1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Moscow: Mở eo Bosphorus bằng tên lửa, thì Istanbul sẽ không còn

Các chuyên gia Nga/Liên Xô cho biết, đóng cửa eo biển Bosporus chỉ là chiêu bài dọa dẫm của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Moscow sẽ có biện pháp khắc chế.

Vai trò quan trọng của eo biển Bosphorus

Sau vụ tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga và những phản ứng cứng rắn của ban lãnh đạo Nga, đã xuất hiện những ý kiến ước đoán về bước hành động từ phía Thổ Nhĩ Kỳ - nhà báo Dmitry Sergeyev của kênh truyền hình Zvezda của Nga cho biết.

Trong số những biện pháp mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng để gây sức ép lên Nga, tiêu biểu nhất là hành động áp đặt hạn chế tàu thuyền Nga (gồm cả tàu Hải quân) đi qua Bosporus - eo biển nối Biển Đen và Địa Trung Hải, hoặc nghiêm trọng hơn là khóa hẳn eo biển này đối với Nga.

Theo một số nhà phân tích, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hành động như vậy khi không còn giải pháp nào khác để "ép" Nga lại “làm bạn” như trước.

Eo Bosphorus là một trong những tuyến hàng hải thế giới vô cùng quan trọng. Eo biển dài 30km, ở một số đoạn lại có bề rộng chưa tới 700 mét, với thành phố Istanbul rộng lớn và cổ kính nằm vắt qua hai bên bờ eo biển.

Đối với loạt quốc gia Đông Nam Âu, Ngoại Kavkaz và Ukraine, đây là ngả đường duy nhất để tiếp cận các đại dương thế giới. Bosphorus là một động mạch hàng hải rất quan trọng của Nga, đồng thời cũng là lối đi duy nhất của Hạm đội Biển Đen Nga ra vào Địa Trung Hải.

Hoạt động lưu thông trên eo biển Bosphorus diễn ra không ngừng suốt ngày đêm và rất phức tạp. Tốc độ dòng chảy qua Bosphorus lên đến 10km/giờ, thời tiết bất ngờ thay đổi vào mùa đông và mùa thu kèm theo sóng lớn trên biển.

Moscow: Mở eo Bosphorus bằng tên lửa, thì Istanbul sẽ không còn - 1

Các chuyên gia bàn luận về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus

Không ngẫu nhiên khi cơ quan hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ thường cung cấp dịch vụ hoa tiêu cho các tàu. Thổ Nhĩ Kỳ còn hưởng lợi từ nhiều loại dịch vụ khác, ví dụ phí đèn chiếu có thể lên đến 1.000 USD tùy thuộc vào hạng mục tàu.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm toàn quyền trên eo biển Bosphorus nhờ vị trí địa lý độc đáo là lãnh thổ của họ vắt qua 2 bờ eo biển, làm nên một yếu tố đặc biệt.

Từ thế kỷ trước, qui chế của Bosphorus đã được củng cố bằng Công ước Montreux 1936, qui ước đặc quyền sử dụng eo biển của Nga và các nước ở trên bờ Biển Đen.

Theo tài liệu, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể đóng cửa Bosporus trong trường hợp có tuyên chiến chính thức, nhưng cũng chỉ áp dụng với các tàu chiến và vào ban đêm, hoặc trong tình huống nước này là một bên tham chiến với các quốc gia có tàu thuyền muốn đi qua eo biển.

Tuy nhiên, vào năm 1994, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự mình thông qua cái gọi là Quy tắc Hải vận tại các eo biển. Tài liệu đơn phương công bố này cho phép nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm quyền lợi của các quốc gia khác trong hoạt động hàng hải qua eo biển Bosphorus và Dardanelles, nhờ sử dụng những định nghĩa và diễn giải lan man, rườm rà.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov đã gọi khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu thuyền Nga qua các eo biển nối thông Biển Đen là "kịch bản ngày tận thế". Nhưng ông cũng lưu ý rằng, "hành động của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là khó dự đoán".

Thổ Nhĩ Kỳ không thể tự ý đóng cửa eo biển

Trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước đang gia tăng sau vụ Su-24, một câu hỏi được đặt xảy ra là, liệu sự cắt đứt liên lạc về hợp tác quân sự và những đòn trừng phạt kinh tế mà Moscow mới áp đặt với Ankara có thể khiến nước này đóng cửa eo biển Bosphorus đối với tàu thuyền của hải quân Nga hay không?

Cựu Tư lệnh Hải quân Nga và Tư lệnh Hạm đội biển Đen, Đô đốc Viktor Kravchenko cho biết, theo nội dung Công ước này, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đóng eo biển, ngăn cản, không cho tàu quân sự của nước ngoài đi qua, chỉ trong trường hợp công bố chiến tranh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, triển vọng phong tỏa eo biển trước các tàu quân sự và dân sự Nga là khó xảy ra bởi Ankara còn phải chịu rất nhiều chế ước quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám sử dụng biện pháp như vậy bởi nguy cơ những hậu quả khủng khiếp đến với họ.

Bosphorus là một eo biển có chiều dài 31 km, ngăn cách giữa châu Á và châu Âu. Nó có chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc (từ Biển Đen ra) và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari; độ sâu dao động trong khoảng 36 - 124m tính theo giữa luồng.

Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có trên 50.000 lượt tàu qua lại giữa biển Marmara và biển Đen.

Moscow: Mở eo Bosphorus bằng tên lửa, thì Istanbul sẽ không còn - 2

Eo biển Bosphorus là điểm yếu lớn nhất đối với hải quân Nga

Nếu Ankara bất chấp tất cả để đóng cửa eo biển này, không những vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống an ninh quốc tế đã được xây dựng vun đắp trong nhiều thập kỷ. Các chuyên gia nhận định rằng, đóng cửa eo biển là động thái nhảy vào cuộc xung đột quân sự trực tiếp.

NATO cũng khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và để tàu quân sự và dân sự Nga qua lại các eo biển. Khối này cũng không bao giờ chấp nhận kịch bản bị lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự với Nga bởi một hành động điên rồ của Ankara.

Hiện nay, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay Su-24 Nga khiến cả nước Nga căm phẫn nhưng Moscow cư xử rất đúng với luật lệ quốc tế, không đáp trả hoặc đe dọa đáp trả bằng hành động quân sự với Ankara, mặc dù các nguyên thủ nước này đang liên tiếp tung ra những ngôn từ thách thức Nga.

Do đó, nếu Ankara cứ cố chấp, tìm đủ mọi cách để gây khó dễ cho Nga thì chính nước này sẽ bị cộng đồng quốc tế lật mặt và không cho phép làm điều đó. Hơn nữa, Moscow cũng không thiếu những biện pháp đối phó.

Nhà báo Dmitry Sergeyev cho rằng, Nga sẽ không cho phép một ai vi phạm công ước quốc tế, đóng cửa các eo biển chỉ bởi đó là sự đỏng đảnh của họ. Đó là việc làm nghiêm trọng hơn nhiều một chiếc máy bay bị bắn rơi, khởi đầu cho một kịch bản hoàn toàn khác, có thể dẫn đến chiến tranh quân sự.

Nga đối phó thế nào trong tình huống Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus?

Xét lại công ước Montreux 1936

Năm 1936, Công ước Montreux được ký kết giữa các nước Australia, Anh, Bulgaria, Pháp, Nhật, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Nam Tư, Italia, nhằm xác lập chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tại các eo biển Bosporus và Dardanelles, đồng thời duy trì nguyên tắc tự do đi lại và giao thông trên biển.

Công ước này có thời hiệu trong vòng 20 năm, nếu sau 20 năm không có quốc gia nào trong số 10 nước ký công ước đòi xét lại và không có quốc gia nào khác khiếu nại thì công ước sẽ tự động gia hạn.

Nếu cần thiết, Nga sẽ lấy tư cách người kế thừa của Liên Xô đề nghị thay đổi các điều khoản của Công ước Montreux 1936. Khi đó, một ủy ban hỗn hợp bao gồm các nước tham gia ký Công ước sẽ được thành lập để xét lại các điều khoản của nó nên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tự tung, tự tác được.

Hiện diện quân sự thường trực ở Địa Trung Hải.

Hiện nay, Nga chỉ có căn cứ bảo đảm hải quân ở cảng Tartus của Syria, các tàu chiến nước này chỉ được phép vào cảng nếu có hoạt động sửa chữa hay tiếp liệu, còn bình thường, các chiến hạm của Hạm đội biển Đen phải “lang thang” trên Địa Trung Hải.

Đó cũng là nguồn cơn của việc Hạm đội biển Đen phải thường xuyên thay quân và buộc phải đi qua 2 eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu nước này tìm cách gây hấn ngăn chặn chiến hạm của Nga ra vào Địa Trung Hải, Moscow sẽ tìm kiếm một giải pháp lâu dài là xây dựng các căn cứ quân sự thường trực ở đây.

Moscow: Mở eo Bosphorus bằng tên lửa, thì Istanbul sẽ không còn - 3

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 đã gây ra những hậu quả khôn lường

Moscow có thể khôi phục tiểu hạm đội Địa Trung Hải như dưới thời Liên Xô, bao gồm đủ lực lượng tàu tác chiến và bảo đảm ở Địa Trung Hải. Các kho hậu cần tiếp vận có thể được xây dựng và dự trữ sẵn ở Syria và đảo Síp, không phải lo lắng về tiếp tế hậu cần trong tình huống khẩn cấp.

Hỗ trợ các lực lượng người Kurd chống phá Ankara

Đây là một biện pháp mà không một quan chức quân sự hay một học giả nào của Nga công khai đề cập đến nhưng rất nhiều người tin rằng, trong tình huống xấu nhất Nga có thể sử dụng đến biện pháp mà phương Tây cho rằng Moscow đã từng áp dụng ở Ukraine.

Một số nhà bình luận phương Tây cho rằng, trong tình huống Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm nhốt Hạm đội biển Đen trong “ao làng”, Nga có thể hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd chống phá chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara phải nhượng bộ.

Hiện ở khu vực Trung Đông đang tồn tại 3 tổ chức vũ trang rất mạnh của người Kurd là Đảng công nhân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (PKK), tổ chức Tự Vệ Nhân Dân Người Kurd (YPG) ở Syria và lực lượng dân quân Kurd ở bắc Iraq (Peshmerga), thuộc Khu tự trị người Kurd (KRG).

Moscow có thể hỗ trợ PKK tiến hành đấu tranh vũ trang ở bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, hậu thuẫn cho YPG lập khu tự trị Kurd ở bắc Syria, áp sát biên giới nước này, đề xuất Iraq nhân nhượng lực lượng Peshmerga để chống phá Ankara - đối thủ mà Baghdad cũng không ưa.

Moscow: Mở eo Bosphorus bằng tên lửa, thì Istanbul sẽ không còn - 4

Cựu quan chức Liên Xô cho rằng, khi không còn cách nào khác, Nga sẽ dùng biện pháp quân sự để “nối thông” eo biển Bosphorus

Nếu thuận lợi, Moscow có thể giúp đỡ hợp nhất 3 lực lượng vũ trang (hoặc ít nhất cũng được 2 tổ chức là YPG và PKK) thành 1 tổ chức quân sự cực mạnh, khiến Ankara mất ăn mất ngủ, không còn tâm trí đâu mà chống Nga nữa.

Với những gì đã xảy ra ở Ukraine, mặc dù Nga luôn khăng khăng phủ nhận nhưng không ai dám chắc là Moscow sẽ không thực hiện biện pháp này.

Sử dụng biện pháp quân sự mang tính hủy diệt

Phương án này có thể được Nga cân nhắc nhưng chỉ trong những trường hợp cực kỳ khẩn thiết, ví dụ như chiến hạm Nga bị tấn công ở Địa Trung Hải và nhóm quân Nga ở Syria bị tấn công, mà Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết ngăn cản không cho chiến hạm Nga đi qua eo biển Bosphorus.

Ngày 6-12 vừa qua, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liên xô Andrei Gromyko đã có dịp phát biểu thẳng thừng về "chiêu bài eo biển" của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố, Ankara đừng đùa với Nga. Moscow đang nhẫn nhịn nhưng không cho phép một nước nào được giỡn mặt.

Ông Gromyko cảnh cáo, để bơi sang Địa Trung Hải là điều quá dễ dàng, Hạm đội Biển Đen chỉ cần bắn vài loạt tên lửa là xong. Làm như vậy sẽ xuất hiện thêm các luồng lưu thông khác, ngoài eo biển Bosphorus, nhưng đáng tiếc là khi đó, đô thị cổ kính Istanbul sẽ không còn tồn tại.

Tuy nhiên, biện pháp này chỉ sử dụng khi cực kỳ cần thiết, không còn phương án nào thay thế được.

Theo Thiên Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm