1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sẵn sàng từ bỏ dự án "Dòng chảy phương Nam" trị giá 40 tỷ USD

(Dân trí) - Trước những trở ngại do Liên minh châu Âu (EU) tạo ra, Nga sẵn sàng từ bỏ dự án "Dòng chảy phương Nam" trị giá 40 tỷ USD. Đây là tuyên bố được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra khi tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp nga Vladimir Putin.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp nga Vladimir Putin.
 
Ngày 1/12, Tổng thống Putin đã tới thủ đô Ankara, thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Tayyip Erdogan, Tổng thống Putin cho biết Mátxcơva sẽ tăng lượng khí đốt cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hệ thống đường ống hiện nay và hai bên có thể thảo luận về xây dựng một hệ thống đường ống hiện đại mới.

Ngoài ra, Tổng thống Nga tuyên bố thái độ phản đối của EU với dự án "Dòng chảy phương Nam", vốn chạy qua Hắc Hải tới Bulgaria rồi đến các nước ở Nam Âu, đồng nghĩa với việc Mátxcơva sẵn sàng huỷ bỏ dự án này.

Ông Putin cho rằng sức ép từ EU đã làm thay đổi thái độ của Bulgaria: "Có hợp lý không khi chúng tôi đầu tư hàng trăm triệu USD cho một hệ thống chạy toàn bộ dưới Hắc Hải rồi sau đó tới thẳng Bulgaria? Nếu châu Âu không muốn công nhận hệ thống đó, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận".

Về phần mình, Tổng thống Erdogan đã ca ngợi mối quan hệ giữa nước này với Nga song khi nhắc tới dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn mới, ông chỉ cho biết rằng phía trước còn nhiều trở ngại.

Sau cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 5 Hội đồng Hợp tác cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ - Nga. Hai bên tìm cách để Thổ Nhĩ Kỳ tăng quy mô và khối lượng xuất khẩu thực phẩm sang Nga sau khi Mátxcơva quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngoài ra, hai bên cũng ký kết một số thoả thuận hợp tác kinh tế khác.

Thời gian qua, Nga đối diện với nhiều sức ép từ thái độ cô lập và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy vậy, Mátxcơvavẫn muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu khí đốt tới thị trường châu Âu qua lãnh thổ Ukraine và đang nỗ lực tìm những đối tác mới giúp vận chuyển khí đốt. Trong khi đó, Tổng thống Edorgan coi mối quan hệ với Nga là công cụ quan trọng để nâng vị thế của Ankara trên trường quốc tế cũng như thúc đẩy kinh tế trong nước.

Ngọc Anh
Tổng hợp