Đòn "rung dọa" của Ankara
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 4 chiếc tàu của Nga trên Biển Đen gần cảng Samsun được xem là hành động “rung dọa” của Ankara sau khi Matxcơva áp dụng các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ do đã bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu Su-24.
Xuồng cao tốc của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại cảng Samsun gần nơi tạm giữ 4 tàu của Nga
Hãng thông tấn Ihlas của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-12 đưa tin, lực lượng chức năng nước này đã tạm giữ 4 tàu treo cờ Nga gần cảng Samsun ở miền Bắc nước này nằm bên bờ Biển Đen với lý do “thiếu giấy tờ”. 3 trong số 4 tàu này đã được phép rời Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ cần thiết, song chiếc tàu thứ tư vẫn đang bị giữ lại tại cảng Samsun.
Đáng chú ý là việc Thổ Nhĩ Kỳ gây khó dễ cho các con tàu của Nga trên Biển Đen xảy ra sau khi Nga bắt giữ 5 tàu của Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra tại cảng Novorossiysk, cảng lớn nhất của Nga và cảng lớn thứ năm của châu Âu nằm trên Biển Đen, vào tuần trước. Tuy nhiên, toàn bộ các tàu này của Thổ Nhĩ Kỳ đều đã được Nga thả cho đi ngay sau đó.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bắt giữ tàu biển của nhau diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rất căng thẳng sau khi máy bay tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay cường kích Su-24 của Nga đang thực hiện nhiệm vụ không kích vào lực lượng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 24-11 vừa qua. Phía Nga đã gọi việc bắn rơi chiếc Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ là hành động “đâm sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố” của Ankara.
Trong khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ phải hối hận về những gì họ đã làm”, Nga đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara. Theo quyết định có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 được Thủ tướng Dmitry Medvedev ký ban hành, Nga sẽ đình chỉ hoạt động của Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác kinh tế-thương mại; cấm tuyển lao động Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Nga; đình chỉ hiệp định về quy chế miễn thị thực giữa hai nước; cấm nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp như nho, táo, cam quýt, mận, cà chua, bắp cải, dưa chuột, thịt gà...
Giới quan sát cho rằng, việc Nga tiến hành các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau hành động “đâm sau lưng” bắn rơi chiếc Su-24 là điều khó tránh khỏi sau khi Ankara nhất quyết không chịu ngỏ lời xin lỗi và “bồi thường thỏa đáng” theo yêu cầu của Matxcơva. Những biện pháp trừng phạt này được cho sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong các tuyên bố chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra khá mềm mỏng khi bày tỏ mong muốn không làm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ song phương, đồng thời sẽ không đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế của Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Ankara chắc sẽ có những phản ứng để Nga thấy rằng họ không ngồi yên chịu trận.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ 4 chiếc tàu Nga tại cảng Samsun nằm sát Biển Đen được cho là tín hiệu “rung dọa” về đòn trả đũa của Ankara, bởi trước đó những hành động tương tự của nước này với tàu Nga là rất hãn hữu. Điều này sẽ cảnh báo Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nằm án ngữ trên eo biển Bosphorus thông từ Biển Đen ra Địa Trung Hải để từ đây đi các đại dương khác trên khắp thế giới, trong khi cảng Novorossiysk nằm bên bờ Biển Đen là cảng quanh năm không đóng băng, tiếp nhận 4.500 lượt tàu bè và lượng hàng hàng hóa qua lại khoảng 150 triệu tấn mỗi năm.
Theo Hoàng Hà
An ninh thủ đô