“Dòng chảy phương Nam”: Đòn "nắn gân" của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Ngay từ đầu, “Dòng chảy phương Nam” đã mang màu sắc chính trị nhiều hơn kinh tế. Việc Nga quyết định “khai tử” dự án do bị châu Âu gây khó dễ càng thể hiện rõ hơn điều này. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, đây còn là đòn "nắn gân" của nhà lãnh đạo Nga.
Dự án “Dòng chảy phương Nam” được Tổng thống Putin “thai nghén” từ năm 2007 với sự ủng hộ của “người bạn” Ý lúc đó là Thủ tướng Silvio Berlusconi. Dự án được chính thức khởi động từ tháng 12/2012 với tổng chiều dài thiết kế 3.600 km nhằm vận chuyển khí đốt từ Siberia đi vòng qua Ukraine đến châu Âu theo hai nhánh: một hướng tới Áo và một dẫn sang Balkan và Ý.
Dự án đáng lẽ sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2016 trước khi đạt công suất cực đại vào năm 2018, cho phép vận chuyển 63 tỷ m3 khí đốt/năm cho các nước ở Trung và Nam Âu.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng này, Tổng thống Putin đã đột ngột tuyên bố ngừng dự án dù việc xây dựng đường ống đã đi được gần một nửa chặng đường. Lý do được nhà lãnh đạo Nga đưa ra là Ủy ban châu Âu (EC) ép Bulgaria không cấp phép xây dựng cho Nga suốt từ tháng 6 tới nay dù đoạn đường ống đã được triển khai đến phần đi vào lãnh thổ Bulgaria.
Khi đưa ra tuyên bố trên, nhà lãnh đạo Nga đã quyết định đánh cược số phận của dự án “Dòng chảy phương Nam” với Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Mátxcơva về việc ngừng “Dòng chảy phương Nam” mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn thực tế. Đây là một phần của trò chơi “địa chính trị lớn hơn để buộc châu Âu phải quay trở lại bàn đàm phán và suy ngẫm thấu đáo về tương lai của “xa lộ khí đốt” này.
các chính phủ châu Âu vốn đang rất cần nguồn năng lượng của Nga trong mùa Đông giá rét nhưng lại đối đầu không khoan nhượng với Mátxcơva trong vấn đề Ukraine. Xét trên bình diện chung, việc ngừng dự án “Dòng chảy phương Nam” gây hại cho châu Âu nhiều hơn cho Nga.
Thứ nhất về chi phí xây dựng. Tổng chi phí xây dựng đường ống là 32 tỷ Euro, trong đó Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga góp 50%, tập đoàn Eni của Ý 20%, Wintershall của Đức 15% và GDF của Pháp 15%. Do tỷ lệ đầu tư xây dựng được chia đều cho Nga và châu Âu nên việc ngừng dự án sẽ gây thiệt hại danh nghĩa cho hai bên như nhau. Tuy nhiên, nếu xét về tác động toàn diện thì việc ngừng dự án rõ ràng gây thiệt hại cho phía châu Âu nhiều hơn, do sẽ làm mất cơ hội việc làm của hàng chục nghìn người lao động châu Âu, đồng thời đẩy các tập đoàn châu Âu vào tình thế khó khăn trong bối cảnh kinh tế khu vực vẫn chưa phục hồi.
Thứ hai về vấn đề an ninh năng lượng. Trước khi ngừng dự án này, nước Nga đã kịp ký với Trung Quốc hai hợp đồng năng lượng “khủng” (cung cấp gần 70 tỷ m3 khí đốt/năm) để bù đắp những thiếu hụt từ thị trường châu Âu do lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đem lại. Ngoài ra, để thay thế cho dự án vừa bị hủy bỏ, Tổng thống Putin cũng đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận xây dựng tuyến đường ống dẫn ngầm dưới biển kết nối với trung tâm khí đốt nằm trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để cung cấp khí đốt cho khu vực Nam Âu.
Trong khi đó, với những nước châu Âu mà dự án đi qua, ngừng dự án đồng nghĩa với việc các nước này sẽ một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ trải qua một mùa đông thiếu lửa như đã từng xảy ra năm 2009, khi Kiev chặn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu do bất đồng về giá cả và cước phí vận chuyển. Rõ ràng, EU đang tự làm tổn thương chính mình khi cố tình cản trở dự án của Nga.
Thứ ba về ý nghĩa chính trị. Khi tuyên bố ngừng dự án, Tổng thống Putin đã tung ra được đòn phản công ngoạn mục trước các lệnh trừng phạt trước đó của phương Tây. Không chỉ thế, ông Putin còn giúp nước Nga giảm được áp lực chi ngân sách trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc mạnh và kinh tế Nga gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Đổi lại, ở châu Âu, những phản ứng vội vàng, thiếu nhất quán, thậm chí đối lập của các nhà lãnh đạo trong khu vực này cho thấy họ đang thực sự lúng túng trước quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin. Tổng thống Bulgaria, Áo và Serbia đều đã lần lượt kêu gọi EC tìm cách nối lại “Dòng chảy phương Nam” do không muốn bị mất đi khoản thu nhập khổng lồ (lên tới 400 triệu USD mỗi năm) từ tiền phí trung chuyển khí đốt, cũng như hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân.
Với những phân tích ở trên, có thể thấy việc chấm dứt dự án “Dòng chảy phương Nam” trước mắt sẽ gây tổn thất cho châu Âu nhiều hơn Nga, trong đó thua thiệt nhất là những nước ở Trung - Nam Âu và các quốc gia có đường ống đi qua. Tuy nhiên xét về lợi ích lâu dài, cả Nga và châu Âu đều cần đến sự vận hành của “xa lộ khí đốt” quan trọng này, nên nhiều khả năng đây chỉ là đòn nắn gân của nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn của nước Nga đối với phương Tây, một trong những thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga, luôn khát năng lượng giá rẻ từ Nga và đang trầy trật phục hồi tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm suy thoái.
Đức Vũ