1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bí ẩn đằng sau vụ đánh bom Bangkok

Quy mô vụ đánh bom ở Bangkok tối ngày 17/8 khủng khiếp tới mức nó không thể mang động cơ chính trị trong nội bộ Thái Lan.

Đó là nhận định của nhà phân tích Pavin Chachavalpongpun. Hãng tin BBC đưa ra một số đánh giá của vị chuyên gia này về diễn biến bạo lực mới ở Thái Lan:

Manh mối từ ngôi đền mục tiêu

Nhiều người có thể bỏ qua nơi quả bom phát nổ nhưng thực sự nó có thể cung cấp một manh mối then chốt.

Đền Erawan là một địa điểm nổi tiếng, thu hút rất nhiều du khách trên thế giới. Và nếu một kẻ thực sự muốn gây thiệt hại ở mức cao nhất thì nơi này chính là một mục tiêu.

Thái Lan, Bangkok, bom, tấn công, bí ẩn

Đền Erawan ở trung tâm Bangkok thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài Thái Lan.

Nhưng Thái Lan theo văn hóa Phật giáo, đánh giá cao sự khoan dung tôn giáo. Một nơi như đền Erawan không phải kiểu mục tiêu mà một tổ chức phiến quân nào đó bên trong nước này lựa chọn. Do vậy, rất có thể kẻ đứng sau vụ đánh bom không phải là người Thái.

Một nhận định như trên không đồng nghĩa với việc chỉ tay về phía các đức tin khác, mà đơn thuần chỉ là lập luận rằng, nếu như nói về chính trị trong nước thì đền Erawan không phải là nơi mà thảm kịch được sắp đặt diễn ra.

Bạo lực chính trị ở quy mô nhỏ hơn

Mức độ thiệt hại là quá nhiều, quá lớn và quá hỗn loạn. Nếu ai đó muốn thực hiện một vấn đề trong nước thì một cuộc giết chóc như vậy là không cần thiết.

Thái Lan từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực trong quá khứ, khi ai đó có thể ném một quả lựu đạn khiến vài người bị thương. Mục tiêu là phát đi một thông điệp chính trị, nhưng nhìn chung cũng chỉ ở mức độ như vậy mà thôi.

Giả thuyết về quân li khai và người Duy Ngô Nhĩ

Có một số ý kiến cho rằng vụ việc có thể liên quan tới xung đột của lực lượng Hồi giáo li khai ở miền nam Thái Lan. Nhưng phong trào bạo lực chính trị này chỉ giới hạn ở ba tỉnh miền nam chứ chưa bao giờ vươn tới tận thủ đô Bangkok.

Không ít người nhắc đến người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Lập luận cổ vũ cho giả thuyết này là người Duy Ngô Nhĩ tức giận vì Thái Lan đã trục xuất người tị nạn dân tộc này về nước, nên họ có thể muốn trừng phạt Bangkok. Nhưng lý lẽ như vậy rất mong manh.

Nếu là các tổ chức khủng bố quốc tế thì chúng thường đứng ra nhận trách nhiệm ngay sau khi xảy ra tấn công. Tuy nhiên, trong vụ việc vừa qua, đến nay vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào đưa ra tuyên bố.

Thái Lan, Bangkok, bom, tấn công, bí ẩn

Nhà phân tích Chachavalpongpun cho rằng chính quyền quân sự Thái Lan sẽ tận dụng tình hình hiện tại để củng cố quyền lực.

Thất bại tình báo

Dù là hung thủ là ai thì một điều rõ ràng trong vụ này là sự thất bại của tình báo Thái Lan.

An ninh ở Bangkok rất lỏng lẻo, và các nhà chức trách nghiễm nhiên cho rằng ở một đất nước theo đạo Phật thì không ai lại hành động như thế.

Nhưng nhiều vụ việc trong thời gian qua chứng tỏ tình báo không hề có một vai trò nào.

Chính phủ đã ra mặt cáo buộc một "nhóm chống đối chính phủ ở đông bắc Thái Lan", ý nói đến phong trào Áo Đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Các tướng lĩnh đang lãnh đạo đất nước có thể sẽ tận dụng tình hình này để khẳng định tính hợp pháp của họ và biện minh cho việc tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Chuyên gia phân tích Pavin Chachavalpongpun kết luận, không một giả thuyết nào kể trên có tính thuyết phục hoàn toàn.

Chắc chắn, vụ tấn công tối ngày 17/8 - làm 22 người chết và hơn 120 người bị thương - có nguy cơ làm xói mòn lòng tin vào sự an toàn nơi công cộng ở Thái Lan và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này.

Nếu cuộc tấn công hóa ra là một phần của một nghị trình chính trị trong nước, thì nó thực sự cho thấy một sự chuyển hướng rất cực đoan ở Thái Lan.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Bí ẩn đằng sau vụ đánh bom Bangkok - 3