bundock, người phát ngôn của Dịch vụ công viên quốc gia của vùng Tây Thái Bình Dương ở Oakland, California cho hay Reynolds đã thông báo tình hình với các quan chức dưới một cây dừa bị bật gốc ở Vịnh Pago Pago, thủ phủ của American Samoa. Được biết trung tâm khách tham quan và các văn phòng khác của công viên đã bị phá huỷ. 

Theo Bundock, người quản lý Reynolds và các nhân viên phục vụ khác trong công viên chỉ có thể xác định nơi trú ẩn của 20% trong tổng số 13-15 nhân viên cùng 30-50 tình nguyện viên của công viên.  

Người dân ở cả Samoa và American Samoa được biết đã bị đánh thức bởi trận động đất kéo dài tới 2 đến 3 phút. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã đưa ra lệnh cảnh báo chung từ American Samoa tới New Zealand, trong khi Tonga cũng chịu tổn thất bởi những đợt sóng cao tới 4m. 

Mase Akapo, nhà khí tượng học của Trung tâm thời tiết quốc gia ở American Samoa cho hay ít nhất 19 người thiệt mạng ở 4 làng khác nhau trên hòn đảo chính Tutuila, trong khi 20 người chết ở khu vực Samoa lân cận. Trận động đất ban đầu kéo theo ít nhất 3 đợt dư chấn mạnh ít nhất 5,6 độ. 

Theo ghi nhận của phóng viên AP, khoảng 20 xác nạn nhân được đưa tới một bệnh viện ở thị trấn Lalomanu trên bờ biển phía nam của đảo chính Upolu và bờ biển du lịch xung quanh bị san phẳng. 

Một số lượng chưa xác định những người bị chết và bị thương được ghi nhận ở làng Talamoa của Samoa. Được biết làng ven biển Sau Beach Fale đã bị san phẳng.

Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã phát cảnh báo sóng thần trên toàn khu vực Nam châu Á - Thái Bình Dương, từ American Samoa cho tới New Zealand. New Zealand cũng ra cảnh báo sóng thần riêng. Những cảnh báo này đã được rút lại vài giờ sau đó.

Trước đó, Cơ quan Quản trị Đại dương và Khí quyển quốc gia của Mỹ cũng đã cho công bố một cảnh báo về sóng thần đối với Hawaii, New Zealand và những đảo nhỏ khác tại Thái Bình Dương.
 
Năm 2004, một cơn sóng thần ở châu Á đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người ở khắp 11 nước.
 

American Samoa hay còn gọi là Samoa thuộc Mỹ là một lãnh thổ của Hoa Kỳ nằm ở Nam Thái Bình Dương, phía đông nam quốc gia có chủ quyền Samoa.

Samoa, tên chính thức Nhà nước Độc lập Samoa, (Việt Nam vẫn quen gọi là Tây Samoa) là một quốc gia nằm ở phía Tây Quần đảo Samoa, thuộc Nam Thái Bình Dương. Trải qua nhiều thời kỳ, quần đảo này có các tên gọi khác nhau (do bị chia cắt): Samoa: 1900 - 1919 và Tây Samoa: 1914 – 1997. Ngày 15 tháng 12 năm 1976, đảo quốc Samoa chính thức được Liên Hiệp Quốc công nhận chủ quyền.

Phan Anh - Trà Giang
Theo AP, Reuters