Đội quân điệp viên đào tẩu bí mật của tình báo Mỹ
(Dân trí) - Suốt hàng chục năm qua, tình báo Mỹ đã chiêu mộ thành công nhiều điệp viên nước ngoài, đưa họ rời khỏi quê nhà và xây dựng một cuộc sống hoàn toàn mới tại Mỹ để phục vụ cho lợi ích của Washington.
Nhiều năm sau khi bỏ trốn khỏi Nga và định cư tại Mỹ, cựu sĩ quan tình báo KGB Nga Alexander Zaporozhsky đã được lôi kéo trở lại chính đất nước mà ông từng “phản bội”. Tuy vậy, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo ông không được phép rời đi.
CNN dẫn nguồn tin từ các cựu quan chức am hiểu về vụ việc cho biết một số quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đã tìm cách ngăn cản Zaporozhsky trở về Nga nhưng không thành công. Zaporozhsky từng cung cấp cho Mỹ những thông tin giá trị, từ đó dẫn tới việc bắt giữ Robert Hanssen - đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) và là gián điệp Nga.
Bất chấp mọi sự ngăn cản, cựu sĩ quan tình báo Nga làm việc cho Mỹ vẫn nhất quyết quay trở về Moscow vào năm 2001. Zaporozhsky sau đó đã bị bắt và bỏ tù tại Siberia (Nga) với tội danh móc nối với phương Tây.
Năm 2010, Zaporozhsky được Nga trả tự do và được đưa trở lại Mỹ trong cuộc trao đổi điệp viên giữa hai quốc gia. Sergei Skripal, cựu đại tá tình báo KGB bị buộc tội làm gián điệp hai mang cho Anh, cũng là một trong số các điệp viên được trao đổi lần này. Theo thỏa thuận, Mỹ đồng ý thả 10 người bị cáo buộc là gián điệp Nga hoạt động tại Mỹ.
Việc thu nạp các nhân viên tình báo và tuyển mộ gián điệp nước ngoài của CIA đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực tình báo của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Hoạt động này vẫn tiếp tục phát huy vai trò trong mạng lưới tình báo ngày càng phát triển như hiện nay.
Một mặt, các cơ quan tình báo như CIA vẫn thường xuyên vào cuộc để nhận dạng và bắt giữ những điệp viên nước ngoài bí mật làm việc cho các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc và Iran trên lãnh thổ Mỹ. Gần đây, Maria Butina, công dân Nga 29 tuổi, đã bị giới chức Mỹ bắt giữ hồi tháng 7 với cáo buộc làm điệp viên nằm vùng ở nước ngoài cho Nga.
Mặt khác, mảng tối của thế giới tình báo lại tập trung ở những điệp viên nước ngoài đào tẩu như Zaporozhsky và Skripal.
Những điệp viên đào tẩu
Tại Mỹ, CIA đã triển khai một chương trình tập trung vào việc bí mật giải cứu và ổn định cuộc sống cho các điệp viên như Zaporozhsky và Skripal. Họ là những người phải đối mặt nguy cơ bị bắt giữ, thậm chí bị xử tử vì đã “phản bội” đất nước của họ để làm việc cho Mỹ.
Theo các cựu quan chức tình báo Mỹ, ngay cả khi các điệp viên như Zaporozhsky và Skripal đã đặt chân đến lãnh thổ Mỹ, các mối đe dọa nhằm vào họ vẫn chưa dừng lại vì họ thường xuyên trở thành mục tiêu của những cuộc săn lùng. Những thách thức đặt ra cho tình báo Mỹ trong việc bảo vệ các điệp viên nước ngoài đào tẩu trở nên khó khăn hơn khi công nghệ mạng ngày càng phát triển, cùng với đó là sự bùng nổ của mạng xã hội.
“Trong nhiều thập niên, các điệp viên cấp cao đào tẩu được xem là tài sản quý giá nhất của mạng lưới tình báo. Đặt trong bối cảnh các đối thủ của chúng ta đều có khả năng tiếp cận với công nghệ cũng như những khó khăn trong việc che giấu thân phận, thách thức đặt ra cho CIA trong việc bảo vệ các điệp viên chưa bao giờ khó khăn hơn thế. Hiện nay, việc bảo vệ những người từng phản bội đất nước của họ để giúp đỡ chúng ta thậm chí còn quan trọng và khó khăn hơn so với thời Chiến tranh Lạnh”, Joe Augustyn, sĩ quan CIA nghỉ hưu người phụ trách vận hành chương trình điệp viên đào tẩu trong 3 năm, cho biết.
Theo cựu Giám đốc CIA Tướng Michael Hayden, những điệp viên đào tẩu không chỉ giúp ích cho hoạt động tình báo ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng những người đào tẩu là nguồn thông tin sâu và dài hạn. Họ có thể giúp làm sáng tỏ những thứ mà chúng ta từng thu thập được (từ nước ngoài) nhưng vẫn chưa hiểu đó là gì, cũng như những thứ mà chúng ta sẽ thu thập được trong tương lai”, ông Hayden nói.
Mặc dù CIA luôn cố gắng duy trì mức độ bí mật về hoạt động của các điệp viên đào tẩu để bảo vệ họ, song những vụ việc từng xảy ra như vụ cựu điệp viên Skripal cho thấy mức độ nguy hiểm mà các điệp viên phải đối mặt là rất lớn. Hồi tháng 3, cựu đại tá tình báo Skripal đã bị phát hiện bất tỉnh nhân sự bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Anh và chính phủ Anh nghi ngờ Nga sử dụng chất độc thần kinh để hạ độc ông này. Trong khi đó, Moscow kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc.
Chương trình điệp viên đào tẩu của CIA khởi động từ năm 1949 khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật, trong đó ủy quyền cho CIA tái định cư tới 100 người nước ngoài tại Mỹ nếu cảm thấy rằng đó là việc làm cần thiết đối với lợi ích của an ninh quốc gia hoặc phục vụ cho sứ mệnh tình báo. Thực tế cho thấy có hàng trăm cựu điêp viên hiện sống ở Mỹ với danh tính mới và đang có cuộc sống ổn định tại các cộng đồng dân cư trên khắp nước Mỹ.
Hàng chục đặc vụ của CIA, những người phụ trách chương trình điệp viên đào tẩu, chịu trách nhiệm giám sát các điệp viên và hỗ trợ họ tốt nhất có thể trong những năm tháng còn lại sống ở Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh họ vẫn là những đối tượng bị các đối thủ của Mỹ săn lùng gắt gao.
Cuộc sống mới tại Mỹ
Đại tá Ba Lan Ryszard Kuklinski từng tuồn tin mật của Liên Xô cho Mỹ (Ảnh: Wikipedia)
Không chỉ các điệp viên chuyên nghiệp, Mỹ cũng chiêu mộ cả các sĩ quan quân sự, nhân viên tình báo, học giả, nhà khoa học và cả những người có khả năng tiếp cận với các thông tin mật. Sau khi bỏ trốn, những người đào tẩu và gia đình của họ sẽ được cấp danh tính mới tại Mỹ. Họ sẽ được dạy tiếng Anh, chu cấp tài chính, cấp nhà ở và nhận được những lời khuyên như: không sử dụng mạng xã hội hay liên lạc với bất kỳ ai ở quê nhà.
Trong một số trường hợp, CIA có thể giúp một người đào tẩu vào trường đại học bằng cách tạo hồ sơ giả nếu anh ta cần hồ sơ để ứng tuyển. Cũng có trường hợp, tình báo Mỹ sẽ tìm cách sắp xếp một cuộc ly hôn bí mật cho điệp viên đào tẩu nếu vợ của điệp viên này vẫn sống tại quê nhà. Các nhà tâm lý học cũng sẽ vào cuộc để giúp các gia đình làm quen với môi trường sống mới.
Tuy vậy không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Con cái của một số điệp viên không thể cưỡng lại được sức hút của mạng xã hội, do vậy đã có những điệp viên phải quay về nước do không thể thích nghi với cuộc sống tại Mỹ.
Những điệp viên đào tẩu đặt ra cho các đặc vụ CIA vô vàn thách thức cả về tâm lý và hậu cần khi họ phải giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới quá trình ổn định cuộc sống của các điệp viên tại Mỹ. Một số người không thể chấp nhận được thực tế rằng họ không còn là nhân vật quan trọng như họ đã từng trước đây.
Mặc dù CIA đã cấp cho những người đào tẩu danh tính và công việc mới, nhưng những công việc này thường “thấp kém” hơn nhiều so với những chức danh tình báo, chính trị hoặc quân đội cấp cao mà họ từng nắm giữ trước đây. Cũng chính những vị trí cấp cao này từng đưa họ trở thành “mục tiêu” hấp dẫn cho các mục tiêu chiêu mộ của CIA.
Một người đào tẩu từng là nhân vật cấp cao thì nay trở thành một nhân viên giao pizza tại Mỹ. Ngoài ra, sự thay đổi về lối sống giữa hai quốc gia cũng gây ra không ít khó khăn cho chính các điệp viên đào tẩu và gia đình họ.
Mặc dù CIA đã thành công trong việc ổn định cuộc sống của hàng trăm điệp viên đào tẩu trong suốt hàng chục năm qua, vẫn có một số thảm kịch xảy ra. Một số người đã bị ám sát hoặc mất tích bí ẩn.
CIA hiện vẫn đi tìm câu trả lời cho vụ việc của Ryszard Kuklinski, một đại tá quân đội Ba Lan từng cung cấp cho Mỹ hàng nghìn tài liệu chứa thông tin mật về chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô. CIA đã đưa Ryszard Kuklinski tới Mỹ ngay trước khi chính phủ Ba Lan ban bố thiết quân luật vào năm 1981.
Kuklinski sống yên bình tại bang Florida, Mỹ trong nhiều năm sau khi rời khỏi Ba Lan và được cộng đồng tình báo Mỹ ca ngợi như người hùng vì đã giúp họ có thêm thông tin về vũ khí Liên Xô trong thập niên 70, 80. Tuy nhiên, hai con trai của Kuklinski đã lần lượt qua đời trong khoảng thời gian chỉ cách nhau 6 tháng vào năm 1994, trong đó một người bị mất tích ngoài khơi vùng biển Florida và người còn lại bị xe ô tô đâm khiến tất cả bốc cháy và không để lại bất kỳ dấu vết nào của hung thủ.
Thành Đạt
Tổng hợp