1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Đòn" khủng bố giáng vào kinh tế Thái Lan

Du lịch - ngành “công nghiệp không khói” mũi nhọn của nền kinh tế Thái Lan - đã lập tức chịu tác động nghiêm trọng sau vụ đánh bom làm rung chuyển Thủ đô Bangkok của nước này tối 17-8.

"Đòn" khủng bố giáng vào kinh tế Thái Lan - 1

Du khách đến cầu nguyện khi đền Erawan mở cửa trở lại ngày 19-8 sau vụ đánh bom cách đó 2 ngày

Lực lượng an ninh Thái Lan vẫn đang ráo riết truy tìm thủ phạm vụ đánh bom ở khu vực điện thờ Erawan của các tín đồ Hindu nằm ở trung tâm Thủ đô Bangkok tối 17-8 vừa qua làm ít nhất 20 người thiệt mạng và 120 người bị thương. Do chưa bắt được thủ phạm nên hiện chưa biết chính xác động cơ, mục đích của những kẻ tiến hành vụ đánh bom, song có thể thấy khá rõ, vụ tấn công khủng bố này là một đòn giáng nặng nề vào ngành du lịch - hiện đang là một mũi nhọn của kinh tế Thái Lan.

Có lẽ những kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố tối  17-8 vừa qua đã tính rất kỹ khi chọn Erawan là mục tiêu đặt bom bởi đây không chỉ là ngôi đền nổi tiếng của người theo đạo Hindu mà còn nằm đối diện với Central World, một trong những khu thương mại lớn nhất thế giới, ở trung tâm sầm uất của Thủ đô Bangkok. Thời điểm xảy ra vụ nổ bom, vào khoảng 19h  là lúc ngôi đền có nhiều người nhất, trong đó có cả du khách quốc tế đến để xem biểu diễn múa truyền thống.

Thế nên, các quan chức chính phủ nước này đã cho rằng, những kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố có thể nhằm nhiều mục đích, song chắc chắn mục đích phá hoại nền kinh tế là một ưu tiên hàng đầu. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đã ngay lập tức khẳng định, thủ phạm vụ đánh bom đền Erawan muốn nhằm vào nền kinh tế và ngành công nghiệp du lịch Thái Lan.

Giới phân tích kinh tế cũng có chung nhận định như quan chức Chính phủ Thái Lan khi ông Andrew Stotz, Giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu đầu tư Stotz có trụ sở tại Bangkok, cho rằng vụ nổ bom xảy ra đúng vào cao điểm mùa du lịch nên có thể gây thiệt hại đến ngành kinh tế mũi nhọn vốn chiếm tới 8,5% GDP của Thái Lan. Giới kinh tế nhận định, tình hình bất ổn có thể khiến lượng du khách đến Thái Lan giảm, đặc biệt khách Trung Quốc. Năm 2014, khoảng 4,6 triệu khách Trung Quốc đến Thái Lan với mức chi tiêu trung bình 5.500 baht (155 USD)/ngày, nhiều hơn so với mức trung bình của du khách đến từ các nước châu Âu.

Đánh vào ngành du lịch chính là giáng đòn chí mạng vào nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Thái Lan khi chính cơ quan chính sách của nước này cùng ngày 17-8 đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ mức 3-4% trước đây xuống còn 2,7-3,2%. Khi tốc độ kinh tế tăng trưởng chậm lại, Thái Lan đã trông đợi vào ngành công nghiệp mũi nhọn du lịch để vực dậy cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, Thái Lan đang tìm mọi cách để trấn an khách du lịch nước ngoài, trong đó Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã mở cửa trở lại ngôi đền Erawan từ ngày 19-8 trong sự hỗ trợ an ninh của cảnh sát. Trong khi đó, các địa điểm du lịch trọng yếu khác ở Thủ đô Bangkok cũng như tại Thái Lan nói chung cũng đã được gia tăng mức độ kiểm soát an ninh để đảm bảo nước này vẫn là một điểm đến an toàn cho du khách quốc tế.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh Thủ đô

"Đòn" khủng bố giáng vào kinh tế Thái Lan - 2